Theo báo cáo của Công an TP.HCM về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tình trạng tàng trữ, mua bán, sử dụng trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ vẫn còn diễn biến phức tạp. Một số vụ cướp tài sản có tính chất manh động như sử dụng hung khí, công cụ hỗ trợ chặn đánh, thậm chí đột nhập vào nhà nạn nhân để uy hiếp cướp tài sản.
Các băng nhóm sử dụng vũ khí quân dụng nhằm mục đích thanh toán nhau và sẵn sàng chống trả khi bị phát hiện, truy đuổi. Một số thanh thiếu niên tụ tập, chạy xe lạng lách, đánh võng, tàng trữ, cất giấu vũ khí, hung khí, công cụ hỗ trợ để phòng thân, giải quyết mâu thuẫn cá nhân, sẵn sàng chống trả lực lượng khi bị phát hiện, truy đuổi.
|
Kể từ khi luật số 14/2017 của Quốc hội quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đến nay, Công an TP.HCM đã vận động thu hồi 59 súng săn, súng hơi, 36 súng tự chế, 556 vũ khí thô sơ, 3 lựu đạn, mìn... Các đơn vị chức năng cũng chủ động phối hợp nắm tình hình, kiểm tra hàng hóa ký gửi, xuất nhập khẩu, hàng hóa vận chuyển tại các bến cảng, sân bay, nhà ga, bến xe nhằm xử lý kịp thời các hành vi mua, bán, tàng trữ, sử dụng.
Đặc biệt, Công an TP.HCM triển khai, phát động các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm; tập trung vào địa bàn trọng điểm và các loại tội phạm nguy hiểm có tổ chức, băng nhóm tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, tội phạm sử dụng vũ khí gây án. Kết quả, công an đã bắt 129 đối tượng, xử lý hành chính 184 vụ với số tiền phạt hơn 1,3 tỉ đồng, thu giữ 5 súng quân dụng, 776 công cụ hỗ trợ.
Gỡ bỏ trang web rao bán vũ khí
Riêng các hành vi vi phạm về vũ khí, công cụ hỗ trợ qua mạng xã hội và sàn giao dịch thương mại điện tử, Công an TP.HCM đã xử lý 688 lượt đối tượng, thu giữ 13 gậy 3 khúc, 7 chi tiết lắp ráp súng. Đồng thời, đấu tranh triệt phá 27 băng nhóm, 61 đối tượng, thu 1 súng bắn đạn bi cùng 6 viên đạn, 35 công cụ hỗ trợ các loại, 66 mã tấu, dao, kiếm.
Qua điều tra, các đối tượng khai nhận hầu hết các loại vũ khí được vận chuyển từ các tỉnh phía bắc vào TP để mua bán, sử dụng trái phép. Số vũ khí, công cụ hỗ trợ này không nằm trong thực lực đăng ký, quản lý của cơ quan công an, quân đội. Các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ này được mua bán trên mạng internet với phương thức, thủ đoạn thông qua mạng xã hội (Youtube, Facebook, Zalo,..) và sàn thương mại diện tử (Lazada, Shopee, Tiki,...).
|
Công an TP.HCM cho biết sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ Công an xem xét ban hành quy định thay thế Quyết định 464 ngày 27.12.1993 của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) do có một số nội dung không còn phù hợp. Công an TP.HCM cũng đề nghị Chủ tịch UBND TP.HCM giao Bưu điện TP chỉ đạo các bưu cục địa phương và các công ty vận chuyển hàng hóa trực thuộc khi nhận vận chuyển hàng hóa có nghi vấn thì kịp thời thông báo cho công an để phối hợp kiểm tra, xử lý.
UBND TP.HCM vừa giao Sở Thông tin – Truyền thông làm văn bản đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông gỡ bỏ các trang web đăng tải video với nội dung giới thiệu mua bán và hướng dẫn các phương pháp chế tạo, sản xuất, sử dụng vũ khí. Đồng thời, kiểm tra hoạt động rao bán trên các trang mạng thông tin điện tử (Google, Youtube, Lazada) để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm luật An ninh mạng theo thẩm quyền.
Vụ việc nổi cộm liên quan đến vũ khí vừa xảy ra ở TP.HCM, đó là vụ Lê Quốc Tuấn (tức Tuấn "khỉ") dùng súng AK bắn chết 4 người tại sòng bạc ở huyện Củ Chi, sau đó bắn chết một người đi đường để cướp xe.
Bình luận (0)