Quy hoạch TP.HCM mới nhất và những con số mong đợi

04/01/2025 04:32 GMT+7

Quy hoạch TP.HCM vào năm 2030 sẽ là đô thị 11 triệu dân với GRDP bình quân theo đầu người khoảng 400 triệu đồng mỗi năm.

Trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP.HCM có diện tích 2.095 km vuông, bao gồm TP.Thủ Đức và 21 đơn vị hành chính cấp quận, huyện như hiện tại.

Dân số TP.HCM hiện khoảng 9,5 triệu người. Dự báo, quy mô dân số thực tế thường trú của TP.HCM đến năm 2030 là khoảng 11 triệu người; đến năm 2050 là khoảng 14,5 triệu người.

TP.HCM tiếp tục là đô thị đặc biệt bao gồm 1 khu vực đô thị trung tâm và 6 đô thị trực thuộc gồm: TP.Thủ Đức và 5 đô thị vệ tinh cơ bản đạt tiêu chuẩn để nâng cấp lên thành phố (Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ). Quy hoạch cũng xác định triển khai quy hoạch, xây dựng không gian ngầm trên địa bàn trong quá trình quy hoạch đô thị.

Sau năm 2030, bắt đầu xây dựng các đô thị theo mô hình thành phố đa trung tâm gồm: khu vực đô thị trung tâm, đô thị Thủ Đức, đô thị Củ Chi - Hóc Môn, đô thị Bình Chánh, đô thị Q.7 - Nhà Bè và đô thị Cần Giờ (đô thị sinh thái biển).

Quy hoạch TP.HCM mới nhất và những con số mong đợi- Ảnh 1.

Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 qua những con số đáng lưu ý

ĐỒ HỌA: ĐẶNG SINH - THANH NGUYÊN

Quy hoạch TP.HCM: Những con số đáng chú ý

Theo quy hoạch, TP.HCM phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 8,5 - 9%/năm trong giai đoạn 2021 - 2030. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt 385 - 405 triệu đồng (tương đương 14.800 - 15.400 USD). Hiện tại, GRDP bình quân đầu người tại TP.HCM ở mức khoảng 200 triệu đồng/năm.

Về giáo dục, mục tiêu đảm bảo cơ sở vật chất, trường lớp đạt chuẩn quốc gia: mầm non đạt 60%; tiểu học đạt 80%; trung học cơ sở đạt 70%; trung học phổ thông đạt trên 50%; đạt 600 sinh viên đại học trên 10.000 dân.

Về y tế, đề ra mục tiêu đạt tỷ lệ 42 giường bệnh/10.000 dân; 23 bác sĩ/10.000 dân, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên 95%.

Về giao thông, đến năm 2030 hình thành các trục cơ bản của đường sắt đô thị, tầm nhìn đến năm 2050 hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị của TP.HCM.

Về du lịch, mục tiêu năm 2030, TP.HCM sẽ đón 13 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 50 triệu lượt khách du lịch nội địa. Hiện tại, trong năm 2024, TP.HCM đã đón 6 triệu lượt khách quốc tế và 38 triệu lượt khách nội địa.

Về nhà ở, quy hoạch đề ra mục tiêu diện tích sàn nhà ở bình quân sẽ đạt 30 - 32 mét vuông/người, hiện tại đang ở mức hơn 22 mét vuông/người.

Quy hoạch TP.HCM mới nhất và những con số mong đợi- Ảnh 2.

TP.HCM phấn đấu trở thành đô thị toàn cầu

ẢNH: NHẬT THỊNH

Những công trình mong đợi

Theo quy hoạch TP.HCM năm đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, có rất nhiều công trình giao thông đáng mong đợi. 

Trong đó, quy hoạch đề ra mục tiêu đầu tư xây dựng, nâng cấp các tuyến cao tốc, tuyển quốc lộ và đường vành đai đảm bảo kết nối liên vùng, giải quyết tình trạng ùn tắc tại các cửa ngõ của TP.HCM. 

Các công trình đáng chú ý gồm: Vành đai 2, Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài; cao tốc TP.HCM - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng; trục đường ven biển phía Nam từ Tiền Giang qua Cần Giờ, TP.HCM - Bà Rịa - Vũng Tàu - Đồng Nai... và rất nhiều công trình đường bộ khác.

Về đường sắt, quy hoạch đặt mục tiêu đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt khu đầu mối TP.HCM, tiếp tục đâu tư xây dựng các tuyến đường sắt đô thị TP.HCM gắn với phát triển các khu đô thị theo mô hình TOD, đảm bảo kết nối, đồng bộ với các tuyến đường sắt đô thị của các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Các công trình đáng chú ý: Đường sắt tốc độ cao bắc - nam, 12 tuyến đường sắt đô thị về kết nối với các tỉnh lân cận, đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, đường sắt TP.HCM - Lộc Ninh, đường sắt TP.HCM - Tây Ninh, đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, đường sắt chuyên dụng kết nối cảng Hiệp Phước.

Quy hoạch TP.HCM mới nhất và những con số mong đợi- Ảnh 3.

Tuyến metro số 1 đã bắt đầu khai thác thương mại

ẢNH: PHẠM HỮU

Về cảng hàng không, quy hoạch đề ra phát triển Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, cấp 4E, công suất 50 triệu hành khách (hiện công suất là 28 triệu). Hoàn thiện hạ tầng giao thông (đường bộ, đường sắt) kết nối giữa Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Về cảng biển, quy hoạch đề ra mục tiêu phát triển cảng biển TP.HCM thành cảng biển loại đặc biệt. Cảng biển sẽ gồm 7 khu bến chính: Khu bến Cát Lái - Phú Hữu; khu bến Hiệp Phước (trên sông Soài Rạp); khu bến trên sông Sài Gòn; khu bến Nhà Bè; khu bến Long Bình; khu bến cảng trung chuyên quốc tế Cần Giờ và các bến cảng tiềm năng tại huyện Cần Giờ. Trong đó, siêu cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có thể tiếp nhận tàu trọng tải đến 250.000 DWT.

Trong tầm nhìn đến năm 2050, TP.HCM được quy hoạch sẽ là đô thị toàn cầu hấp dẫn và bền vững; trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á; kinh tế, văn hóa phát triển đặc sắc; người dân có chất lượng cuộc sống cao; là hạt nhân của vùng TP.HCM và vùng Đông Nam bộ; cực tăng trưởng của cả nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.