Ngày 20.3, Văn phòng Đoàn ĐBQH-HĐND-UBND TP.Đà Nẵng cho biết, Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 393/QĐ-TTg phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Sơn Trà thành khu du lịch sinh thái cao cấp
Về định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực du lịch, Chính phủ định hướng Đà Nẵng phát triển dịch vụ du lịch gắn với bất động sản nghỉ dưỡng, bao gồm việc nghiên cứu quy hoạch và đầu tư xây dựng vịnh Đà Nẵng với kiến trúc và dịch vụ đặc sắc tạo điểm nhấn cho Đà Nẵng; phát triển cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistic.
Bốn trọng tâm đầu tư du lịch chính gồm: Sơn Trà thành khu du lịch sinh thái cao cấp, gắn kết du lịch với bảo tồn thiên nhiên, sự đa dạng sinh học; vịnh Đà Nẵng thành “đô thị biển” mang tính chất độc đáo, tạo nên điểm nhấn về kiến trúc và dịch vụ; khu trung tâm TP (downtown), phố mua sắm và nhà hàng truyền thống; và các dự án vui chơi, giải trí, điểm du lịch ngoại vi và liên kết vùng.
|
Đà Nẵng tiếp tục rà soát có cơ chế chính sách khuyến khích hơn nữa trong thu hút đầu tư, nhất là các dự án FDI từ các tập đoàn xuyên quốc gia, đa quốc gia thuộc top 500 của thế giới.
Năm 2020, các ngành công nghiệp – xây dựng sẽ đóng góp khoảng 33 - 34% trong cơ cấu GRDP và đến năm 2030 đóng góp 31 - 32% trong cơ cấu GRDP.
Về nông nghiệp, Đà Nẵng hình thành các khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch tạo ra các sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường.
Xây đường hầm qua sân bay Đà Nẵng
Liên quan đến định hướng phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, Chính phủ định hướng Đà Nẵng di dời ga đường sắt Đà Nẵng ra khỏi trung tâm TP và tuyến đường sắt mới gắn với dự án xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.
Sớm triển khai xây dựng cảng Liên Chiểu thành cảng loại IA theo quy hoạch hệ thống cảng quốc gia, mở rộng và chuyển đổi cảng Tiên Sa thành cảng du lịch quốc tế; phối hợp đề xuất xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao qua vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Huế - Đà Nẵng – Quy Nhơn), xây dựng hầm đường sắt qua đèo Hải Vân… Tiếp tục đầu tư mở rộng, nâng cao khả năng khai thác cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng công suất tối đa 28 - 30 triệu hành khách/năm.
|
Về định hướng tổ chức không gian lãnh thổ, định hướng phân bố sản xuất công nghiệp (KCN) tập trung và 4 khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung. Định hướng phát triển đô thị theo hướng mở rộng liên kết vùng, kết nối TP với các vùng phụ cận để tạo không gian phát triển đô thị; xây dựng đô thị theo mô hình TP thông minh, tiện ích cao, có diện mạo quy hoạch kiến trúc đặc sắc và nhân văn…
|
Về định hướng sử dụng quỹ đất, Đà Nẵng cần chú trọng nguồn đất dự trữ phát triển; tạo cơ sở pháp lý và khoa học cho việc giao đất, thu hồi đất, sử dụng đất đúng pháp luật, đúng mục đích, có hiệu quả. Đặc biệt, chú trọng quỹ đất tại các khu vực nhạy cảm như bờ biển Đà Nẵng, vùng đệm các dòng sông, các triền đồi núi.
Theo quyết định, Thủ tướng giao UBND TP.Đà Nẵng căn cứ nội dung điều chỉnh quy hoạch được phê duyệt, chỉ đạo công bố công khai, xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai.
Đà Nẵng nghiên cứu xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành một số cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển của TP và luật pháp của Nhà nước trong từng giai đoạn nhằm thu hút, huy động các nguồn lực để thực hiện quy hoạch.
Thủ tướng Chính phủ cũng giao các bộ, ngành trung ương liên quan, trong trường hợp cần thiết phối hợp với TP.Đà Nẵng nghiên cứu xây dựng hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn lực.
Các mục tiêu kinh tế cơ bản trong 10 năm tới Theo quyết định, Đà Nẵng tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 đạt 8-9%/năm, trong đó khu vực dịch vụ chiếm tỉ trọng 64 - 65%, công nghiệp - xây dựng chiếm 33 - 34%, nông nghiệp chiếm tỷ trọng 1 - 2%. Đến năm 2030, Đà Nẵng phấn đấu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021 - 2030 đạt 12%/năm, ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng 67 - 68%, công nghiệp - xây dựng 31 - 32%, nông nghiệp 1%. |
Bình luận (0)