Tan hoang Tuy Phước
Những ngày qua, vợ chồng ông Châu Văn Nhân (53 tuổi, ở thôn Bình Thái, xã Phước Thuận, H.Tuy Phước, Bình Định) phải dựng căn lều sát bên bờ đầm Thị Nại để ở tạm. Cô con gái duy nhất bị mù được gửi về nhà nội ở nhờ. Tối 30.10, căn nhà của ông bị bão quật tan tành. Khi mưa bão vừa dứt, hai vợ chồng lụi hụi nhặt lại từng viên gạch, đập từng miếng bê tông lấy cốt thép chờ ngày tận dụng. “Vợ chồng tôi làm nghề cào nghêu, cào hến ven đầm Thị Nại, tích cóp hàng chục năm trời mới xây được căn nhà nhưng tất cả bỗng chốc tan tành. Cũng may đêm đó chúng tôi đã chạy kịp, nếu không chắc không còn mạng. Khi về nhà, tất cả bị bão cuốn sạch, vợ chồng nhìn nhau chỉ biết khóc!”, ông Nhân tâm sự.
|
Từ ngày bão số 5 cuốn sập căn nhà, cụ Huỳnh Thị Nghe (75 tuổi, cũng ở thôn Bình Thái) chỉ biết ngồi khóc rồi than thân trách phận. Cụ trách ông trời làm sập nhà mình rồi quay ra trách chồng mất trước, để cụ đau tim không tiền đi bệnh viện. Con trai cụ Nghe năm nay 36 tuổi, làm nghề đánh bắt thủy sản trên đầm Thị Nại nên thu nhập rất bấp bênh. “Nhà sập không biết khi nào có tiền để xây dựng lại, thằng con lấy tấm bạt che lại cái vách để tôi ở tạm. Giờ chỉ mong có tiền xây lại căn nhà nho nhỏ, chứ tôi già rồi chẳng lo gì, chỉ tội thằng con trai phải chịu cảnh màn trời chiếu đất không biết đến bao giờ”, cụ Nghe nghẹn ngào nói.
Gần đó, căn nhà của vợ chồng ông Huỳnh Thanh Thi và bà Lưu Thị Trang (cùng 54 tuổi) và 4 người con cũng chỉ còn là mớ gạch vụn và vôi vữa. Ông Thi và các con ngày ngày đánh bắt thủy sản ven đầm Thị Nại, bà Trang ở nhà chăm con gái Huỳnh Thị Thoáng (17 tuổi) bị bệnh down hàng chục năm qua. “Năm nay bão to quá. May mà chạy kịp chứ không thì cả nhà bị đè chết rồi. Giờ không có tiền để xây lại, chúng tôi dọn qua nhà con trai lớn ở tạm. Nghề đánh bắt thủy sản ven bờ ngày càng khó khăn, vì nguồn lợi thủy sản cũng đã cạn kiệt”, bà Trang buồn bã.
|
Tổng cộng, toàn tỉnh Bình Định có khoảng 150 ngôi nhà bị sập do bão số 5, trong đó chủ yếu ở H.Tuy Phước. Ông Trần Hữu Tường, Phó chủ tịch UBND H.Tuy Phước, cho biết toàn huyện có 99 ngôi nhà bị bão số 5 đánh sập, tập trung chủ yếu tại các xã Phước Hòa (29 nhà), Phước Thuận (25 nhà), Phước Sơn (24 nhà)… “Cơn bão này gây thiệt hại cho H.Tuy Phước ước tính khoảng 11 tỉ đồng thì riêng về nhà ở đã hơn 8,4 tỉ đồng. Hầu hết các hộ bị sập nhà đều có hoàn cảnh rất khó khăn, cần được hỗ trợ để xây dựng lại nhà mới”, ông Tường cho biết.
Nước mắt Sông Cầu!
Người dân ở TX.Sông Cầu (Phú Yên) cũng cùng cảnh ngộ. Phần phía trước căn nhà mới xây của ông Nguyễn Văn Lẹ ở thôn Hòa Hội, xã Xuân Cảnh (TX.Sông Cầu) giờ trống tênh vì bị bão thổi tung. Những ngày qua, vợ chồng ông nhặt nhạnh gom những thứ còn dùng được sau cơn bão.
Ông Lẹ thuật lại: “Bão gió xộc thẳng vào nhà, cuốn bay toàn bộ mái. Lúc đó, hai vợ chồng tui cùng với đứa cháu trốn vô gầm gác bếp bằng bê tông, nếu không thì không biết cơ sự ra sao”. Còn vợ chồng anh Lê Thế Nguyên (ở thôn Hòa Hội) thì phải bỏ chỗ ngủ, ôm con chạy vào nhà vệ sinh trốn. Mặc dù trước bão gia đình anh đã cẩn thận dùng dây chằng néo, nhưng gió vẫn thổi bay cả mái nhà. Bây giờ gia đình anh phải sống nương nhờ nhà cha mẹ, trong khi chờ sửa sang lại ngôi nhà.
|
Một số hộ nhà bị sập chưa có chỗ nào tá túc thì phải dựng tạm vài cây cột, đòn tay bằng cây phi lao, bạch đàn, rồi dùng bạt che xung quanh. Gọi là nhà nhưng còn thua cả cái chòi giữ vịt. Vợ chồng anh Phạm Ngọc Hải (ở thôn Hòa An, xã Xuân Hòa, TX.Sông Cầu) lâu nay mưu sinh gắn liền với biển. Anh Hải đi làm thuê cho các chủ tàu cá nên cuộc sống chỉ đắp đổi qua ngày. Dành dụm mãi, anh chị mới cất được một ngôi nhà tạm. “Bão qua, giấc mơ bao năm qua của vợ chồng tui bay theo gió. Giờ không biết khi nào mới có tiền để cất lại nhà”, anh Hải buồn bã nói.
Vì biết ngôi nhà tạm của mình không thể chống chọi với bão nên vợ chồng anh Nguyễn Lê Vịnh (cũng ở thôn Hòa An, xã Xuân Hòa) đưa cả nhà đến khu tránh trú của thôn. Khi tan bão trở về, ngôi nhà của anh chị thành đống đổ nát. Anh Vịnh đau xót: “Tan bão, vợ chồng tui trở về, thấy căn nhà sụp xuống mà bủn rủn cả tay chân. Bây giờ cuộc sống phải nhờ bà con lối xóm, chuyện dựng lại nhà là vượt quá khả năng của vợ chồng tui”.
Ông Trần Hữu Thế, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết toàn tỉnh Phú Yên có 31 nhà bị sập hoàn toàn, 49 nhà bị sập khoảng 70%, trong đó chủ yếu là tại TX.Sông Cầu. Những hộ dân này đều là hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn.
Lời kêu gọiCơn bão số 5 vừa qua ập vào các tỉnh Bình Định, Phú Yên gây ra những thiệt hại nặng nề cho người dân các tỉnh này.
Hàng trăm ngôi nhà bị sập, hư hỏng hoàn toàn hoặc phải khắc phục mới có thể trú ngụ; hàng ngàn héc ta lúa và hoa màu bị ngập nước; rất nhiều cơ sở nuôi trồng thủy sản bị cuốn trôi; nhiều tàu cá của ngư dân bị va đập và hư hỏng; hàng chục phòng học bị tốc mái… Hậu quả của cơn bão sẽ còn gây ra bao khó khăn cho đồng bào miền Trung trong những ngày cuối năm.
Để hỗ trợ, giúp đỡ người dân các tỉnh nói trên khắc phục hậu quả, có điều kiện sửa chữa lại nhà cửa, nhanh chóng ổn định cuộc sống, T.Ư Hội LHTN VN, Báo Thanh Niên rất mong các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và quý bạn đọc gần xa trên tinh thần tương thân tương ái, chung tay hỗ trợ giúp đỡ bà con miền Trung vượt qua giai đoạn ngặt nghèo, để sớm sản xuất, làm ăn ổn định trở lại.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về tòa soạn Báo Thanh Niên (số 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.6, Q.3, TP.HCM) hoặc tòa soạn Hà Nội và các văn phòng đại diện Báo Thanh Niên trên cả nước.
Bạn đọc cũng có thể chuyển khoản theo số tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 1471000.000.0115 - Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam - chi nhánh Ba Tháng Hai, TP.HCM. Nội dung ghi: Giúp đỡ đồng bào bị ảnh hưởng bão; hoặc Báo Thanh Niên sẽ nhận trực tiếp tại tòa soạn, các văn phòng đại diện trong cả nước. Chúng tôi sẽ chuyển đến đồng bào vùng bão lũ trong thời gian sớm nhất.
Thanh Niên
|
Bình luận