Ông Mục quái dị, bút hiệu Lão Ngoan Đồng. Không nhớ lịch thời gian sống của mình, nghe radio một chút, ăn một chút cơm nguội với chuối. Thức viết, viết một chút, bâng khuâng nhớ Nhu một chút, rồi lại xem truyền hình, nhất là loại tài liệu thời Lưỡng hà trước Công nguyên hoang dã… kể về các động vật sắp tuyệt chủng.
Ông nghiện màn ảnh nhỏ, giống con nít nghiện điện thoại, ông xem mỏi mòn rồi ngủ vùi với hình ảnh các động vật lạ kỳ. Ông không hình dung là sáng trưa hay chiều. Nhiều khi chợt biết ra ông ngẩn ngơ một lúc rồi phì cười… Chuyện nhỏ. Chiều mà sao lạ cứ tưởng sáng sớm, nhận được gì đó trong mơ khẽ thức thì không thấy. Có nhiều người Sài Gòn mưa nắng bất thường như ông Mục nhà ta không thì… trời biết?
(Chuyện này với tôi bình thường. Thời gian sáng tối có khác nhau chứ. Buổi trưa khác buổi chiều. Đêm thì nhiều bóng tối và tĩnh mịch lặng lẽ hơn, thường là vậy không thể đổi).
Ông “nằm chèo queo”, “thù lù”, “gọn bân” dễ thương như em bé, ở trên chiếc võng bố bao gạo rách rộng. Hai đầu dây dừa treo khoảng gốc cây xa xa lạ lạ.
Ông cúi nhìn xuống dưới… thấp. Nó… cao như mình đong đưa trên trời. Nhìn quanh giống cánh đồng thảo nguyên thời khủng long hoang sơ trong màn ảnh truyền hình. Ngút mắt với cỏ dại dưới lưng cùng một cây bao báp Phi châu khổng lồ lẩn trong mây ở bên chiếc võng.
Cạnh đó là miệng ngọn núi lửa đang ngủ ngon, sau thời gian thức giấc phun trào phún thạch. Duy còn con suối ít nước hấp dẫn với gấu, voi, nai mễn, hươu cao cổ, trâu rừng, cọp beo, sư tử. Tuyết đã tan, mùa khô hạn, nên muông thú đang từ ngàn dặm di cư tới nơi ông nằm, tìm giành nước uống. Nhiều tượng hình người bằng đá núi lửa. Khuôn mặt giống nhau như đúc. Mắt “ai” cũng chỉ một hướng nhìn ra biển xa vẳng nghe tiếng ào ào. Sóng vỗ cao khỏi mỏm đá trắng xóa. Là nơi có nhiều bầy đàn cá hồi hiền lành sinh sống.
(Tôi vẫn ngồi yên lặng một góc quán cà phê hẻm. Chăm chú đọc sách. Quan sát ông Mục, ông Lưu Bằng và các ông khách cà phê ngắm Nhu tới lui dọn bàn. Ngoài ra còn có Thủy “Lụi” đẹp, hơi lạ, nhưng phụ nữ với tôi khó hiểu là chuyện bình thường…).
Trở lại với ông Mục. Mơ màng với hàng trăm con sư tử. Sư tử đực có nghệ thuật quyến rũ tán tỉnh bạn tình, vào mùa giao phối động đực. Sang vì cặp mắt lừ đừ có thần, oai phong nhờ cái bờm. Và mạnh, siêng năng săn mồi kiếm ăn nuôi gia đình. Nhiều lúc con cái cũng rượt đuổi con mồi phụ với con đực. Sư tử cái hay bị say nắng con trống. Như “con mái” là người ta cũng thường khi thích trai đẹp.
Ngay từ thời hái lượm hang động bò ngồi. Tổ tông của Mục đứng lên thẳng lưng bước tới tới, thành họa sĩ thiết kế hang động, biết vẽ tranh trên vách hang đá, biết đốt lửa, biết nói. Tìm nhiều vỏ ốc đẹp, mài giũa… như tiền. Trao đổi mọi chuyện.
Thời gian trôi trôi nhiều triệu thế kỷ, bây giờ người tiền sử là ông Mục đã biết mót chữ như mót lúa để viết, biết “say nắng” và tương tư. Khác với tổ tông, thời gian sống ban ngày ông cho là không đủ, chán phèo, nên ông tiết kiệm. Bày ra chuyện thức đêm. Để sống nhiều hơn, khác hơn, viết nhiều chữ hơn, viết cho đầy trang. Để kiếm thêm “vỏ ốc” vì ông bà nhiều đời tới ông đều nghèo.
Ông Mục hay ngồi cạnh Nhu. Chỉ nói về chuyện thời cổ đại, vỏ ốc, cá hồi. Tai Nhu nghe, mắt không nhìn người nói. Không lúc nào Nhu nhìn thẳng, mà nhìn đâu đâu. Có người nói: Nghe mà không nhìn người nói là không kính trọng, hay thương yêu gì. Nhưng ông Mục không thèm biết, ông nghĩ khác. Ông say mê về chuyện thời cổ đại và cá hồi.
(Tôi có đọc chuyện cá hồi. Ông Mục kể khác hẳn sách, tôi bỏ sách nghe ông nói. Hình như ông già hàm ý phần nào đó khoảng đời trước, Nhu giông giống cá hồi? Tức là đi xa ngàn dặm vì yêu, rồi trở ngược về, thảm khổ hơn? Lần hồi chính tôi cũng bắt đầu nghĩ vậy, khi thoáng nhìn tính cách và câu chuyện phiêu lưu của Nhu. Vì vậy mà tôi bắt đầu tìm hiểu từ xa về Nhu).
Lạ là cá hồi lại luân hồi ngay khi đang còn sống. Cứ khoảng bốn năm thì hàng triệu cặp cá hồi trưởng thành. Sát vai bên nhau cố sống tới chốn cũ nơi có con sông nguyên quán, lúc chúng còn là những cái trứng cá. Xông pha suốt hai ngàn dặm biết bao nguy hiểm. Vượt ngược qua thác lớn suối cạn sông ngầm, lũ gấu trắng phàm ăn, đứng trên mỏm đá há miệng chờ cá nhảy tung khỏi thác nước chộp lấy, chim dữ mỏ bén rình, bất ngờ vồ mồi, những con cá hồi tìm về đẻ trứng rồi kiệt sức cũng chết. Không có gì khắc nghiệt và lạ hơn. Hình như đó có chút tình yêu vì khi trở về, luôn có bạn tình bơi theo phóng tinh vào. Còn Nhu bỏ con vượt biên một mình trơ trọi buồn hiu.
Chẳng bao lâu trứng non nở ra con, mở mắt, lớn lên lại rủ nhau bơi ngược trở lại hai ngàn dặm qua các dòng sông con suối cũ. Chúng tới các thác lớn, tìm đường ra biển nơi đàn cá lớn ông bà cha mẹ chúng rời bỏ. Nhà điêu khắc nghệ thuật thiên nhiên là thác nước cần mẫn “bào mòn” những khối đá thành hình mỹ nữ nhìn theo đàn cá giang hồ. Con người ngày nay nhiều người như cá, sống xa xôi khi tàn hơi cũng muốn về sinh quán để chết. Vì cá hay người nơi chôn nhau cắt rún là quê hương…
(Chuyện cá hồi theo cách ông Mục đang nói có vẻ như ẩn dụ về Nhu. Do vậy thỉnh thoảng tôi khẽ nhìn thoáng qua khuôn mặt Nhu. Thật sự Nhu không đẹp lắm. Nhưng một lúc sau nhịp tim tôi bị sai vì hoàn cảnh như cá hồi của Nhu).
Ngoài việc say nắng thì còn việc người ta không thể mài vỏ sò thành tiền như cổ đại. Mà phải viết mới có tiền, như ông Lão Ngoan Đồng ngây thơ thức khuya dậy sớm, suy nghĩ viết cái gì cho vui để kiếm vài… vỏ sò. Ông ta đang nằm trên võng kia kìa. May cho ông lâu lâu còn có nhuận bút, nhận được tiền tái bản sách cũ. Giấu trong bao thư kín đáo cho Nhu vì Nhu cũng nghèo như ông. Đàn bà mà nghèo thì khổ.
Học xong đại học, năm 30 tuổi, Nhu gặp và yêu một người đàn ông ở Hồ Bắc. Đám cưới hẳn hoi. Nhu theo chồng về nơi xa, sau đó có đứa con trai chín tuổi ở lại với cha. Nhu về Việt Nam một mình.
Nhu không theo được nghề chuyên môn, mà cũng cần vỏ sò, nếu như Nhu quay lưng đi lui, sống trở lại thời kỳ… vỏ sò, chỉ cần mài đẹp là thành tiền, không phải như tiền giấy có bảo chứng bằng vàng như thời hiện đại, thì Nhu không phải đi tìm hay làm đủ việc. Nhu làm ở cửa hàng chăn đệm. Anh chủ kêu Nhu đi Đà Lạt… quảng cáo, giới thiệu sản phẩm. Tội nghiệp Nhu. Nhu than “anh ta có… tánh kỳ lạ, thôi đi kiếm việc khác”. Rồi Nhu làm nghề chạy đi giao rượu cũng không yên. May là xin được việc làm hồ sơ mắt ở một bệnh viện. Sáng sáu giờ, tối tám giờ về nhà, vậy mà cũng có người nói Nhu kinh doanh bất động sản ở gốc cây, ác thật.
Nhu nói với Mục: Ông cho con nhiều quá… con sợ. Tuy nhiên, ông Mục vui vì một lúc vô tình ông nghe Nhu than đứt ruột: Bốn mươi tuổi rồi mà không có một đồng trong túi. Đó là thời gian sau khi Nhu từ Hồ Bắc trở về. Thân sơ thất sở. Nhu nói thằng đó không có tiền.
Lạ cho ông Mục, ông vẫn nghĩ mình đang sống ở thời kỳ hoang sơ. Lũ lang sói luôn bên cạnh ông, vài con luồn qua chiếc võng quèn. Bỗng một con “nhe răng” cắn phập vào cổ làm ông giật mình hoảng hồn té xuống võng.
Ông già nhiều tưởng tượng mắt nhắm mắt mở xem phim Abraham Lincoln và Người Sói. Những con sói dữ trên chuyến xe lửa mà ông cứ ngỡ như bên cạnh ông. Ông chồm dậy rờ cổ mình không thấy vết thương chó sói vừa cắn, không có cảm giác đau. Ông bẻ nải chuối già, còn một trái, thì thầm “may không bằng hên, chó sói không biết ăn chuối cho lành” rồi theo thói quen ông châm tẩu thuốc phì phà... Nghe tiếng ai đó gọi ông dưới đường. Đang lúc ông chợt nhớ Nhu. Còn nhớ lúc ông thấy ông Lưu Bằng leo lên gác đưa bao thư nhuận bút thì ông này ngồi nhâm nhi ở cà phê ở đầu hẻm, nói chuyện với anh chàng kỹ sư chuyên về máy vi tính.
Ông Mục cúi nhìn xuống con hẻm nhỏ, hình như với ông bây giờ lại là buổi chiều. Ông còn thấy dưới kia mờ mờ... những con chó sói quấn quýt bên chân của Nhu. Đúng là Nhu răng khểnh đang bước từ cửa nhà mình ra cái sân nhỏ chật. Nhu mang găng tay, mang khẩu trang, mặc áo kín cổ, khung trời hẹp bởi những bức tường trong con hẻm nhỏ, bỗng nhiên có chút mưa rơi. Đột nhiên ông Mục nghĩ, hạt mưa yếu ớt lang thang mảnh dẻ như… Nhu. Những hạt nước trong veo như rơi chậm chậm, ngược với ánh sáng ngoài đường lớn xa kia, nó là hàng ngàn viên kim cương long lánh quanh Nhu. Kim cương rơi xuống mặt đất trải dài trong xóm nghèo. Nước ngập con đường. Lấp lánh như một tấm lụa màu bạc theo hai bên những bức tường cũ, có nhiều rêu. Nhiều đóa hoa không tên mộc mạc ẩn hiện trong rêu xanh tuyệt đẹp, khi Nhu ngang qua.
Chỉ có một người nghèo “sống ảo giác” mới thấy điều đó. Khung cảnh nghèo nàn khúc khuỷu rực sáng hẻm nhỏ như cái giếng trời. Sáng nào Nhu cũng thức sớm rải gạo cho bầy chim sẻ ăn. Chim từ những phương trời nào đâu bay về, chíu chít trên những mái nhà, đậu dài trên dây điện chung quanh Nhu. Hình ảnh thơ mộng, có vẻ khác thường như chiêm bao.
Hình như ông Mục đã thấy cảnh này lúc nào đó ở đâu ông không nhớ. Ông dụi mắt vẫn thấy những viên kim cương từ trên trời rơi xuống, tuy đó là mưa, ông là một trong những con chim sẻ ướt cánh đang bay tới bên Nhu. Nhu có thật trong trái tim già nhạy cảm của ông.
Chuyện lạ là Nhu cứ “được” người ta nghĩ xấu nói xấu về mình. Nhu cười: Nghe quen tai rồi ai nói gì thì nói. Người nào có cái bụng xấu thì thường nghĩ xấu cho người khác như ông Lưu Bằng. Ai suy nghĩ đẹp thì sẽ sống đẹp.
(Tôi thường nhìn nụ cười âu yếm sung sướng của ông Mục khi thấy Nhu. Nếu con chim sẻ đang trên vai trái của Nhu mà bay lên đậu trên vai ông thì… vui cho ông quá. Vì ông sẽ yên trí nghĩ đó là Nhu).
Nhu ngẩng lên mỉm cười với ông Mục. Mái tóc Nhu bàng bạc khác thường vì đứng ngược sáng ngoài đường. Nhu xoay người chậm lại không khác trong cảnh phim. Với ông Mục, Nhu như một thánh nữ hiện lên sáng ngời dưới trần ai lao khổ này. Nhu nói vói với ông:
- Ông nhiều mường tượng hoang tưởng, quá.
Cả thế giới sáng nay. Khó có người phụ nữ nào làm chủ một nụ cười rạng rỡ mà buồn như Nhu. Bối cảnh lúc hoàng hôn như ông nghĩ, mặt trời e ấp trên các mái ngói khiến cho mọi việc như bức tĩnh vật ma quái… Tình yêu muộn màng chợt tới với ông một cách không ngờ.
Ông Lưu Bằng ngồi uống cà phê còn ông Mục thì uống trà đá ở quán đầu hẻm. Nhu tới lui dọn bàn, áo cài kín cổ, cài tới hàng nút cuối xuống tới bụng, áo ngoài như vậy trong còn áo khác, càng gây thêm tò mò. Ông Mục thoáng nhìn ngực Nhu. Nó không lớn lắm. Có lẽ Nhu cũng thầm biết về cái nhìn. Nhu tò mò nhìn lại với ánh mắt tinh nghịch cười nói “còn làm nổi không”. Thì ra đúng là ông Mục nhiều tưởng tượng hoang tưởng. Nhu không “thánh thiện” như ông nghĩ, ông quá lý tưởng. Nhu đã biết nhiều về đàn ông. Ngày nay trẻ con thông minh cũng biết tại sao nó bị hoặc được sinh ra.
Thực ra ông ngầm khuyên Nhu nên kín đáo trước cái nhìn của các ông khách tới quán cà phê sáng.
Không đâu vui cho bằng ở quán cà phê hẻm khách khá đông. Trong số khách tới sớm có anh chàng “nhạc sĩ” luôn mang trên vai cây đàn ghi ta, anh ta nói nhiều hơn đàn. Biết rất nhiều chuyện ta bà thế giới do nghe người này nói rồi anh chàng nói lại với người khác… Thủy “Lụi” - một nhà thơ nữ sính hàng ngoại, lâu lâu có bầu, lần này là một cậu nhỏ lai Ý. Thủy ngồi cạnh đó nhìn tay nhạc sĩ có vẻ không bằng lòng.
Thủy thì thầm với Nhu: Về đây, Nhu nhớ con không?
Nhu quay mặt nhìn ra đường, không cười: Nhớ, đang kiếm tiền qua bên đó thăm nó. Thủy: Nhớ chồng không? Nhu hay cười mà lần này lại không cười. Cô quay mặt, đôi mắt ươn ướt: Không nhớ, ông ấy đánh Nhu văng vào vách.
Ông Lưu Bằng trố mắt tò mò thắc mắc.
Điều quan trọng là Nhu không chịu lấy chồng. Ai cũng muốn “hốt” Nhu, không phải chỉ ông Lưu Bằng nhà mình. Mà ai ai cũng xin số điện thoại của Nhu.
“Không có chuyện Nhu lấy chồng đâu. Giờ này mà chồng con gì, trễ rồi, từ từ để coi sao đã - Nhu nói với Mục - Ông muốn con đi lấy chồng cho rồi để cho ông bớt khổ à. Không dám đâu, ông còn khổ thêm… Mà chắc gì con vui…”.
Nhu làm điên đảo bọn người tới đòi “hốt”. Anh chàng Loan Mắt Nhung là một, cha chủ quán ăn Bảy Ni là hai, ông Chất là ba và còn dài dài các ông khác. Không hiểu sao Nhu lắm mối. Chữ “hốt” làm cho ông Mục quạu, con người chứ có phải là rác đâu mà “hốt”. Mục ít cười nhưng nhìn Nhu cười là Mục vui. Mục nói đùa gần như thật: Nếu tôi chừng năm mươi tuổi tôi xin cưới Nhu.
Ông Biền nhà báo đọc bản thảo Say nắng của Mục. Ông cười khẩy:
- Ông chế ra nhiều kiểu say nắng quá. Lại còn… có đôi mắt của Hemingway trong mắt con sư tử nữa, sư tử cái “say nắng” thì có lý, phụ nữ người ta có khi thích nhìn trai đẹp.
(Ông Biền là một nhà thơ chuyển sang làm báo, sau đó ông trở thành người chuyên sưu tầm sách cũ báo xưa, ông biết nhiều việc, ông tỉnh táo).
Biền nhìn ông Mục. Lại còn xa xôi tới thời Lưỡng hà trước Công nguyên nữa? Sao ông biết chuyện cách đây triệu triệu năm có tiền bằng vỏ sò?
Thủy “Lụi” châm điếu thuốc Salem phì phà hỏi Nhu:
- Ông Mục viết đăng báo chuyện Say nắng về Nhu?
- Đọc rồi, viết thật quá.
Thủy “Lụi”:
- Có ai say nắng Nhu không?
- Hơi bị nhiều.
Mục nói như than thân:
- Tôi có tánh hơi quái dị nên đơn độc. Tới giờ này vẫn không vợ con không gia đình. Ông thích Nhu. Nhu cho ông đứa con…
Nhu hài:
- Hãy đợi đấy, nói trước bước không tới. Khi nào con… sáu mươi bảy tuổi bằng tuổi ông bây giờ. Còn ông lúc đó trăm tuổi, mất khả năng chi trả, bị truất quyền thi đấu, con thì hết pin rồi… Đẻ bằng cái rún à.
Nhu nói rồi đi chậm vô nhà. Mẹ Nhu nhìn theo con gái, nghe nói có lúc ông bà giận đuổi Nhu. Có lần Nhu kể với ông Mục. Chuyện đó lâu rồi.
Ông Mục hỏi mẹ Nhu:
- Thằng bồ của Nhu ở bệnh viện ngày nào Nhu đi làm cũng gặp. Sao Nhu không lấy chồng mới?
Mẹ Nhu:
- Có bồ cho vui, chồng con gì, ai mà cưới nó.
Nhu quay lại:
- Ôi trời, được làm bồ người ta là tốt phước rồi.
Nhu nói với ông Mục: Ai mà không có bồ, cho vui.
Ông Biền đang nhẩn nha giải thích chuyện Say nắng. Ông nói nghe như là… chuyện của mình: Say nắng mặt trời thì có thể bị đột quỵ, gọi là sốc nhiệt. Còn say nắng như mấy ông này như cơn bão lớn, ở trạng thái khác. Tôi không tìm thấy sách vở nào hay tài liệu khoa học nói tới say nắng này. Muốn trị phải tìm cảm giác nào mạnh hơn thay vào, lần hồi sẽ quên. Nếu không quên, ngày qua ngày sẽ bị đau tim nặng, rồi trở thành bệnh tương tư. Suốt đời cứ nhớ nhớ tới thì “chết” là chuyện thường…
Thủy “Lụi”: Đúng là thốn tim khó chịu lắm…
Biền nói một mình:
- Muốn khỏi chết. Tìm cách cưới ngay em Nắng đó về nhà.
Nãy giờ ông Mục ngồi nhìn theo Nhu. Ông chợt nói khẽ:
- Tôi mới nói với Nhu vậy rồi. Nói nếu bây giờ tôi năm mươi tuổi tôi cưới Nhu, Nhu nói hãy đợi đấy…
Biền:
- Tôi cũng nói vậy với em Nắng của tôi. Tôi với Nắng đi du lịch. Bỗng nhiên Nắng trở chứng đòi ly dị, tôi về nhà cũ sống một mình, bếp núc chén đĩa cũ bán hết đi ăn cơm bụi… Nhà có tủ sách quý cũng sắp bán.
(Phần lớn con người đều mang nhiều mơ ước, những ước mơ này thường tan vỡ và tàn dần với thời gian. Họ thất vọng về những sự kiện thực tế vì chúng không giống như lý tưởng của họ. Mẫu người tình lý tưởng vì vậy phát triển ngược, cho nên chuyện cũ dần phai và tan vỡ, những giấc mơ chỉ còn tồn tại ở cuối đời người… Người tình lý tưởng cứ nghĩ là không gặp ở kiếp này, bất ngờ hiện lên trước mắt đúng lúc, đúng dịp. “Cho vui” như Nhu hay nói).
Nhu thích ngồi gần ông Mục mộng du nói chuyện cá hồi và sư tử cái say nắng.
(Quán bỗng vắng Nhu, khách cà phê ít tới. Tôi biết Nhu đã đi xa… Phố đã vắng bước chân Nhu, phố buồn rầu tương tư. Tôi nhớ ai đó nói người có hạnh phúc là người biết nghĩ tới người cùng khổ vì yêu và biết yêu. Tôi không có được hạnh phúc vì không giúp ai. Ông Mục và Nhu đều là người tốt. Ông già cố giúp Nhu làm lại cuộc đời mình bằng tình yêu đơn phương và những lời khuyên: Đừng lấy chồng khác nữa khổ cho Nhu. Tôi chợt bâng khuâng khi đứng bên thềm đường đã nhiều người qua lại, tôi bước đi cũng hoang mang rồi, vì biết Nhu gần như con cá hồi trở lại nơi cũ, nơi có cái trứng của Nhu trở thành con cá. Chẳng biết Nhu có tới được nơi cũ hay không.
Giờ đây quán chỉ còn mỗi ông Mục ngơ ngác ngồi trơ trọi nhớ thương Nhu. Hình như tôi cũng khác đi rồi. Tôi chợt biết mình đã khóc mà không hay. Tôi nhìn qua bức tường cũ nơi có chiếc ghế lúc trước Nhu hay ngồi. Hình như tôi đã Say Nắng và thốn tim).
Bình luận (0)