Sau vài ngày nhiều mây, nắng nóng gay gắt gia tăng trở lại ở Nam bộ

Chí Nhân
Chí Nhân
04/04/2024 13:15 GMT+7

Từ ngày hôm qua, nắng nóng đã gia tăng cường độ trở lại và đến ngày mai (5.4) nhiệt độ cao nhất ở Nam bộ có thể đạt tới 39 độ C.

Trong những ngày đầu tuần này, tại TP.HCM và một số nơi ở Đông Nam bộ trời xuất hiện nhiều mây khiến cường độ nắng giảm. Theo các chuyên gia thời tiết, mây xuất hiện nhiều là do nắng nóng gay gắt trước đó khiến nước từ các ao hồ, sông bốc hơi nhiều, tạo thành các lớp mây đang tầng khiến cường độ nắng giảm.

Sau vài ngày nhiều mây, nắng nóng gay gắt gia tăng trở lại ở Nam bộ- Ảnh 1.

Những đám mây đang tầng sẽ không còn, nắng nóng gay gắt đang quay trở lại với TP.HCM và các tỉnh Nam bộ

CHÍ NHÂN

Tuy nắng giảm cường độ nhưng sức nóng gần như giảm không đáng kể. Chị Ngọc An ở Q.Bình Thạnh cho biết: Lúc 16 giờ 15 phút ngày 3.4, máy đo nhiệt độ ở trong nhà tôi hiển thị số 35,6 độ C. Nóng kéo dài từ lúc sáng sớm đến tối khuya. Trước đó một hôm nửa đêm bị cúp điện, nóng không chịu nỗi phải dậy. Thấy mấy đứa nhỏ tội quá phải quạt tay cho chúng nó ngủ.

Vất vả mưu sinh ngày TP.HCM nắng nóng: ‘Nắng nôi, ăn đâu thấy ngon miệng'

Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, ngày 3.4, nắng nóng xảy ra trên diện rộng ở khu vực Nam bộ. Cường độ nắng nóng tăng nhẹ trên toàn khu vực so với 24 giờ trước đó. Nhiệt độ cao nhất dao động từ 35 - 37 độ C. Cụ thể, mức nhiệt cao nhất tại Tây Ninh là 37 độ C và Cao Lãnh (Đồng Tháp) là 36,9 độ C.

Dự báo nắng nóng tiếp tục gia tăng và xảy ra diện rộng trên khu vực miền Đông, có nơi nắng nóng gay gắt; miền Tây có nắng nóng ở khoảng một nửa diện tích khu vực. Nhiệt độ cao nhất từ 35 - 38 độ C, có nơi trên 38 độ C.

Đáng chú ý, đến ngày 5.4 nhiệt độ cao nhất ở miền Đông có thể đạt tới 39 độ C ở Đồng Nai và Bình Phước. Còn TP.HCM và các tỉnh An Giang, Vĩnh Long có thể lên tới 37 độ C.

Cảnh báo, do ảnh hưởng của nắng nóng, độ ẩm trong không khí thấp nên nguy cơ xảy ra cháy nổ, hỏa hoạn ở khu vực dân cư và cháy rừng. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nhiệt độ cao.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.