Rưng rưng 'cưng xạo bà cố'

15/12/2019 09:36 GMT+7

Tôi lơ ngơ bước đến Sài Gòn vào một buổi trưa nắng gắt năm 1999 để bắt đầu quãng đời sinh viên của mình.

Từ chợ Bà Chiểu, tôi lần dò theo một địa chỉ nhà trọ mà ai đó đã chỉ cho tôi. Nhà trọ nằm trong một con hẻm ngoằn ngoèo, một cụ già ở nhà. Thấy tôi là sinh viên, cụ mời cơm, rồi cả hai đợi con gái cụ về. Chiều, con gái cụ đi làm về và đó cũng là lần đầu tiên tôi nói chuyện với một cô gái Sài Gòn. Chị tầm 40 tuổi, chưa chồng, làm nghề kế toán. Tôi có cảm giác chị rất hoạt bát, nhưng điều làm tôi khó chịu nhất chị luôn gọi tôi là “cưng”. Ở quê nhà chưa ai gọi tôi như vậy bao giờ, nhất là từ một người con gái.
Những ngày trọ học tại nhà của mẹ con chị, tôi chỉ thân với cụ, còn chị, tôi luôn giữ khoảng cách nhất định, dù chị rất tốt với tôi. Tôi vẫn không thể nào quen được cách mà chị hay gọi tôi. Chị vẫn gọi tôi là “cưng” thay vì gọi tên. Mỗi lần chị đi làm về thì căn nhà lại líu lo. Chị cứ luôn miệng: “Học hành sao rồi cưng?”, “Ăn cơm chưa, xuống ăn với mẹ con chị nè cưng” hay trêu tôi: “Dù cưng đẹp trai thế nào đi nữa thì cũng lo học hành nha, yêu đương sớm thì phiền lắm đó”... Chỉ một tháng tôi trọ nơi này, tôi đành phải khéo léo nói lời tạm biệt mẹ con chị để tìm nơi trọ mới, tất cả cũng chỉ vì tôi không muốn là “cưng” của chị.
Nơi trọ mới của tôi chỉ cách nhà mẹ con chị hai con hẻm. Và chỉ ngày đầu dọn về đây, tôi lại ngậm ngùi than trời. Căn nhà trọ này của một gia đình bán bún mắm. Nhà chủ đông người và không ngờ là cả nhà cũng gọi tôi là “cưng” nốt. Từ vợ chồng chủ, đến hai người con lớn tuổi hơn tôi đều “cưng” tỉnh bơ mỗi khi gặp tôi. Không những vậy, tôi còn được gắn cho một tính từ mới toanh ở Sài Gòn nữa: “xạo bà cố”. Những lúc ngoài quê chưa kịp gửi tiền vào, tôi nằm đói cồn cào trên gác. Cô chủ nhà hình như biết, cô ới lên gác: “Dzũ, xuống ăn bún nè cưng”. Tôi thoái thác không xuống vì ngại, chồng cô liền “ship” tô bún lên tận phòng tôi, chú tỉnh bơ: “Nè, ăn đi cưng, biết cưng đói mà cứ xạo bà cố”, tôi cầm tô bún, còn chú cười tỉnh bơ: “Lần sau có đói, thì cưng cứ xuống ăn bún, đừng ngại nghe hông. Đói nhăn răng, học hành gì được!”.
Sống thêm một thời gian nữa tại căn nhà trọ “bún mắm”, tôi bắt đầu nghiệm được một điều, “cưng” hay “xạo bà cố” là câu cửa miệng, cách nói vui, thân thiết của người Sài Gòn, chứ hổng phải ý đồ ghê gớm gì như tôi từng lo nghĩ. Và suốt bốn năm trời “lên bờ xuống ruộng” vì cảnh túng thiếu, đói ăn của quãng đời sinh viên, tôi vẫn sống được là nhờ không biết bao nhiêu con người Sài Gòn bình dị đã “cưng” tôi bằng tấm lòng hào sảng, chứ không chỉ lời nói. Từ những cô bác bán rau ngoài chợ Bà Chiểu, đến những căn nhà bán tạp hóa lụp xụp trong hẻm, mỗi khi họ nhìn tôi “thiểu não” mua thiếu gói mì hay đổi bình gas, là họ chép miệng “trả đúng hẹn nha, cưng xạo bà cố luôn đó”... Ấy vậy mà nhiều người sau khi “chửi” tôi xong, lại cười sằng sặc và còn “boa” thêm cho tôi bó rau hay trái cây...
Hai mươi năm ở Sài Gòn, tôi yêu tính cách của những con người ở mảnh đất này, nhất là cái tính bình dân nhưng luôn có tình có lý của họ. Tôi quay về thăm lại khu trọ xưa, căn nhà của hai mẹ con chị đã dời đi. Căn nhà trọ “bún mắm” vẫn còn đó, tuy nhiên cô chủ thì đã về trời, còn lại ông chủ, sau một lúc nhìn tôi, ông liền thốt lên: “Trời, Dzũ, nhìn bảnh dữ cưng. Sao giờ này mới dìa thăm chú. Ăn bún nha”... Chú vồn vã, vui mừng khi gặp tôi. Rồi tôi ghé thăm những tiệm tạp hóa xưa, gửi tặng họ chút quà tri ân, họ nhanh chóng gạt ngang giỏ quà để kéo tôi vào, và cố hỏi xem tôi sống như thế nào, ba mẹ khỏe không, có vợ chưa. Họ vẫn vồn vã, tình cảm, và bình dị đúng “chất” Sài Gòn. Họ kể tôi nghe người này còn sống, người kia lên trời, con hẻm đã thay đổi, họ vẫn nhớ tôi. Tôi ngồi nghe mà cứ rưng rưng trước tấm lòng của những người dưng này.
Sài Gòn đã phát triển rực rỡ hơn so với trước đây. Cuộc sống đã thay đổi theo hướng hiện đại và gấp gáp. Chỉ có một điều không bao giờ thay đổi ở mảnh đất này, mà ai từng sống cũng đều cảm nhận được, đó là tính cách hào sảng, bình dân cũng như lối sống trọng tình của người Sài Gòn. Như cách mà họ chào tôi, lúc tôi rời đi, kèm lời hứa tôi sẽ quay lại thăm họ lần nữa, họ vẫy tay chào và nói: “Thôi, cưng xạo bà cố. Dì biết mà”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.