'Sếp' VN Pharma Nguyễn Minh Hùng còn giả hồ sơ 4 loại thuốc

Duy Tính
Duy Tính
24/09/2019 20:32 GMT+7

Quá trình nhập khẩu các thuốc trên, Nguyễn Minh Hùng và đồng phạm đã làm giả hợp đồng mua bán, chứng từ nhập khẩu thuốc với Công ty Austin Hồng Kông.

Nguyễn Minh Hùng, nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc VN Pharma đã sử dụng Giấy phép đăng ký lưu hành (Visa) do Bộ Y tế cấp cho Công ty Coduphar và Công ty Vimedimex năm 2009-2010 để mua 4 loại thuốc mang tên Công ty Health 2000 Canada sản xuất, gồm: Kafotax 1000; Kaderox 250; H2K Levofloxacin và H2K Ciprofloxacin. Cơ quan điều tra xác định Nguyễn Minh Hùng và đồng phạm đã làm giả hợp đồng mua bán, chứng từ nhập khẩu thuốc với Công ty Austin Hồng Kông.

Lời khai của cựu chủ tịch VN Pharma trong phiên xử vụ thuốc ung thư giả

VN Pharma làm giả hợp đồng, chứng từ
Cáo trạng của Viện KSND TP.HCM không chỉ truy tố về tội “buôn bán thuốc giả mang nhãn hiệu H-Capita” (thuốc ung thư giả), Nguyễn Minh Hùng và đồng phạm còn bị cáo trạng đề cập liên quan đến thuốc mang nhãn mác Health 2000 Canada giả.
Cáo trạng của Viện KSND TP.HCM nêu rõ: Kết quả điều tra xác định từ năm 2012, thông qua Võ Mạnh Cường tự nhận là người đại diện của Công ty Health 2000 Canada, Nguyễn Minh Hùng đã sử dụng Giấy phép đăng ký lưu hành (Visa) do Bộ Y tế cấp cho Công ty Coduphar (nay là Công ty cổ phần dược phẩm T.Ư Coduphar) và Công ty Vimedimex năm 2009-2010 để mua 4 loại thuốc mang tên Công ty Health 2000 Canada sản xuất, gồm: Kafotax 1000; Kaderox 250; H2K Levofloxacin và H2K Ciprofloxacin. Quá trình nhập khẩu các thuốc trên, Nguyễn Minh Hùng và đồng phạm đã làm giả hợp đồng mua bán, chứng từ nhập khẩu thuốc với Công ty Austin Hồng Kông.
“Do thời hạn điều tra đã hết, cơ quan điều tra tách hồ sơ, tiếp tục điều tra, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan đến việc lập hồ sơ, cấp phép nhập khẩu các thuốc mang nhãn mác Health 2000 Canada…”, cáo trạng của Viện KSND TP.HCM nêu.
Cũng liên quan đến thuốc mang nhãn mác Health 2000 Canada, cơ quan điều tra tạm giữ khi khám xét nơi làm việc của bị can Võ Mạnh Cường 1 con dấu bằng nhựa, màu xám, mực màu xanh, có chữ Health 200 Inc (H2K) do Mai Thị Thu Nhật là vợ Võ Mạnh Cường giao nộp. Tạm giữ khi khám xét nơi làm việc của bị can Phạm Quỳnh Trang 1 con dấu bằng nhựa, màu đỏ đen, hình chữ nhật, kích thước 1,5 cm x 3 cm, hình dấu có chữ: HEALTH 200 VIET NAM BRANCH; 1 tờ giấy khổ A4 có 5 hình dấu có chữ: HEALTH 200 VIET NAM BRANCH, có chữ ký xác nhận của Phạm Quỳnh Trang.

Xét xử vụ án thuốc giả rúng động dư luận tại công ty VN Pharma

Bị cáo Nguyễn Minh Hùng

NGỌC DƯƠNG

Thuốc nhãn hiệu Health 2000 Inc Canada được tiêu thụ ở đâu?

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, từ ngày 25.4.2011 đến 11.9.2014 liên tục có 8 loại thuốc mang tên nhà sản xuất Health 2000 Inc Canada được nhập khẩu vào Việt Nam với tổng số tiền gần 4,4 triệu USD, tương đương hơn 91,5 tỉ đồng. Toàn bộ các số thuốc trên đã trúng thầu và bán hết vào các bệnh viện khắp nơi, với số tiền ước tính 109 tỉ đồng.
Tại TP.HCM có nhiều loại thuốc được bán từ năm 2011 - 2013 vào các bệnh viện với số lượng rất nhiều mang nhãn mác Health 2000 Inc Canada. Điều đặc biệt là cùng một loại thuốc, nhưng mỗi nơi bán mỗi giá, có khi chênh lệch nhau đến 50%.
Điển hình, năm 2011 thuốc (1) H2K Ciprofloxacin 200 (hoạt chất Ciprofloxacin 200 mg/100ml, số ĐK VN-11531-10) trúng thầu tại Bệnh viện Trưng Vương là 6.000 lọ, đơn giá 105.000 đồng/lọ; đơn vị phân phối là Công ty TNHH dược - trang thiết bị Mạnh Khang và Công ty TNHH MTV dược phẩm Vimedimex. Cũng loại thuốc này, năm 2012 Bệnh viện Trưng Vương trúng thầu 5.000 lọ, đơn giá là 103.000 đồng/lọ; đến năm 2013 Bệnh viện Trưng Vương tiếp tục dùng hết 2.300 lọ, tất cả do công ty phân phối là Vimedimex và Công ty TNHH thương mại mỹ phẩm dược phẩm Ái Vy.
Cùng loại thuốc H2K Ciprofloxacin 200 (hoạt chất Ciprofloxacin 200 mg/100 ml), năm 2011 Bệnh viện Nguyễn Tri Phương trúng thầu 9.000 chai với giá chỉ… 58.600 đồng/lọ, và công ty phân phối là Vimedimex. Năm 2011, trong danh mục thanh toán bảo hiểm y tế của Bệnh viện Bình Dân có tên loại thuốc này, giá thanh toán là 87.500 đồng/lọ.
Loại thuốc (2) H2K Levofloxacin 500 (Levofloxacin 500/100 ml, số ĐK VN-11532-10), năm 2011 Bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi trúng thầu 1.500 lọ với giá 95.000 đồng/lọ, đơn vị phân phối là liên danh Công ty CP đầu tư và phát triển Tây Âu - Công ty CP dược phẩm Đại Nam và Vimedimex. Trong khi đó, cùng năm 2011 Bệnh viện Trưng Vương trúng thầu 6.000 lọ nhưng với giá 135.000 đồng/lọ, đơn vị phân phối là liên danh Công ty TNHH dược - trang thiết bị Mạnh Khang và Công ty TNHH MTV dược phẩm Vimedimex; năm 2012 Bệnh viện Trưng Vương tiếp tục trúng thầu đến 29.000 lọ trị giá gần 3,8 tỉ đồng và năm 2013 bệnh viện sử dụng thêm 3.200 lọ nữa.
Còn Bệnh viện Nguyễn Tri Phương trúng thầu năm 2011 là 9.400 lọ, giá 96.000 đồng/lọ; năm 2012 tiếp tục trúng thầu với số lượng 19.400 lọ với giá 125.000 đồng/lọ. Hai loại thuốc H2K Ciprofloxacin 200, H2K Levofloxacin 500 cũng từng trúng thầu vào Bệnh viện Chợ Rẫy với số lượng tổng cộng trên 30.000 lọ.

Bị cáo Nguyễn Minh Hùng

NGỌC DƯƠNG

Loại thuốc (3) Kafotax-1000 (hoạt chất Cefotaxime 1000 mg, số ĐK VN-8496-09) Bệnh viện Nhân dân Gia Định năm 2011 trúng thầu 600 lọ với giá 36.500 đồng/lọ. Ngoài ra thuốc còn trúng thầu tại Bệnh viện Thống Nhất, Sở Y tế Tiền Giang, Đắk Lắk, Hưng Yên…
Ngoài ra, có các loại thuốc khác mang nhãn hiệu Health 2000 Inc Canada cũng được tiêu thụ mạnh. Như từ 2011 - 2013, Coduphar nhập 138.160 lọ MGP Axinex - 1000 (số ĐK VN-8497-09) trị giá hơn 5 tỉ đồng. Số thuốc này được bán lại Bệnh viện Trưng Vương, Bệnh viện Nguyễn Trãi, Bệnh viện 7A, Bệnh viện Bưu Điện, Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh, một số trung tâm y tế huyện ở tỉnh Tây Ninh. Ngoài ra còn xuất bán cho một số công ty khác.
Loại thuốc Vipanzon (hoạt chất Pantoprazol 40 mg, giấy phép nhập khẩu mang số 9991/QLD-KD), năm 2012 Bệnh viện An Bình trúng thầu 4.000 ống, giá 92.000 đồng/ống. Sau đó, loại thuốc này được cấp số đăng ký VN-17965-14.
Ngoài những loại thuốc trên, kháng sinh MGP Moxinase 625 nhãn hiệu Health 2.000 Canada được xuất bán lòng vòng cho nhiều công ty trong hệ thống của Nguyễn Minh Hùng với tổng giá trị trên 700 triệu đồng.

Cục quản lý dược có che dấu thuốc Heathl 2000 Inc Canada?

Mặc dù ngày 13.11.2014, Cục quản lý dược (Bộ Y tế) có công văn gửi Tổng cục hải quan (Bộ Tài chính) về việc tạm ngưng nhập khẩu thuốc do Công ty Health 2.000 Inc Canada sản xuất hoặc cung cấp, nhưng không thông báo cho các địa phương và các cơ sở y tế biết để dừng việc sử dụng thuốc của nhà sản xuất Health 2000 Inc Canada.
Do vậy, ngày 28.11.2014 (tức sau khi khởi tố vụ án Nguyễn Minh Hùng và các đồng phạm 2 tháng 10 ngày), thì Sở Y tế Cà Mau vẫn có quyết định số 1275 cho 3 loại thuốc Health 2000 Inc trúng thầu với số tiền trên 2,2 tỉ đồng.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần làm rõ trách nhiệm của Công ty Coduphar và Công ty Vimedimex trong việc để cho VN pharma dùng Visa của mình để nhập thuốc.

Lãnh đạo Bộ Y tế từng "được" nhắc tên

Tại phiên tòa xét xử vụ VN Pharma mua bán thuốc ung thư giả, vào sáng nay 24.9, TAND TP.HCM triệu tập gần 200 người liên quan.
Trước đó, tháng 7.2017, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm lần 1, tuyên phạt Nguyễn Minh Hùng, Võ Mạnh Cường cùng 12 năm tù về tội buôn lậu. 7 bị cáo đồng phạm trong vụ án bị kết án về tội buôn lậu và tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Tháng 10.2017, toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM đã cấp phúc thẩm tuyên hủy để điều tra lại. Quá trình điều tra lại, cơ quan điều tra đã khởi tố thêm 3 bị can gồm Phan Xuân Thiện (nguyên phó tổng giám đốc VN Pharma); Hoàng Trúc Vy (nhân viên phòng nghiên cứu phát triển VN Pharma) và Phạm Quỳnh Trang (nhân viên Công ty TNHH hàng hải quốc tế H&C), nâng tổng số bị can trong vụ án lên 12 người.
Đồng thời, 12 bị can trong vụ án đều bị thay đổi tội danh sang tội “buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh".
Các bị cáo bị đưa ra xét xử gồm: bị cáo Nguyễn Minh Hùng (41 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VN Pharma), Võ Mạnh Cường (41 tuổi, nguyên Giám đốc Công ty TNHH TM hàng hải Quốc tế H&C) cùng 10 đồng phạm về tội "buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh" là thuốc H-Capita 500mg Caplet.
Các bị cáo bị truy tố theo khoản 4 Điều 157 Bộ luật Hình sự năm 2015, với khung hình phạt 20 năm hoặc tù chung thân, tử hình. Vụ án xét xử sơ thẩm lần 2 dự kiến kéo dài đến ngày 30.9.
Trong gần 200 người được triệu tập, có Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, nhưng ông Cường vắng mặt. Trước đó, trong phiên tòa phúc thẩm lần 1 năm 2017, ông Trương Quốc Cường liên tục vắng mặt theo lệnh triệu tập của tòa.
Liên quan đến vụ án, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường là người ký công văn cho VN Pharma nhập khẩu 200.000 hộp thuốc H-Capita 500mg Caplet, được xác định là thuốc giả.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.