Tôi bước chân lên Sài Gòn trong sự không ủng hộ của gia đình. Từ nhỏ, sức khỏe tôi đã không tốt. Nói không ngoa, 1 tháng có lẽ cũng bệnh mất 20 ngày. Vì thế mẹ không yên tâm để tôi “một mình bơ vơ nơi xa lạ, có khi đột quỵ nửa đêm cũng chả ai hay”. Đương nhiên tôi phản đối. Ngày đó, tôi có một niềm đam mê mãnh liệt với truyền thông, ngành học còn rất xa lạ tại Đắk Lắk. Điều ấy càng thôi thúc tôi “khăn gói quả mướp” lên Sài Gòn cho bằng được.
Thi rớt ngành Báo chí – Truyền thông tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, tôi chuyển nguyện vọng qua ngành Văn học. Qua năm hai, khi phân chuyên ngành, tôi lại chọn Hán Nôm, ngành mà các thầy cô trong khoa hay đùa là “bới đống tro tàn” vì tính chất "hoài cổ" cũng như cơ hội làm đúng chuyên ngành không dễ. Một năm học Hán Nôm, những tưởng rằng mình sẽ đi theo con đường nghiên cứu hoặc chí ít là làm việc tại một công ty Trung hoặc Đài Loan, một cơ duyên tình cờ đã đẩy tôi chệch khỏi con đường đã dự định bấy lâu nay.
Đầu năm tư, đám chúng tôi đều “đau đầu” vì việc chọn công ty thực tập, đương nhiên tôi cũng không ngoại lệ. Rớt suất thực tập tại phòng nghiên cứu tư liệu Hán Nôm của Khoa, tôi thấy tương lai mình như đang đi vào ngõ cụt, vì ngoài Hán Nôm, tôi chẳng biết gì cả. Tình cờ, một “sư muội” khóa dưới đưa tôi thông tin tuyển dụng thực tập sinh truyền thông tại 1 công ty tận quận 4. Tôi đăng ký và trúng tuyển. Chính cơ duyên bất ngờ này đã thay đổi định hướng tương lai mà tôi đã tự vạch ra cho mình trước đó.
|
Đó cũng là khoảng thời gian đầy khó khăn và áp lực với tôi. Từ một đứa ngày ngày “bán mặt” cho Đường thi, Hán tự, Tứ thư ngũ kinh… tôi bắt đầu học cách viết tin, viết phóng sự, content facebook, khó hơn là thiết kế hình ảnh, làm clip… những việc tôi chưa từng thử qua. Sau 2 tháng thực tập, thay vì kết thúc hợp đồng lấy giấy xác nhận nộp lại cho trường, tôi lựa chọn tiếp tục ở lại đến hết năm học để trau dồi thêm kinh nghiệm.
Lúc ấy, tôi còn ở Thủ Đức, mỗi ngày phải đi 2 tuyến xe bus trên quãng đường gần 17km để đến công ty. Mỗi tuần 3 ngày như thế. Nhiều người hỏi tôi sao phải vất vả vậy, chấp nhận làm thực tập suốt cả năm trời, lại còn phải đi xa dù sức khỏe tôi trước giờ vốn đã không tốt. Tôi đã trả lời thế nào nhỉ, tôi nói rằng dù mệt nhưng tôi luôn hài lòng vì lựa chọn đó. Xuất phát điểm của tôi vốn là số không, ngoại hình không, kinh nghiệm càng không, lại thêm điểm trừ lớn nhất là tiếp thu chậm nên tôi bắt buộc phải nỗ lực gấp 4, 5 lần những người khác. Tôi chấp nhận. Một phần vì muốn khẳng định giá trị bản thân. Một phần khác quan trọng hơn là vì tôi đã lỡ “trót yêu” nơi này mất rồi.
Kỷ niệm tôi nhớ nhất là vào tháng 1.2019. Chúng tôi phải làm gấp một clip để công chiếu cho buổi Year and party vào hôm sau. Đó cũng là lần đầu tôi bắt tay thực hiện công việc như vậy. Thử nghiệm và thất bại luôn song hành với nhau. Trong thời gian chờ đợi xuất video, một chị đồng nghiệp còn tranh thủ dạy tôi bài múa cho buổi trình diễn tối mai (do tôi mải làm clip nên không thể tham gia các buổi tập trước). Đến 10 giờ tối, sản phẩm của chúng tôi rốt cuộc cũng hoàn thành. Lúc đấy, tôi đã “vui đến muốn khóc”, dù tôi không phải người đóng góp công lao nhiều nhất.
Ngày 16/12/2019 tôi tốt nghiệp. Trong khoảnh được xướng tên lên nhận bằng, bên cạnh sự hân hoan, vui mừng thì cảm giác trống trải, mơ hồ chợt bủa vậy trong tôi. Đó có lẽ không phải cảm xúc của riêng tôi mà cũng là suy nghĩ chung của đám chúng tôi - những sinh viên mới ra trường. Lúc này đây, con đường đầy chông gai phía trước chúng tôi phải tự mình bước đi, không ai dìu dắt, nâng đỡ. Dù thành công hay thất bại cũng phải tự mình đón nhận.
Ngoài sự lo lắng, bất an, thứ đón chờ phía trước chúng tôi còn là niềm hy vọng và cả những mơ mộng thanh xuân. Lợi thế của chúng tôi là tuổi trẻ, cả một thanh xuân dài dằng dặc vẫn đang chờ đợi chúng tôi khám phá và trải nghiệm.
Thanh xuân của tôi chính là Sài Gòn. Nơi đã gieo mầm và nâng đỡ những khát vọng trong tôi. Tương lai là điều không thể đoán trước, những điều không bao giờ thay đổi là tình yêu của tôi đối với mảnh đất này. Dù đôi khi, Sài Gòn cũng làm tôi buồn, làm tôi khóc nhưng tôi vẫn yêu Sài Gòn lắm lắm, vì đây là nơi để tôi “ký gửi” những giấc mơ.
|
Bình luận (0)