Quê tôi (một vùng thuần nông ở Thanh Hóa), nhiều gia đình vẫn có thói quen rủ nhau "đụng" thịt lợn vào mỗi dịp cuối năm, thường là vào 28 hoặc 29 tháng Chạp. Thời điểm này, những lam lũ của việc đồng áng tạm gác lại và mọi người bắt đầu chuẩn bị cho gia đình một cái tết ấm no.
Đàn lợn lớn từ những ngày bố, mẹ thức khuya dậy sớm
Gia đình tôi, ngoài ruộng lúa với vườn ngô, bố mẹ còn có nhiều năm nuôi thêm đàn lợn, là tài sản để lo cho anh em chúng tôi ăn học. Nhà tôi thường duy trì nuôi đàn lợn 10 - 15 con, mỗi năm xuất bán được hai lứa. Lứa lợn sau thường được "xuất chuồng" trước ngày 20 tháng Chạp.
Đàn lợn lớn dần bằng những tháng ngày thức khuya dậy sớm của bố, mẹ và bằng chính lúa ngô của gia đình, nên có tiếng là lợn "sạch" và chất lượng. Mặc dù các bác thương lái luôn muốn "mua gọn" cả đàn nhưng bố mẹ tôi vẫn giữ lại một con trong chuồng, đợi ngày "đụng" lợn với xóm làng.
Hàng xóm cùng gia đình tôi đã rủ nhau "đánh đụng" cả tháng trước khi tết đến xuân về. Và khi chỉ còn vài ngày là Tết Nguyên đán, những người đàn ông đại diện cho các gia đình kéo đến nhà tôi như đã giao hẹn. Một người được phân công một nhiệm vụ, rồi làm đòn khiêng lợn ra sân giếng, đặt lên cân để biết trọng lượng trước khi làm thịt...
Chia thịt là lúc rôm rả
Thứ các gia đình "đánh đụng" nhưng không chia là phần lòng lợn. Sau khi đã chia xong phần thịt, lòng lợn thường được chế biến thành các món ngon cùng với nồi cháo lớn để liên hoan. Người lớn, trẻ nhỏ đều quây quần vui vẻ, ngồi ăn uống dưới một khoảng sân rộng. Bậc cha, chú thì không thể thiếu vài ly rượu trắng, nhâm nhi bên đĩa lòng nóng còn bốc hơi khói, râm ran chuyện trò với tình làng nghĩa xóm.
Những gia đình "đụng" lợn thường trả tiền mặt ngay hôm mổ lợn. Ai cũng niềm nở vì giá cả rẻ hơn so với ngoài chợ. Còn bữa liên hoan có vui đến mấy và đĩa lòng lợn có thơm ngon cỡ nào thì cũng không có người say, vì sau đó mọi người thường về nhà để gói bánh chưng, chuẩn bị những món ăn truyền thống để đón tết.
Bình luận (0)