Trong những ngày giáp tết này, nơi đây vỗn nhịp nhịp với dòng xe tấp nập nhưng vẫn giữ được nét duyên dáng, lặng thầm giữa đô thị phương Nam đầy nắng.
Hồ Con Rùa là tên gọi dân gian của một hồ nước nhân tạo nằm giữa nơi giao nhau của ba đường: Võ Văn Tần, Phạm Ngọc Thạch và Trần Cao Vân. Khu vực này hiện có tên chính thức là Công trường Quốc tế. Có lẽ vì nhìn ra tháp nước và thấp thoáng “đuôi rồng” là một mảng bê tông giữa hồ, gắn liền với giai thoại “trấn yểm long mạch” mà nơi đây có hàng chục quán cà phê san sát nhau luôn hấp dẫn khách gần xa.
|
Cách đây độ chục năm, những ai sành cà phê ở khu vực này đều biết tiếng quán Window nằm ở góc đường Trần Cao Vân quẹo ra Công trường Quốc tế (hiện nay đã chuyển sang đường Alexandre de Rhodes, cạnh công viên 30-4). Những năm đầu thế kỉ này, hệ thống cà phê hình hộp này đang thịnh hành ở Sài Gòn, và hẳn nhiên ở khu vực đắc địa này có một quán như vậy. Trai tài gái sắc dập dìu. Vài năm sau này, quán này đã trả lại mặt bằng và dời sang chỗ mới. Tuy nhiên, tính từ phía đường Trần Cao Vân ra hồ con Rùa tuần tự là các quán: 42, Art, Công trường (trước đây là Ngõ thời gian), Gió Bấc, Upon, Napoly…
|
Đây là những quán cà phê có tính lâu đời nhất ở khu vực này. Mỗi quán mang một phong cách rất riêng. Chẳng hạn, quán duy nhất khu vực này mang tên số là cà phê 42 có khoảng sân rộng, thoáng mát, nhìn ra hai mặt tiền đường là Trần Cao Vân và Công trường Quốc tế. Khách đến đây đủ giờ giấc từ sáng đến trưa, thậm chí là tối. Ngay bên cạnh, quán Art hay Công trường thì khách nhìn ra mặt hồ phải qua tấm kính cường lực, trong suốt, có vẻ ngột ngạt hơn. Phía mặt hồ đối diện, quán Upon mang âm hưởng như tên gọi…Hàn Quốc thì dùng ghế ngồi cao, mặt bằng rộng rãi.
|
Mới đây, quán Gió Bấc nằm ở khúc cua Công trường Quốc tế và Phạm Ngọc Thạch với tầng trệt và lầu cũng phải thoái lui, để trả lại mặt bằng cho chủ. Ai cũng tiếc nuối. Quán Gió Bấc đối diện với trường đại học Kinh tế từng có một thời vàng son khi đêm đến là điểm hẹn của một phòng trà thu nhỏ, cũng có ca sĩ hát rồi khán giả cũng tìm đến hát với nhau. Sài Gòn những ngày trước Noel hằng năm tràn ngập nắng ấm. Trong không gian ấm cúng đó, người ta cảm thấy ấm áp hơn với những mối tình đầu và bao cuộc hẹn hò đầu tiên. Họ chọn quán này để sẻ chia và tâm sự.
|
Dạo sau này, khi một số quán cà phê mở rộng phía trước để đón gió thiên nhiên, quán này cũng đưa ra mặt tiền Phạm Ngọc Thạch một số bàn ghế để khách thưởng lãm không khí phố phường nhưng vẫn vắng. Cuối cùng cái tên Gió Bấc cũng bị xóa sổ khi hàng loạt quán bên cạnh định hình khách và “thu nhận” khách thân quen mỗi ngày, nhất là chịu áp lực khi một quán cà phê rang xay giá rẻ bên cạnh xuất hiện. Cà phê Napoly vẫn vậy, với khoảng sân phía trước và không gian máy lạnh hình hộp phía sau, lượng khách vẫn ổn định suốt nhiều năm qua. Phía trên lầu tối đến còn có một quầy bar thu nhỏ.
Khách đến Hồ Con Rùa từng tiếc ngẩn ngơ khi vài quán cà phê cóc cũng bị thoái trào và dừng hoạt động vì việc chỉnh trang đô thị. Ai từng ngồi quán cóc tại số 10 Công trường Quốc tế ngay vòng xoay, phía đầu Phạm Ngọc Thạch (đối diện cà phê Upon) hay phố cà phê “bệt” dưới những tán cây xanh trước văn phòng bộ GD-ĐT tại phía Nam từng bao lần phải thu dọn xe máy khi nhà chức trách đi ngang qua. Người chủ quán thì thấp thỏm dựng lại xe máy cho khách. Bao bận, khách vãng lai phải đóng tiền phạt vì đậu đỗ xe máy trái phép trên vỉa hè. Thế rồi, các quán này dẹp dần.
Ở Hồ Con Rùa, người đến đây đều cảm nhận một phần của cuộc sống bắt đầu từ mỗi sáng. Đó là những vị khách bước xuống xe hơi đắt tiền, thưởng thức giọt cà phê sóng sánh, hướng mắt ra mặt hồ mờ sương sớm. Trong quán là những lời bàn tán nóng hổi trước các vấn đề thời sự của khách trong Nam ngoài Bắc, đủ giọng nói các vùng miền. Nhưng bên ngoài lớp cửa là hình ảnh những người già đệm đàn hát rong, kiếm tiền mưu sinh hay những người đàn ông bán vé số dạo rất đặc biệt khi in kết quả dán đầy người cho dễ gây chú ý.
Cà phê ở Hồ Con Rùa đặc biệt là vì thế. Khách vẫn đến và đi vào dòng người xuôi ngược. Khi xuân về, nơi đây lại càng đầy ắp tiếng người cười nói với bao dự định trước thềm tết đến.
|
Bình luận (0)