Sài Gòn, thương nhau để cùng đứng dậy!

23/11/2023 15:00 GMT+7

Buổi tối hôm đó nếu không tận mắt nhìn thấy các chị, các cô ngồi cười nói, hát hò với nhau, tôi đã không tin Sài Gòn lại có một nơi lạ lùng như thế...

Những người phụ nữ ấy mỗi lần vô thuốc giống như một mầm cây bị dội nước sôi nhưng vẫn níu vào nhau để cùng đứng dậy. Ở cái nơi mà lằn ranh với cái chết mong manh vẫn thấy đời đẹp vô biên và ăm ắp tình người, tình đời.

Nhìn từ khoa ung bướu...

Nhìn từ khoa ung bướu...

N.H

Những ngày Sài Gòn nhiều mưa, tôi được sắp xếp chờ mổ ở Khoa Ung bướu phụ khoa - Bệnh viện Từ Dũ. Đó là nơi chủ yếu điều trị cho bệnh nhân ung thư buồng trứng và ung thư cổ tử cung. Đứng trên hành lang đó nhìn ra sẽ thấy một Sài Gòn phồn hoa, rực rỡ ánh đèn. Nhưng phía sau hành lang ấy là nơi thăm thẳm buồn. Những giọt hóa chất vẫn lặng lẽ chui vào người các cô cùng với những cơn đau triền miên, tiếng quạt máy khe khẽ, tiếng kéo xèn xẹt của những cây inox lạnh toát treo lủng lẳng bình thuốc…

Thấy tôi đến, chị sát giường bên nhổm dậy hỏi han. Biết tôi sắp mổ, chị động viên không sao đâu, rồi sẽ ổn cả thôi em à. Nếu có thắc mắc gì chị sẽ hướng dẫn cho! Chị tên Hạnh, kể mình bị cắt hết 2 buồng trứng rồi, điều trị 2 lần thất bại, ngày mai chị sẽ bắt đầu cho đợt điều trị thứ 3. Qua lời chị kể, tôi biết đa phần các cô các chị ở đây đều đã trải qua những ca mổ - cắt - xẻo như chị. Từ Dũ là bệnh viện lớn nên bệnh nhân từ miền Tây, miền Đông, miền Trung hằng tuần vào vô thuốc. Có người mới, tóc chưa rụng. Có người đã ra vô bệnh viện, nằm ở đây vài năm, quen biết nhau cả. Rồi chị hỏi, tôi đã có con chưa? Tôi gật. Chị Hạnh nói vậy là may mắn rồi, ở đây có mấy bé mười mấy tuổi mà đã bị bệnh. Nghĩa là chẳng còn cơ hội nào nữa làm mẹ. Chị bảo tôi ráng nằm nghỉ cho khỏe, mai có sức mà mổ.

Một lát sau tôi nghe có tiếng khóc. Ban đầu tiếng khóc nho nhỏ, rồi bật lên rưng rức. Tôi nhổm dậy nhìn, phía bên trong một chị đầu trọc dựa tường ngồi khóc. Mấy cô mấy chị lại gần ngồi xuống giường. Một cô lớn tuổi vỗ vỗ vào vai chị. Chị nói trong tiếng nấc nghẹn. Tôi nghe được rằng chị mệt quá, đau quá, muốn bỏ cuộc! Đợi cho cơn xúc động của chị qua đi, cô lớn tuổi nói chậm rãi: "Tao cũng bị tái lại lần thứ 3 rồi nè. Nhưng mày không nghĩ đến hai đứa con hả? Với lại bao công sức bỏ ra bao lâu nay sao bây giờ lại bỏ ngang xương vậy?". Mọi người xúm lại, mỗi người một câu an ủi, động viên chị. Rồi chị cũng nín khóc, lấy lại được bình tĩnh…

Buổi tối, các cô sẽ ngồi ở đây chuyện trò...

Buổi tối, các cô sẽ ngồi ở đây chuyện trò...

N.H

Ở đây nhiều người nằm một mình mà không có người thân. Bởi điều trị dài ngày nên người nhà cần đi làm kiếm tiền, ở nhà chăm sóc con cái. Nhưng không sao, người khỏe hơn hoặc người nhà của bệnh nhân trong phòng sẽ đi mua cơm, mua cháo hay vật dụng cần thiết cho những người còn lại. Vào thuốc người mệt, nhai cơm như nhai rơm, mọi người nhắc nhau phải ráng nuốt. Có một chị nhà ở quận 1, bảo chiều nay con gái mang vào món bò kho, ai muốn ăn thì nhắn chị để chị bảo con gái mang vào nhiều một chút. Chiều nay nó đi siêu thị, ai cần mua gì thì nhắn luôn.

Buổi chiều có một chị từ phòng bên cạnh đi qua dúi vào tay tôi mấy trái táo. Người chị gầy đét, đen nhẻm, đầu trọc giống mọi người. Chị bảo mọi người ăn cho vui, táo chị hái đem từ Bình Thuận vào đó, chẳng phân thuốc gì đâu. Tôi cắn trái táo giòn rụm, vị ngọt lành trôi vào cổ. Chị Hạnh nói chị đó mỗi lần vào vô thuốc đều có quà cho mọi người. Khi thì chùm nho đỏ, khi thì mấy trái táo.

Tối đó, tôi nghe tiếng cười nói từ hành lang vọng vào. Bên ngoài, một nhóm các cô đang tụm lại trò chuyện rổn rảng bên mấy cái bàn ăn ghép lại. Chị Hạnh nói, họ ngồi với nhau như thế suốt. Ngồi hát, xem bói, kể chuyện nhà chuyện cửa, chuyện tình yêu rồi các món ăn tốt cho bệnh của mình. Ăn nhiều để có sức khỏe vô thuốc, mong hết bệnh để được về với con, để ăn được bữa cơm ngon lành, để uống nước mà biết rằng nước mát. Hết bệnh để nhìn con lớn lên, thấy nó trưởng thành, lấy vợ lấy chồng.

Tôi ra ngồi với các cô, lặng im nghe họ nói cười. Lạ thật, những mái đầu không tóc, những gương mặt xám ngoét vì bệnh tật mà thấy họ đẹp vô cùng. Bệnh viện lạnh lẽo mà nghe lòng mình thật ấm. Ung thư ai mà chẳng khổ nhưng những người xa lạ gắn kết với nhau thành một gia đình, cùng động viên nhau để vượt qua biến cố lớn nhất của cuộc đời. Người kia chực ngã đã có những người khác dìu dậy!

Vài tuần sau, tôi ghé lên khoa lấy kết quả sinh thiết. Lòng tôi lo âu, nặng trĩu như có tảng đá đè trên ngực. Chỉ khi đọc được hai chữ "u lành tính" tôi mới trút được gánh nặng. Tôi ghé phòng thăm các cô, tìm quanh mới thấy chị Hạnh. Chị cười, đưa tay chùi nước mắt khi biết tôi bình an, nói rằng thực sự mừng cho tôi. Nhìn vào mắt chị, tôi biết chị rất thực lòng. Chào chị Hạnh, chào mọi người tôi ra về. Chỉ nằm ở đây vài ngày nhưng tôi nhận ra rằng chỉ cần mình ăn cơm thấy ngon, uống nước thấy mát, chỉ cần mình khỏe mạnh đã là một đặc ân lớn lao của cuộc đời…

Thỉnh thoảng đi ngang Bệnh viện Từ Dũ, tôi lại ngước nhìn lên tầng 3 ấy. Tôi biết, nơi đó chẳng giờ phút nào ngưng nghỉ cuộc chiến đấu níu giữ sợi dây kết nối với cuộc đời. Mệt mỏi, đau đớn có đủ cả nhưng ở Sài Gòn chẳng bao giờ thiếu đi hơi ấm tình người, thiếu đi sự lạc quan và lòng ơn biết ơn vô biên với cuộc đời này!

Cuộc thi viết Hào khí miền Đông do Báo Thanh Niên phối hợp cùng Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 tổ chức là cơ hội để độc giả chia sẻ tình cảm sâu đậm của bản thân về đất và người các tỉnh thành Đông Nam bộ (bao gồm Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Tây Ninh, TP.HCM), đồng thời đóng góp những cách làm hay, mô hình mới, tư duy sáng tạo, năng động của người miền Đông. Tác giả có thể gửi bài tham dự theo hình thức tản văn, tùy bút, ghi chép, phóng sự báo chí... để có cơ hội nhận các giải thưởng hấp dẫn với tổng trị giá đến 120 triệu đồng.

Bài dự thi vui lòng gửi về địa chỉ email haokhimiendong@thanhnien.vn hoặc gửi qua đường bưu điện về địa chỉ Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi Hào khí miền Đông). Cuộc thi sẽ nhận bài dự thi đến hết 30.11.2023. Bài viết được chọn đăng trên nhật Báo Thanh Niên và báo điện tử thanhnien.vn sẽ nhận được nhuận bút theo quy định của tòa soạn.

Thể lệ chi tiết vui lòng xem tại đây.

Sài Gòn, thương nhau để cùng đứng dậy! - Ảnh 1.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.