Sài Gòn thật dễ thương

11/04/2020 06:31 GMT+7

Là câu nhận xét phổ biến trên các mạng xã hội khi ai đó chia sẻ một bài viết liên quan về nghĩa cử của người dân Sài Gòn, từ cây “ATM gạo” , đến danh sách dài liệt kê các địa chỉ phát cơm miễn phí trong tuần...

Cây “ATM gạo” xuất hiện đầu tiên trên đường Vườn Lài (Q.Tân Phú, TP.HCM) chưa tới 1 tuần đã được bàn tán khắp nơi từ nam chí bắc. Chưa bao giờ lòng nhân ái, tính cách phóng khoáng, dễ thương của người “ở trỏng” được bàn tán nhiều như những ngày qua.
Tính đến chiều qua (10.4), nguồn gạo nghĩa tình được các nhà hảo tâm chở đổ về kho của cây “ATM gạo” hơn 60 tấn. Sau một cái bấm nút, “suối gạo” lại tuôn trào chảy, bất kể ngày đêm, làm ấm lòng bao người nghèo ở TP.HCM.

Cây “ATM gạo” nhân ái

5 giờ sáng 10.4, chủ nhân của cây ATM gạo trên đường Vườn Lài (Q.Tân Phú) là ông Hoàng Tuấn Anh đưa lên Facebook cá nhân hai tấm hình chụp người dân nghèo đứng chờ lấy gạo từ cây “ATM gạo”, có 11 người đang đứng chờ, mỗi người đứng trên ô được sơn sẵn cách nhau 2 m.

Vui nhất là nay tôi có thêm rất nhiều “bạn bè” là người nghèo khó, những mảnh đời mà nếu sống bình yên hằng ngày như khi không có dịch, tôi không bao giờ có cơ hội tiếp cận và quen biết họ.

Ông Hoàng Tuấn Anh

Người đứng trước lấy gạo xong, người đứng sau sau khi rửa tay sát khuẩn, bước tới trước “cây ATM”, lấy bịch ni lông, bấm nút, van tự động mở, hứng gạo từ bồn chứa gạo chảy xuống qua đường ống dẫn, cột bịch mang về nhà. Khu vực này luôn có loa hướng dẫn người dân cách lấy gạo, hạn chế rơi vãi… Mỗi lần gạo chảy ra khoảng 1,5 kg, cứ như vậy, gần như suốt ngày suốt đêm, dòng người chờ để bấm nút hứng gạo mang về nấu, dòng người chở gạo đến ủng hộ không dứt, rộn ràng cả đoạn đường.
10 giờ sáng 10.4, ông Nguyễn Văn Lang (64 tuổi) đạp chiếc xe cũ dựng tạm gốc cây bên đường, lúng túng đứng xếp hàng, chờ đến phiên bấm hứng được 1,5 kg. Đây là lần đầu tiên ông Lang đạp xe từ Q.12 về đây “xin gạo”.
Ông nói: “Trong xóm có ông Tám cũng bán vé số như tui, sáng hôm qua có xin được bịch gạo về nấu. Ông kể hay lắm, khuyên tui lên xin về mà nấu qua cơn khó khăn. May quá, mấy hôm nay không đến nỗi đói, vì trong tổ dân phố, bà con trong xóm trọ đều khó khăn nhưng cũng chia sẻ cho nhau...”. Bà Phan Thị Hoa (67 tuổi) nhờ con rể chở từ Q.3 lên tận nơi, cho biết bà bán hàng rong bánh tráng trộn, bánh tráng nướng... trước một trường tiểu học và sư phạm khu vực Q.3, nhưng từ sau tết đến nay không mua bán gì được vì học sinh nghỉ học. Gánh nặng cơm nước cho cả nhà đổ hết lên vai hai vợ chồng cô con gái. Nghe đồn cây phát gạo miễn phí, bà lên đây xin mong “được chừng nào hay chừng đó”.
Ông Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc Công ty khóa điện tử PHG Lock - người cùng 3 nhân viên kỹ thuật sáng chế ra cây “ATM gạo”, cho biết từ đầu mùa dịch, công ty đã tổ chức nhiều đợt tặng quà, mì tôm, gạo cho người nghèo để vượt qua khó khăn, nhưng sau thấy kiểu nhận và tặng quà trực tiếp ngay trong mùa dịch không an toàn, chứa nguy cơ lây lan bệnh Covid-19. Tận dụng những thiết bị có sẵn trong mảng khóa điện tử của mình, ông Tuấn Anh đã cùng 3 nhân viên kỹ thuật, mất một ngày để cho ra đời chiếc máy.
“Do ý tưởng và nhu cầu đến nhanh và gấp, không thể đặt làm ở đâu, chúng tôi tháo mô tơ ngay trong thiết bị thử khóa của công ty để làm máy phát gạo này. Chi phí cho một máy chỉ tầm 10 triệu đồng, nhưng hiệu quả của nó, thật lòng, khi làm, chúng tôi không dám nghĩ thành công như vậy”, ông Tuấn Anh nói

“Nếu khó khăn, cứ lấy một phần”

Ngay ngày đầu tiên Thủ tướng phát lệnh “cách ly toàn xã hội” (1.4), đã có rất nhiều nơi tự nguyện nấu cơm, phát cơm miễn phí cho người dân nghèo gồm những người lao động tự do, bán vé số, hàng rong, những người chạy ăn mỗi ngày, bị đột ngột ngưng công việc theo lệnh tạm cách ly ở nhà.
Ngày 1.4, trên Facebook của bạn Quang Minh tổng hợp 19 địa chỉ cung cấp thức ăn miễn phí, hỗ trợ bà con nghèo mùa dịch. Đó là quán chay Bình An (49 Ngô Quyền, Q.10), Giáo xứ Phú Trung (Lạc Long Quân, Q.11), quán nướng Yaki (18 Chế Lan Viên, Tân Phú)... Đặc biệt, hệ thống quán cơm Nụ cười (8 cơ sở phủ tại các quận 5, 7, 11, Tân Bình, Bình Thạnh...) phát cơm từ 9 giờ 30 sáng đến hết cơm. Nhà ăn 0 đồng Nhất Tâm (H.Bình Chánh) cung cấp miễn phí 1.500 - 2.000 suất cơm chay cho người nghèo từ 10 - 16 giờ mỗi ngày.
Rất nhiều mẩu chuyện cảm động được kể lại từ những điểm phát phần ăn miễn phí này. Ông Phạm Văn Trực (Q.11), người từng nhận phần cơm chay từ tiệm ăn Nụ cười trên địa bàn Q.11, cho biết hôm trước thấy 2 ông già thường nằm ngủ gần ngã tư Âu Cơ - Lạc Long Quân hằng đêm. “Trưa tui đến xin 2 phần cơm để chiều cho hai ông cụ đều già gần 80 tuổi. Đến chiều, chỉ gặp một cụ, quay lại quán trả lại một phần. Quán bảo sao tui không giữ luôn về cho người khác. Tui nói mình có ăn rồi, xin cho người ta. Người ta không có tại đó, mang về nhà thừa trong khi người khó không có ăn còn nhiều”, ông Trực kể, mắt rưng rưng nói trong hoạn nạn mới thấy tình người bao la.
“Nếu bạn khó khăn, xin lấy 1 phần. Nếu bạn ổn thì xin nhường lại” là thông điệp cũng như lời kêu gọi tại các điểm phát thức ăn miễn phí này trên địa bàn thành phố suốt tuần qua. Tại điểm phát gạo, rau hữu cơ số 288 Nguyễn Thái Sơn (P.4, Q.Gò Vấp, TP.HCM) của Công ty Vinamit - Organics và quán cafe gây quỹ từ thiện Regina, đại diện ở đây cho biết, trung bình mỗi ngày, điểm này phát 100 phần quà cho những hoàn cảnh khó khăn. Chương trình dự kiến kết thúc vào ngày 15.4. Mỗi phần quà tặng là 1 kg gạo hữu cơ và rau 3 loại khác nhau. Trong 5 ngày đầu tiên, điểm phát ưu tiên cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn 60 phần, 40 phần còn lại là những người nghèo vãng lai nghèo, bán vé số. Những ngày sau đó phát 25 hộ nghèo, hộ cận nghèo thì 2 - 3 ngày phát 1 lần để phần còn lại cho những người vãng lai.
Ông Nguyễn Đình Sơn (ngụ Q.2, TP.HCM) kể nhóm thiện nguyện gồm một số nhà báo và doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM đã huy động được 35 tấn gạo hỗ trợ công nhân trong mùa dịch Covid-19. Trong đợt 1, nhóm sẽ phát 10 tấn gạo cho các công nhân tại Khu công nghiệp Hiệp Phước (H.Nhà Bè) và Khu chế xuất Tân Thuận (Q.7). Danh sách đợt 1 khoảng 1.000 người, mỗi người 10 kg gạo. Do dịch hạn chế tụ tập nên nhóm sẽ thực hiện đến tận nơi để tặng gạo cho người dân. Trường hợp không đi phát hết, số gạo sẽ được chuyển cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận huyện để họ gửi lại công nhân.

Những lời cảm ơn tận đáy lòng

Thực tế, không phải đến bây giờ người Sài Gòn mới ra tay làm từ thiện. Ngay sau tết, hàng ngàn tấn dưa hấu, thanh long tồn đọng ùn ứ do không thể xuất đi Trung Quốc, nhiều nhà hảo tâm đã đứng ra mua giải cứu. Phổ biến nhất là mua phát cho người dân hoặc bán rẻ lại, kêu gọi cộng đồng chung tay hỗ trợ. Trường hợp đặc biệt như với ông Kao Siêu Lực, chủ thương hiệu bánh ABC, mua hàng tấn thanh long ruột đỏ, sáng tạo nên loại bánh mì thanh long độc đáo.
Khi được hỏi, ông Lực chỉ nói câu giản dị: “Bà con nông dân mình còn khổ lắm, được mùa cũng khổ, mất mùa cũng khổ. Là doanh nhân, trách nhiệm của mình là nghĩ làm được gì để hỗ trợ, mong cuộc sống của họ tốt hơn, giàu có hơn là xã hội phồn vinh. Tôi luôn canh cánh trong lòng điều đó, nên không chỉ với quả thanh long, tôi muốn làm nhiều hơn cho ngành nông nghiệp Việt”.
Bà Phạm Thúy Nga, chủ doanh nghiệp may mặc trên đường Lê Văn Sỹ (Q.3, TP.HCM) - người đã ủng hộ 2 tấn gạo cho cây ATM gạo ở Q.Tân Phú, cho biết việc làm này khiến bà cảm kích. “Tôi đặt mua gần 2 tấn gạo, bảo chở lên 2 đợt để ủng hộ. Tôi quê gốc Hải Phòng, rời quê vào nam làm ăn với 2 bàn tay trắng. 20 năm trước, tôi chưa bao giờ nghĩ mình có được như ngày hôm nay. Tôi thấy mình hàm ơn vùng đất này. Con người ở đây luôn vị tha, dung hòa, tốt bụng và phóng khoáng. Góp thêm chút quà nhỏ giúp người nghèo không phân biệt ở đâu, đang sống tại TP.HCM, không phải thêm lời cảm ơn hay sao?”, bà Nga xúc động nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.