Ngày 16.9, trả lời PV Thanh Niên, ông Nguyễn Đồng Thanh, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Nai, cho biết công tác giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành đang được khẩn trương thực hiện nhằm bàn giao “đất sạch” (ưu tiên giải phóng mặt bằng rộng 1.812 ha) cho chủ đầu tư đúng thời hạn (dự kiến vào ngày 31.12.2019).
Cụ thể, đối với 1.812 ha đất của Công ty TNHH MTV Tổng công ty cao su Đồng Nai, quản lý đến nay đã hoàn thành công tác kiểm đếm cây cao su và tài sản trên đất. Hồ sơ đã được chuyển cho Tổng công ty cao su Đồng Nai để xác nhận. Đối với các cơ sở tôn giáo (chùa Bửu Lâm, nhà thờ Thành Tâm và nhà thờ Thành Đức), công tác kiểm đếm đã hoàn thành, chuyển hồ sơ để UBND xã Bình Sơn và các phòng ban chuyên môn của H.Long Thành thẩm tra, xác nhận nguồn gốc đất. Các tổ chức khác như công ty, doanh nghiệp, cơ quan, trường học... thì Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Đồng Nai đã hoàn thành công tác đo đạc.
Theo ông Thanh, vướng mắc lớn nhất hiện nay là ở các hộ dân, vì hiện tại chỉ mới kiểm đếm được 382 hộ. Tuy nhiên vẫn còn hơn 1.400 hộ chưa kiểm đếm được do mua, bán, cho, tặng bằng giấy tay; chủ hộ đi vắng, không xác định địa chỉ cụ thể. “Trung tâm phát triển quỹ đất H.Long Thành đã đăng thông báo theo quy định, nếu hết thời hạn thông báo vẫn không xác định được thông tin chủ sử dụng sẽ lập thủ tục kiểm đếm theo diện vắng chủ”, ông Thanh nói.
Về 2 khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn (282,3 ha) và Bình Sơn (81,8 ha), phần đất này chủ yếu thuộc Công ty TNHH MTV Tổng công ty cao su Đồng Nai, cuối tháng 8.2019, Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai đã nhận bàn giao. Quỹ đất này được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh quản lý, triển khai xây dựng các hệ thống hạ tầng.
Theo ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, tổng diện tích đất thu hồi phục vụ dự án sân bay Long Thành khoảng 5.584 ha, trong đó chiếm tới 85% là đất nông nghiệp. Tổng mức đầu tư các khu tái định cư là hơn 5.571 tỉ đồng. Phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư hiện nay do UBND tỉnh Đồng Nai lập, đã trình Quốc hội thông qua dựa vào nguyên tắc chung trên thực tế là bồi thường, hỗ trợ bằng tiền và xây dựng khu tái định cư trước khi thực hiện. Ông Võ đánh giá nếu thực hiện theo phương án này, chi phí rất lớn và phải chi tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước khi triển khai dự án.
Vì vậy, cần thay đổi tư duy thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thay vì bằng tiền, hãy dùng đất, không nhất thiết là đất cùng loại, miễn là giá trị làm hài lòng người bị thu hồi đất. Theo ông Võ, đây là cơ chế thoát đất, đã được Nhật Bản và Hàn Quốc áp dụng thành công. Theo đó, mỗi người sử dụng đất đều phải góp đất theo một tỷ lệ nhất định. Toàn bộ đất nông nghiệp sau đó sẽ được chuyển đổi thành đất phi nông nghiệp, như vậy diện tích vẫn giữ nguyên nhưng giá trị đất tăng lên nhiều lần, gấp khoảng 10 lần.
Người góp đất khi đó sẽ được nhận lại một phần đất mới đã chuyển đổi. Tỷ lệ diện tích đất góp và nhận xấp xỉ bằng tỷ giá đất tăng, có thể là 10% tùy chênh lệch giá giữa đất nông nghiệp và phi nông nghiệp.
“Như vậy chúng ta sẽ thừa một lượng đất mà trong thẩm quyền nhà nước quyết định chuyển đổi mục đích của đất, tức 90% phần đất còn lại sẽ được đấu giá và thu tiền. Tiền này sẽ trở thành vốn để xây dựng khu đô thị (bao gồm cả không gian tái định cư) và sân bay Long Thành”, ông Võ nói. Tuy nhiên, luật Đất đai hiện nay chưa có quy định về cơ chế góp đất. Vì vậy, ông Võ đề xuất Quốc hội cần nghiên cứu để thông qua một nghị quyết về khung pháp lý đặc thù cho việc giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành.
Bình luận (0)