Giao dịch trầm lắng
Thông thường sau nửa tháng nghỉ tết, sàn giao dịch việc làm Hà Nội sẽ mở cửa hoạt động trở lại. Tuy nhiên, năm nay, do tình hình dịch Covid-19 và đang thực hiện giãn cách xã hội, nên Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) Hà Nội không tổ chức phiên giao dịch chào đón lao động đầu năm. Thay vào đó, trung tâm tổ chức chức giao dịch việc làm online, tư vấn việc làm cho lao động thất nghiệp.
Sáng 4.3, mặc dù Hà Nội đã nới lỏng giãn cách xã hội và cho phép một số dịch vụ hoạt động trở lại, nhưng sàn giao dịch việc làm (215 Trung Kính, Q.Cầu Giấy) vẫn vắng vẻ. Lác đác có người lao động đến làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp, còn người đến tìm việc chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Anh Nguyễn Hữu Cương (ở Q.Hà Đông, Hà Nội), một trong những lao động hiếm hoi có mặt tại sàn, chia sẻ: “Tôi đang làm công việc tự do, nay muốn tìm việc ở công ty nào đó cho ổn định hơn. Sàn giao dịch việc làm sau tết cũng chưa có nhiều vị trí phù hợp với nên mình cứ từ từ cân nhắc, chờ vài tuần nữa dịch ổn rồi đi làm cũng chưa muộn”.
Bà Trần Thu Huyền, Phó giám đốc Công ty Cổ phần kính mắt TP.HCM, cho hay do biến động nhân sự cuối năm và có kế hoạch mở rộng kinh doanh, nên sau tết, công ty tuyển thêm 10 nhân sự, trong đó có 5 nhân viên bán hàng và 5 nhân viên kỹ thuật tại Hà Nội.
“Tôi đã mất 2 triệu đồng để ghim tin tuyển dụng trên một trang việc online nhưng không tuyển được ai. Có cảm giác người lao động vẫn chưa thiết tha với việc đi tìm việc đầu năm”, bà Huyền nói.
Ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm DVVL Hà Nội, cho hay: “Thị trường lao động sau tết tăng khá chậm so với những năm không bị dịch bệnh. Nguyên nhân là do hiện tại trung tâm vẫn đang tạm dừng tổ chức các phiên giao dịch việc làm (GDVL) đông người, như các phiên chuyên đề hay phiên lưu động để bảo đảm phòng chống dịch. Bên cạnh đó, tâm lý sợ dịch bệnh, hạn chế đi lại khiến người lao động đi tìm việc cũng dè dặt hơn”.
Theo thống kê của Trung tâm DVVL, từ 17.2 (tức mùng 6 tết) đến 2.3, trung bình mỗi ngày, Trung tâm DVVL có khoảng từ 800 - 1.000 lao động đến thực hiện các dịch vụ về bảo hiểm thất nghiệp; tính trên cả hệ thống 15 đầu điểm, sàn, mỗi ngày có gần 2.000 người tham gia các dịch vụ tại trung tâm, cơ bản ngang bằng cùng kỳ năm 2020 và thấp hơn nhiều so với các năm trước. Trung tâm DVVL đã nhận được 1.877 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Ông Tạ Văn Dưỡng, Trưởng ban Chính sách pháp luật (Liên đoàn Lao động TP.Hà Nội), lý giải thêm: “Tình trạng công nhân nhảy việc, chuyển việc sau tết năm nay giảm rõ rệt so với năm trước. Do dịch bệnh Covid-19, người lao động khó khăn trong tìm kiếm việc làm, không dám mạo hiểm nhảy việc thời điểm này. Đây là một trong những lý do khiến cho người lao động đi tìm việc sau tết giảm mạnh”.
Nhiều cơ hội cho lao động phổ thông
Mặc dù số lao động đi tìm việc giảm nhưng theo ghi nhận của Trung tâm DVVL Hà Nội, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp lại tăng. “Từ 17.2 - 2.3, chúng tôi đã tiếp nhận 207 lượt doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng với 5.037 chỉ tiêu. Trên cơ sở thu thập và phân tích cho thấy, 45% trong tổng số chỉ tiêu tuyển dụng thuộc lĩnh vực sản xuất nhóm linh kiện điện tử, cơ khí... Tiếp đến là lĩnh vực dệt may, như vị trí công nhân may; thương mại dịch vụ như nhân viên bán hàng, thu ngân; công nghệ thông tin, thương mại điện tử, tài chính”, ông Thành thông tin.
Ngoài ra, theo ông Thành, trong số 207 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng, có cả doanh nghiệp trước đây đã tham gia các phiên giao dịch việc làm với trung tâm và những doanh nghiệp mới. Tuỳ yêu cầu công việc, mức lương theo mặt bằng thị trường lao động từ 6 - 12 triệu đồng, kèm các chế độ từng công ty dành cho người lao động.
Bà Lê Thị Kim, Giám đốc Dịch vụ khoán việc và cho thuê lại lao động miền Bắc, Manpower Group VN, cho biết: “Hiện nay, chúng tôi nhận được nhiều yêu cầu cung ứng nhân công với số lượng lớn từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất, chế tạo như lắp ráp linh kiện điện tử, chế tạo và lắp ráp ô tô, xe máy,… Đặc biệt, mức thu nhập trung bình của người lao động Việt Nam đã tăng lên 321 USD/tháng (tăng 38,6% so với 2020), tạo điều kiện thuận lợi để người lao động phổ thông yên tâm làm việc và gắn bó với doanh nghiệp,” bà Kim nói.
Đưa ra dự báo có rất nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác tiếp tục có dấu hiệu hồi phục; và những lĩnh vực ngành nghề có xu hướng tuyển dụng nhiều nhân lực là thương mại điện tử, công nghệ thông tin, điện tử, thương mại - dịch vụ, dệt may, da giày,... ông Thành cho hay, với mục tiêu đề ra trong năm 2021 giải quyết việc làm mới cho 160.000 lao động trên địa bàn Hà Nội, Trung tâm DVVL sẽ tham mưu với Sở LĐ-TB-XH Hà Nội tiếp tục tổ chức các phiên GDVL hằng ngày; tăng cường tổ chức các phiên chuyên đề phù hợp, các phiên online, các phiên lưu động để hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp, người lao động trên địa bàn, để người lao động có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp....
Nhiều lao động tạm làm shipper, xe ôm công nghệTheo đánh giá của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, đến thời điểm này, gần 100% người lao động đã quay trở lại làm việc bình thường (trừ các địa phương, vùng, khu vực đang thực hiện cách ly vì dịch Covid-19) sau tết Nguyên đán. Do dịch Covid-19 tác động, một số ngành có tỷ lệ người lao động quay trở lại làm việc thấp hơn, số lượng lao động giảm, giãn thời gian làm việc, nghỉ luân phiên, nghỉ việc tạm thời và nghỉ việc nhiều như ngành du lịch, vận tải (đường bộ, đường sắt, đường không), dịch vụ ăn uống, lưu trú...
Đáng chú ý, có xu hướng người lao động chuyển sang làm việc tạm thời cho các doanh nghiệp dịch vụ công nghệ như Grab, Now, Gojek, Bee, Vietgo... do việc vào, ra dễ dàng, không ràng buộc bằng hợp đồng lao động, chi phí tham gia thấp, thời gian làm việc linh hoạt.
|
Bình luận (0)