Buổi họp báo có sự chủ trì của anh Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; và anh Nguyễn Tường Lâm, Ủy viên Ban Thường vụ T.Ư Đoàn, Phó chủ tịch Thường trực T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.
1.000 đại biểu thực hiện an sinh xã hội
Tại cuộc họp báo, anh Nguyễn Tường Lâm thông tin về Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam toàn quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2019 - 2024, diễn ra từ ngày 10 - 12.12 tại Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội). Tham dự đại hội sẽ có 1.000 đại biểu là cán bộ, hội viên, thanh niên tiêu biểu trên các lĩnh vực trong và ngoài nước, đại diện cho hơn 9,9 triệu hội viên thanh niên Việt Nam. Đại hội có 16 đại biểu là thanh niên, sinh viên Việt Nam ngoài nước, chiếm 1,6% và 134 đại biểu là cá nhân tiêu biểu trên các lĩnh vực.
Anh Lâm cũng cho biết tham dự phiên trọng thể của đại hội có hơn 400 đại biểu khách mời là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lãnh đạo của các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở T.Ư và các địa phương; đại diện Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động; đại diện cựu cán bộ Hội; đại diện cán bộ Hội tiêu biểu; gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu trên các lĩnh vực…
Theo anh Lê Quốc Phong, đại hội lần này có số lượng đại biểu tăng hơn nhiều so với lần đại hội trước (745 đại biểu); đặc biệt số lượng thanh niên ở nước ngoài về đông, chiếm tỷ lệ cao, thể hiện tiếng nói của một bộ phận thanh niên quan trọng trong việc đóng góp xây dựng đất nước. Đặc biệt, ngoài 1.000 đại biểu tham dự đại hội, trong phiên khai mạc và bế mạc còn có sự tham dự của các gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu giai đoạn 2014 - 2018 nhằm lan tỏa và cộng hưởng tích cực tới thanh niên.
Đặc biệt, nét mới của đại hội là 1.000 đại biểu sẽ có một hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi” thực sự ý nghĩa. Các đại biểu sẽ chia thành 8 nhóm thực hiện các hoạt động tình nguyện, an sinh xã hội tại tỉnh Bắc Ninh và thủ đô Hà Nội như: chương trình “Mang âm nhạc đến bệnh viện”, thăm, tặng quà trẻ em khuyết tật, trẻ mồ côi, gia đình chính sách, người già neo đơn, thương bệnh binh; các hoạt động bảo vệ môi trường… Cũng theo anh Phong, chỉ có Đại hội Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam mới có hoạt động này.
Anh Lê Quốc Phong cũng cho biết đại hội sẽ ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ, tạo không khí hiện đại, trẻ trung, sinh động, tạo cảm hứng cho người trẻ để tương tác, lan tỏa thông tin đại hội đến thanh niên cả nước.
“Chúng tôi mong muốn đại hội sẽ là ngày hội của thanh niên Việt Nam, ngày hội tụ của lực lượng thực sự tiêu biểu. Màu sắc và thiết kế đại hội thực sự trẻ trung với mong muốn là không gian để đại biểu có thể phản ánh tốt nhất tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của mình”, anh Phong nói.
Xây dựng 16 công trình thanh niên
Ban tổ chức cho biết khẩu hiệu hành động của đại hội là thanh niên Việt Nam yêu nước, sáng tạo, tình nguyện, hội nhập, phát triển. Đại biểu sẽ tham gia 12 diễn đàn tại Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình.
Trong khuôn khổ đại hội, các đại biểu cũng sẽ tham gia triển lãm “Tôi yêu Tổ quốc tôi”; nghe ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, thông tin chuyên đề về một số vấn đề định hướng phát triển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Đặc biệt, đại biểu sẽ tham dự Chương trình đối thoại với Thủ tướng Chính phủ, chủ đề “Khát vọng thanh niên Việt Nam - vì Tổ quốc giàu mạnh và văn minh” và chương trình nghệ thuật “Khát vọng trẻ” do Báo Thanh Niên tổ chức.
Đồng thời, tại đại hội sẽ công bố 16 công trình thanh niên trong nhiệm kỳ mới là nhà sinh hoạt cộng đồng tặng 16 dân tộc thiểu số có quy mô dân số 10.000 người. Theo anh Lê Quốc Phong, việc lựa chọn xây dựng 16 căn nhà cộng đồng để tặng bà con dân tộc thiểu số nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Đây sẽ là nơi để bà con dân tộc thiểu số tổ chức sinh hoạt cộng đồng và cũng là nơi để thanh niên đến triển khai hoạt động tình nguyện. Tại đại hội sẽ có 16 thanh niên tiêu biểu đại diện cho các dân tộc tiếp nhận công trình ý nghĩa này.
“Khi công trình đi vào hoạt động, chúng tôi sẽ duy trì định kỳ việc trang bị sách báo, internet, công cụ nghe nhìn… để bà con dân tộc thiểu số tiếp cận thông tin và là điểm đến của thanh niên tình nguyện. Quy mô trung bình mỗi công trình khoảng 800 triệu đồng, được huy động từ nguồn lực xã hội hóa”, anh Phong nói, đồng thời cho biết 16 công trình sẽ được xây dựng từ năm 2020 và sẽ hoàn thành trong nhiệm kỳ.
Bình luận (0)