Ra trường làm bao lâu mới 'lấy lại' học phí?: Câu trả lời là... hên xui?

Thanh Nam
Thanh Nam
07/11/2022 14:37 GMT+7

Loạt bài viết "Ra trường làm bao lâu mới 'lấy lại' học phí?" đăng tải từ ngày 1.11 đến ngày 6.11 đã thu hút nhiều ý kiến của bạn đọc Báo Thanh Niên .


Loạt bài viết "Ra trường làm bao lâu mới 'lấy lại' học phí?" nhận được sự quan tâm lớn của bạn đọc Báo Thanh Niên

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Do tốt nghiệp đi làm không đáp ứng được công việc?

Có nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân của thực tế “đi học đại học đóng học phí cao nhưng tốt nghiệp ra trường đi làm có mức thu nhập thấp” là vì học phí của nhiều trường ở mức “chạm trần”, trong khi nhiều doanh nghiệp chi trả mức lương còn thấp.

Bạn đọc er***@gmail.com cho biết: "Ở Pháp sinh viên vào đại học thường nhận được học bổng nhưng không đủ nên đa số phải đi làm thêm, một số họ phải vay mượn ở các ngân hàng sẽ hoàn trả lại sau khi tốt nghiệp. Nhưng không có ai củng mượn được, phải có học lực tốt và nhất là các phân khoa Y-Dược thì dễ dàng hơn".

Còn bạn đọc tranvinh1951990 phản ánh: "Học ở Việt Nam chi phí cao khủng khiếp, con bạn tôi học cấp 1 trường quốc tế tại Thái dạy 3 thứ tiếng nhưng học phí không tới 20 triệu đồng tiền, một năm chưa tới 100tr. Còn học trường quốc tế thì phải tầm cả tỉ hoặc hơn. Học đại học Việt Nam có những môn học không biết để làm gì. Ra trường 60% làm trái nghề đào tạo, học phí thì tăng mỗi năm, ra trường làm nhà nước thì có mà 10 năm chưa huề vốn ăn học và học phí, làm tư nhân thì ít cũng phải 4, 5 năm".

Theo bạn đọc Tuan Nguyen: "Nói đi thì phải nói lại, mặt bằng lương Việt Nam thấp trong khu vực. Không lẽ sinh viên ra trường 1-5 năm lương cứ phải gấp đôi ba lần người làm chục năm mới phù hợp".

Bạn đọc 11567 nói: "Lương thấp do học ra không đáp ứng được yêu cầu công việc, học nhiều thứ mà công việc lại không cần...".

Sinh viên cần trau dồi nhiều kỹ năng trong quá trình học đại học để tốt nghiệp ra trường có thể nhận mức lương cao hơn

L.T

"Hên thì 3 năm, xui thì vô chừng..."

Đó là ý kiến của bạn đọc Zoromask sau khi loạt bài “Ra trường làm bao lâu mới 'lấy lại' học phí?” đăng tải.

Nhiều bạn đọc khác cũng đồng tình với ý kiến này, đồng thời đưa ra mức thời gian... khá lâu. Như bạn đọc BENZ nói: "Lương mà gỡ học phí thì thời gian hoàn vốn kèm lời khoảng 10 -15 năm. Hãy tập trung vào thu nhập, nghề tay trái, làm thêm giờ hoặc chớp cơ hội đổi nghề khi thấy tìm năng".

Đồng cảm với những nhân vật trong loạt bài, bạn đọc THUY PHẠM chia sẻ: "Đừng đặt đến việc thu hồi vốn của học phí khiến ta buồn mà ta chỉ nghĩ hướng tích cực là ta được một gia tài một ngành nghề ổn định tương lai. Vậy hãy vui lên sống tốt hơn!".

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng không nên đặt nặng vấn đề về số tiền đã đóng học phí trong những năm ĐH. Như bạn đọc sutysw ý kiến rằng: "Cái được mà cân đo đong đếm kiểu này thì khỏi học khỏi tốn kém".

Bạn đọc Đăng Lê Nhất Thống cũng đặt vấn đề: "Sao lại nghĩ ra trường đi làm bao nhiêu để lấy lại vốn mà không nghĩ bản thân công hiến và xây dựng cho xã hội được cái gì chưa?".

Thế nhưng ý kiến này bị phản bác. Bạn đọc Zoromask nói: "Có thực mới vực được đạo, đi làm mà không lo được cho chính mình cho gia đình thì cống hiến gì?".

Theo bạn đọc Nông Dân: "Ở Việt Nam, chỉ trả được sau khi lập gia đình, con lớn vào đại học, khi đó mình trả dần theo kiểu cấn trừ, thông qua đóng học phí cho con".

Cũng sau loạt bài viết này, bạn đọc Đào Anh Tuấn thắc mắc: "Tại sao không dám thoát ra khỏi vùng an toàn nhỉ?", đồng thời kể chuyện của bản thân: "Mình ra trường cũng làm nhà nước vì ảnh hưởng tâm lý thích ổn định của ba mẹ. Nhưng không thể chịu nỗi môi trường làm việc vừa lương thấp vừa quá nhiều bất cập nên đã bỏ ngang để ra làm cho tư nhân. Và cho đến giờ vẫn thấy đây là quyết định đúng đắn của mình. Tất nhiên bạn mình làm nhà nước thì cũng có người thành đạt. Nên chung quy lại là do mình chọn thế nào và có nỗ lực hết mình không thôi".

Nhiều cử nhân ra trường phải làm đủ thứ nghề để vừa lo cho bản thân, vừa trả tiền vay đóng học phí

X.P

Xót xa chuyện bán đất cho con đi học

Những câu chuyện của các nhân vật trong loạt bài “Ra trường làm bao lâu mới 'lấy lại' học phí?” được bạn đọc Báo Thanh Niên chia sẻ vì có cùng tâm trạng. Như bạn đọc truongtamanh2018 kể: "Tôi đã thấy cảnh này lâu rồi. Nên tôi quyết định cho con tôi nghĩ học khi tốt nghiệp cấp 3 mặc dù con tôi học rất giỏi. Tiền học đại học để đầu tư cho con mua bán nhỏ, chứ đi vay hỏi học đại học rồi khi ra trường con tôi phải cày đi trả nợ 15 đến 20 năm coi như hết cuộc đời học làm và trả nợ".

Hay bạn đọc Nhà Họ Vương cũng đồng cảm: "Đau lòng khi mọi thứ đua nhau tăng giá. Để rồi bao ước mơ, bao hoài bảo của người trẻ tan biến. Và tôi cũng vậy...".

Xót xa và éo le nhất có lẽ là bình luận của bạn đọc Minh Đức. Người này kể: "Bán đất cho con đi học, học xong đi làm hơn 10 năm cũng không đủ tiền mua lại nửa miếng đất".

Vậy nhưng cũng có người có quan điểm ngược lại. Như bạn đọc hoangcuulong4082 cho biết: "Cũng tùy trường hợp thôi. Có những người học đại học và đi làm từ một đến hai năm là đủ vốn và mua nhà,mua xe... Và cũng tùy theo ngành học và công việc làm khi ra trường. Năng lực của mỗi người là quan trọng nhất. Một số ngành có thu nhập cao hiện nay tôi biết như ngân hàng, công nghệ thông tin, nha khoa, xây dựng...".

Theo bạn đọc trí Lê: "Đối với nhiều bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn vẫn mơ thoát nghèo bằng con đường vào giảng đường ĐH thì loạt bài "Ra trường làm bao lâu mới 'lấy lại' học phí" trên báo Thanh Niên chính là bài viết cảnh tỉnh".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.