Theo giải thích của các doanh nghiệp trong ngành rau quả, trong tháng 4 hoạt động xuất khẩu vẫn diễn ra thuận lợi nhưng một số mặt hàng chủ lực có sự biến động về giá cả làm ảnh hưởng đến giá trị xuất khẩu. Cụ thể do trong tháng 4, mặt hàng sầu riêng đã giảm giá 30 - 40% so với tháng trước đó, điều này đã ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của toàn ngành.
Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm 2022, xuất khẩu rau quả trong tháng 4.2023 vẫn tăng trưởng 22,3%; tương đương giá trị khoảng 73 triệu USD. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2023 đạt 1,38 tỉ USD, tăng 17,7 % so với cùng kỳ năm trước.
Thống kê chi tiết về thị trường xuất khẩu tính đến hết quý 3/2023, thị trường quan trọng nhất là Trung Quốc đạt mức tăng trưởng 27%, tương đương giá trị 576 triệu USD và chiếm 58% thị phần. Trong khi đó, thị trường quan trọng thứ 2 là Mỹ lại giảm đến 16%, tương đương gần 52 triệu USD. Các thị trường quan trọng khác lần lượt là Hàn Quốc, Nhật Bản và Hà Lan dù đều tăng trưởng 2 con số nhưng giá trị tuyệt đối vẫn rất hạn chế khi chỉ từ 32 - 46 triệu USD.
Theo Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên, đối với rau quả nói chung, Việt Nam chỉ cần làm tốt các yêu cầu của thị trường, không lo không có đầu ra. "Tổng sản lượng rau quả của cả nước hiện nay không thấm vào đâu so với nhu cầu của thị trường Trung Quốc chứ chưa nói đến các nước khác", ông Diên khẳng định.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu rau quả trong tháng 4 đạt gần 152 triệu USD, tăng nhẹ so với tháng 3 và cả cùng kỳ năm trước. Lũy kế 4 tháng nhập khẩu rau quả đạt 570 triệu USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong 4 tháng qua, ngành rau quả xuất siêu đạt 830 triệu USD.
‘Bùng nổ’ xuất khẩu sầu riêng, Trung Quốc dẫn đầu thị phần
Bình luận (0)