Ngày 24.5, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh chương trình năm 2022.
Luật cần hạn chế sao chép các nghị quyết
Đánh giá về tình hình thực hiện chương trình năm 2021 và các tháng đầu năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật QH Hoàng Thanh Tùng cho biết công tác xây dựng pháp luật được bảo đảm liên tục, hiệu quả, không bị gián đoạn do việc chuyển giao nhiệm kỳ của các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, ông Tùng cũng đánh giá, công tác lập pháp trong thời gian qua vẫn còn hạn chế, bất cập như việc một số hồ sơ đề nghị xây dựng luật, nghị quyết chưa bảo đảm chất lượng, chưa đầy đủ hay tình trạng dự án đã được đưa vào chương trình nhưng không chuẩn bị kịp để trình QH.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM, đứng) phát biểu thảo luận tại hội trường |
Gia Hân |
Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu (ĐB) Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đề nghị QH cần phải yêu cầu các tổ chức, cơ quan đề xuất xây dựng luật phải có bản đối chiếu, phân tích và đánh giá “phí tổn và lợi ích” của dự án luật.
Theo ĐB Nghĩa trong phần đánh giá tác động của các dự án luật hiện nay, thông tin về phí tổn thường bị xem nhẹ, chủ yếu nói đến cái lợi. “Có những đạo luật ra đời thuận tiện cho cơ quan quản lý nhà nước, nhưng rất bất tiện cho người dân. Có những lĩnh vực cần làm chung một đạo luật đầy đủ các bộ phận liên quan nhau để tránh chồng chéo, xung đột và để thuận tiện cho người dân thì không nên chia cắt thành nhiều luật, lợi sẽ bất cập hại”, ông Nghĩa nói và cho rằng “những đạo luật như vậy gây ra lãng phí công sức, tiền của nhà nước, xã hội và nhân dân”.
ĐB TP.HCM cho rằng công tác xây dựng thể chế có hiệu quả thấp đang khiến nhà nước, doanh nghiệp và người dân phải chịu nhiều phí tổn. Điều này khiến VN tăng trưởng kinh tế khá cao, xuất khẩu nhiều, thu hút đầu tư nhiều, quy mô kinh tế lớn hơn nhiều nước ASEAN, thậm chí lớn hơn Singapore là nước phát triển nhất trong ASEAN, nhưng người dân vẫn nghèo hơn họ rất nhiều. “Luật rừng là có hại, nhưng một rừng luật với hiệu quả, chất lượng kém, chồng chéo, xung đột, gây ách tắc thì thiệt hại còn nhiều hơn”, ĐB Nghĩa nhấn mạnh và đề nghị QH vận dụng di huấn của Bác Hồ: “Cái gì có lợi cho dân thì hết sức làm, có hại cho dân thì hết sức tránh” khi xem xét các dự án luật để đảm bảo chất lượng.
Cùng quan điểm, ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) đề nghị khi xây dựng dự án luật cần mở rộng thành phần ban soạn thảo, chú trọng đến các nhà khoa học, đồng thời thực hiện lấy ý kiến nhân dân một cách rộng rãi thay vì lấy ý kiến hình thức, nhỏ hẹp như vừa qua. ĐB Cà Mau cũng nhận định, hiện có nhiều đạo luật mang nặng tính quy phạm chính trị, không phù hợp. “Nhiều trường hợp luật vẫn chép nguyên, thậm chí còn chung chung hơn các quy phạm chính trị thì làm sao thực hiện được?”, ông Vân phân tích và đề nghị các dự án luật cần hạn chế tối đa sao chép Hiến pháp, các nghị quyết của Đảng.
Sớm có luật Bảo vệ người dám nghĩ, dám làm
Trong phiên thảo luận, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề nghị đưa luật Giao thông đường bộ sửa đổi vào chương trình xây dựng pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh chương trình năm 2022 vì cho rằng, sau 10 năm thực hiện luật Giao thông đường bộ nhiều nội dung quy định không còn phù hợp. ĐB Cảnh cũng cho biết luật Giao thông đường bộ đã được Chính phủ trình tại nhiệm kỳ. QH khóa 14 đã được biên soạn công phu, nội dung phù hợp với thực tiễn. “Nếu được QH khóa 15 sớm đưa vào chương trình xây dựng pháp luật, được QH thảo luận và cho ý kiến thì chúng ta sẽ có pháp luật hoàn chỉnh để xây dựng hạ tầng giao thông, tổ chức giao thông đường bộ hiện đại, đồng bộ sử dụng hiệu quả hơn. Người dân sẽ chấp hành tốt hơn đối với các quy định hợp lý”, ĐB Cảnh phân tích.
ĐB Bình Định cũng đề nghị xây dựng luật Bảo vệ người dám nghĩ, dám làm để thể chế hóa chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung của Đảng. Nhiều ĐB cũng đề xuất QH sớm xây dựng nhiều dự án luật như ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đề nghị xây dựng luật Bản dạng giới cho cộng đồng người đồng tính; ĐB Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đề nghị xây dựng luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân…
Giải trình sau đó, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết luật Giao thông đường bộ sửa đổi sẽ trình cùng với luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ (tách ra từ luật Giao thông đường bộ để giao cho Bộ Công an chủ trì - PV). “Theo thông tin tôi được biết thì sắp tới cơ quan thẩm quyền sẽ cho ý kiến và Chính phủ sẽ trình lại để đưa vào chương trình. Tôi nhớ QH khóa trước giao cho Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thay vì nói là không trình lại”, ông Long cho hay. Liên quan tới đề xuất xây dựng dự án luật Bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, ông Long cho biết Chính phủ đã có kế hoạch thực hiện kết luận của Bộ Chính trị là thực hiện thí điểm sau đó nghiên cứu để thể chế hóa.
Theo chương trình xây dựng pháp luật điều chỉnh năm 2022, Chính phủ xin lùi luật Đất đai sửa đổi từ kỳ họp 3 sang kỳ họp 4 (tháng 10.2022), đồng thời bổ sung luật Phòng, chống rửa tiền sửa đổi, luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), luật Giá (sửa đổi), luật Đấu thầu (sửa đổi), luật Hợp tác xã (sửa đổi), luật Phòng thủ dân sự vào chương trình kỳ họp 4.
Đề xuất nhiều chính sách đặc thù cho Khánh Hòa
Chiều 24.5, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng thay mặt Chính phủ trình dự thảo Nghị quyết của QH về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Theo đó, Chính phủ trình QH xem xét thí điểm 11 chính sách khác nhau cho tỉnh Khánh Hòa. Trong đó, bên cạnh chính sách đặc thù về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước, điều chỉnh cục bộ quy hoạch hay quản lý đất đai như một số tỉnh thành trước đó, Chính phủ trình nhiều chính sách đặc thù để giúp Khánh Hòa thu hút các nhà đầu tư chiến lược tại Khu kinh tế Vân Phong.
Cụ thể, dự thảo cho nhà đầu tư chiến lược được trừ 150% chi phí nghiên cứu và phát triển thực tế khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp; được ưu tiên về thủ tục hải quan và thủ tục về thuế; hay giao cho Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong được thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường cho các dự án đầu tư. Dự thảo cũng đề xuất cho phép Chính phủ thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa, giao cho Khánh Hòa trực tiếp quản lý.
Lê Hiệp
Nợ xấu còn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nền kinh tế
Sáng 24.5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trình bày báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 42 năm 2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và tờ trình về việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42.
Lũy kế từ ngày 15.8.2017 đến 31.12.2021, toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 380.200 tỉ đồng nợ xấu theo Nghị quyết 42, bằng 47,9% số nợ xấu đã xác định thời điểm đó và số phát sinh. Tuy nhiên, bà Hồng cũng cho biết xử lý nợ xấu còn nhiều hạn chế, khó khăn xuất phát từ công tác thực thi, phối hợp triển khai, hướng dẫn từ các bộ, ngành và địa phương; đặc biệt về tiêu chuẩn thẩm định giá khoản nợ xấu, về việc thực hiện quyền thu giữ tài sản đảm bảo. Ngoài ra, còn có khách hàng không có ý thức tự giác, trốn tránh trả nợ, không bàn giao tài sản đảm bảo, chống đối, tạo ra các tranh chấp khác liên quan đến tài sản đảm bảo để khởi kiện ra tòa làm kéo dài thời gian xử lý tài sản đảm bảo.
Chính phủ đề xuất QH thông qua việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42 đến ngày 31.12.2023 và giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất nội dung cần luật hóa quy định về xử lý nợ xấu. Báo cáo thẩm tra sau đó, Ủy ban Kinh tế thống nhất việc gia hạn nghị quyết. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế cũng đánh giá, kết quả xử lý nợ xấu chưa thực sự vững chắc, thực trạng nợ xấu cho thấy nền kinh tế vẫn tiềm ẩn rủi ro. Một số lĩnh vực có số nợ xấu chiếm tỷ trọng cao so với nợ xấu của toàn hệ thống như: bất động sản (chiếm 18,4%); cho vay tiêu dùng (chiếm 25,8%); BOT, BT giao thông (3,92%)...
Anh Vũ
Bình luận (0)