Sập bẫy qua mạng: Người dân nên đề phòng khoản đầu tư mang 'lợi nhuận cao'

Ngọc Lê
Ngọc Lê
10/09/2022 17:54 GMT+7

Liên quan đến các hình thức lừa đảo, sập bẫy qua mạng, cơ quan công an cho rằng, người dân nên có sự kiểm tra thật kỹ trước khi thực hiện các giao dịch liên quan đến tiền, đề phòng trước những khoản đầu tư mang lại 'lợi nhuận cao'.

Thời gian qua, Bộ Công an, Công an TP.HCM và công an các địa phương triệt phá rất nhiều vụ án lớn liên quan các thủ đoạn lừa đảo trên mạng internet nhưng loại tội phạm này vẫn còn diễn biến phức tạp. Nhiều vụ án lừa đảo xảy ra trên toàn quốc với nhiều thủ đoạn hoạt động mới, tinh vi, gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Báo Thanh Niên vừa qua cũng có loạt bài Vì sao tội phạm lừa qua mạng vẫn hoành hành ? Lãnh đạo Cục nghiệp vụ Bộ Công an, Công an TP.HCM, chuyên gia tâm lý học cũng nêu một số lý do, giải pháp ngăn chặn loại tội phạm gây bức xúc dư luận trong thời gian dài.

Tội phạm lừa đảo qua mạng ngày càng tinh vi, phức tạp

CÔNG AN CUNG CẤP

Ngày 10.9, Phòng tham mưu - Công an TP.HCM cho biết, có rất nhiều thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng hiện nay, ví dụ như lừa đảo qua sàn ngoại hối, đầu tư tiền ảo, lừa tình lừa tiền, tự xưng là cán bộ công an/toà án báo có thư mời/triệu tập lên làm việc.... Hình thức lừa đảo qua mạng rất tinh vi, phức tạp.

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP.HCM phân tích, hiện nay các mạng xã hội như Facebook, TikTok, Zalo... được sử dụng khá phổ biến và trở thành kênh chính trong giao tiếp, trao đổi thông tin. Đây cũng là phương tiện để các nghi can lợi dụng để phạm tội, thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Các vi phạm chủ yếu trên không gian mạng là lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Công an TP.HCM cũng đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tập trung lập án, đấu tranh, xử lý nghiêm các vụ việc có tính chất tội phạm trên không gian mạng. Người dân cũng hết sức nâng cao ý thức cảnh giác không để mình là nạn nhân của tội phạm công nghệ cao. Không nên làm theo yêu cầu của nghi can, không tham gia chơi tiền ảo. Nếu phát hiện hoạt động loại tội phạm này thì nhanh chóng trình báo cho lực lượng Công an gần nhất để kịp thời hỗ trợ, xử lý theo quy định.

Thích được lợi, sợ mất cơ hội

Th.S Nguyễn Hồng Ân, Giám đốc chương trình tâm lý học - Trường đại học Hoa Sen phân tích, nói về nguyên nhân, có nhiều yếu tố khác nhau có thể khiến một người trở thành nạn nhân của các kế hoạch lừa đảo. Theo chuyên gia an toàn mạng Monica Whitty chia sẻ trên JSTOR Daily, các kế hoạch lừa đảo thường được dàn dựng công phu với mục tiêu làm tăng niềm tin của nạn nhân. Những chiêu thức này thường dựa vào bản tính xã hội và những hạn chế trong việc nắm thông tin và ra quyết định của con người.

"Thủ phạm thường tự xưng mình ở một vị trí có thẩm quyền như công an, cơ quan nhà nước, bác sĩ… hoặc có mối quan hệ thân cận như gia đình, bạn bè để tạo niềm tin và tiếp cận nạn nhân. Thủ phạm thường sử dụng các kỹ thuật thuyết phục thông qua giọng nói, cử chỉ, sự khen ngợi, kích thích cảm xúc, … để làm nạn nhân mất chú ý vào nội dung thông điệp hay tính hợp lý của hành động", thạc sĩ Ân nói.

Ngoài ra, Th.S cho rằng, hiện nay các thủ phạm cũng có thể đánh vào mong muốn “thích được lợi, sợ mất cơ hội” của nạn nhân. Các kế hoạch cũng có thể nêu ra nhiều ví dụ khiến nạn nhân tin rằng đây là cơ hội mọi người đều sẵn sàng tham gia hoặc là một phần lợi ích riêng của nạn nhân, đánh vào cảm giác sợ bị “bỏ ngoài lề”. Bên cạnh đó, các kế hoạch thường đưa ra một lời hứa về quyền lợi hấp dẫn hoặc cho nạn nhân một số quyền lợi ban đầu khá dễ dàng, dẫn tới việc nạn nhân dễ chấp nhận và tin theo những đề nghị của thủ phạm cho đến khi “sập bẫy” một cú lừa lớn hơn.

Nghiêm trọng hơn, với những trường hợp nạn nhân đã tin tưởng hoàn toàn vào nghi can lừa đảo, thủ phạm có thể tiếp tục củng cố mối quan hệ lợi dụng và thiết lập sự phụ thuộc của nạn nhân vào mình. Điều này có thể dẫn đến việc lạm dụng dài hạn và thiệt hại cho nạn nhân sẽ rất lớn.

Để phòng tránh những trường hợp trên, Th.S Ân nhấn mạnh, bên cạnh việc các cơ quan chức năng can thiệp, phát hiện sớm các thủ đoạn, sự chuẩn bị của mỗi cá nhân cũng rất quan trọng. Việc gia tăng hiểu biết những kỹ thuật, cách thức các kế hoạch lừa đảo hay sử dụng sẽ giúp chúng ta dễ nhận ra những hành vi thiếu minh bạch. Bên cạnh đó, tập trung vào minh chứng về danh tính của người lạ, nội dung trong giao tiếp, tính hợp lý của hành động, tránh để bị kích động bởi cảm xúc, các mối lợi cũng giúp cho chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn trước khi ra quyết định.

"Việc ra quyết định, đặc biệt các quyết định có liên quan đến thông tin cá nhân và tài chính, cần có thời gian để suy xét. Vì vậy, đứng trước những thông tin chưa chắc chắn, hãy dành thời gian để bình tĩnh suy nghĩ, cân nhắc các nguy cơ, tra cứu thông tin về người gọi và tìm sự cố vấn từ người thân hay các cơ quan chức năng để tránh trở thành nạn nhân của lừa đảo trên mạng", thạc sĩ Ân nói.

Đánh vào lòng tham của nạn nhân

Theo lãnh đạo Cục an ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) - Bộ Công an, từ đầu năm 2022 đến nay, lực lượng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao toàn quốc đã phát hiện, khởi tố 474 vụ án, 1.071 bị can liên quan các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao xâm phạm trật tự an toàn xã hội. Trong đó, nổi lên là tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Mặc dù thủ đoạn không mới, song cách thức tiếp cận nạn nhân ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp với số lượng lớn bị hại tại nhiều địa phương trên cả nước.

Lý giải nguyên nhân, lãnh đạo A05 cho biết, các nghi can đánh vào tâm lý, lòng tham người dân, quảng cáo tham gia được lợi nhuận rất cao nhưng thực tế người dân sau khi tham gia tiền mất mới đi tố giác. Các nghi can cũng lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của bị hại để thực hiện hành vi của mình.

Vị này nhấn mạnh, người dân nên có sự kiểm tra thật kỹ trước khi thực hiện các giao dịch liên quan về tài chính, đề phòng trước những khoản đầu tư mang lại “lợi nhuận cao”, tránh là nạn nhân bị lừa đảo qua mạng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.