Siết chặt cách ly người về từ Hàn Quốc

27/02/2020 06:56 GMT+7

Nhiều địa phương tiếp tục siết chặt cách ly y tế những người về từ Hàn Quốc để kiểm soát và tránh nguy cơ dịch Covid-19 lây lan.

Trong ngày hôm qua (26.2), nhiều địa phương tiếp tục siết chặt cách ly y tế những người về từ Hàn Quốc để kiểm soát và tránh nguy cơ dịch Covid-19 lây lan.
Theo một số chuyên gia y tế, nhằm tránh bỏ sót người nghi nhiễm SARS-CoV-2 từ vùng dịch trở về Việt Nam, nhưng khai xuất phát từ khu vực không có dịch để khỏi bị cách ly, thì người đó phải chứng minh bằng giấy tờ có tính chất pháp lý chứ không thể tin theo lời khai trong tờ khai y tế lúc nhập cảnh.

Cách ly tuyệt đối người nghi mắc Covid-19

Ngày 26.2, Sở Y tế TP.HCM có công văn gửi khẩn cho UBND 24 quận, huyện, Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế; Trung tâm kiểm soát bệnh tật; Trung tâm y tế quận, huyện và bệnh viện (BV) công lập - ngoài công lập triển khai việc tổ chức cách ly phòng chống dịch bệnh đối với người nhập cảnh từ Hàn Quốc và theo dõi sức khỏe đối với người dân từ khu vực đang có dịch Covid-19. Tất cả những người có dấu hiệu sốt, ho, khó thở được phát hiện tại cửa khẩu phải lập tức cách ly tuyệt đối tại cơ sở y tế và lấy mẫu xét nghiệm.
Riêng Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế được giao trách nhiệm phối hợp Công an cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất rà soát các trường hợp nhập cảnh từ Hàn Quốc, đặc biệt các trường hợp đến từ hoặc đi qua khu vực TP.Daegu và khu bắc Gyeongsang đã nhập cảnh Việ Nam từ ngày 9.2, chuyển danh sách đến Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM để thông báo cho chính quyền địa phương thực hiện giám sát, theo dõi y tế và kịp thời cách ly theo hướng dẫn.

Áp dụng tờ khai song ngữ

Ngày 26.2, Bộ Y tế cho biết, tờ khai y tế song ngữ Việt - Hàn tại cửa khẩu đã được áp dụng với các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam từ vùng dịch Covid-19 tại Hàn Quốc.
Tờ khai yêu cầu các cá nhân thông tin về phương tiện đi lại như số hiệu, số ghế tàu bay, ô tô..., ngày khởi hành, ngày nhập cảnh, địa điểm khởi hành, địa điểm nơi đến; ghi rõ vùng quốc gia/lãnh thổ đã đến trong vòng 14 ngày qua (tính đến thời điểm nhập cảnh); tình trạng sức khỏe trong 14 ngày qua (sốt, ho, khó thở, đau họng, xuất huyết, nổi ban...); tình trạng phơi nhiễm như đến trại chăn nuôi, chợ buôn bán động vật, trực tiếp chăm sóc người bệnh truyền nhiễm...
Nam Sơn
Theo Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế TP.HCM, trong những ngày gần đây hầu như ngày nào cũng phát hiện hành khách nhập cảnh qua Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất có triệu chứng bệnh hô hấp: ho, sốt... được cách ly đưa về bệnh viện lấy mẫu, xét nghiệm. Riêng trong ngày 26.2, có 3 hành khách được cách ly đưa về các bệnh viện.
TP.HCM hiện có 123 trường hợp đang được cách ly tại khu cách ly tập trung ở H.Củ Chi, trong đó có người Hàn Quốc, Trung Quốc. Trong 55 người được cách ly ở quận, huyện thì đã có 43 người kết thúc thời gian theo dõi 14 ngày, còn 12 người đang tiếp tục được theo dõi. Tổng số người được cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 2.979, hiện đã có 2.956 người hết thời gian theo dõi, còn 23 người đang tiếp tục được theo dõi.

Covid-19 lây lan nhanh như thế nào?

Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa cho biết hiện ngành y tế tỉnh đang cách ly, theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe 36 trường hợp về từ Hàn Quốc. Trong đó, 19 người từ Daegu, 7 từ Gyeongsang, 5 từ Busan và 5 trường hợp thuộc tỉnh khác của Hàn Quốc. Trong số 16 trường hợp đang được cách ly tại BV Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa, 8 người có triệu chứng sốt, ho và ngành y tế đã lấy mẫu xét nghiệm, đang chờ kết quả. Những trường hợp khác được cách ly tại BV đa khoa khu vực Cam Ranh và Trung tâm y tế H.Cam Lâm, sức khỏe đều bình thường, không có dấu hiệu bệnh lý.
UBND tỉnh Khánh Hòa hôm qua 26.2 cũng đã có công văn khẩn gửi các sở, ngành, địa phương trong tỉnh về việc triển khai các biện pháp ngăn ngừa dịch Covid-19 từ Hàn Quốc. Theo đó, hiện mỗi ngày có trung bình 11 chuyến bay từ Hàn Quốc đến Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh. UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế phối hợp các đơn vị liên quan triển khai phân luồng lối đi riêng, áp dụng khai báo y tế với tất cả khách nhập cảnh đến từ Hàn Quốc (gồm cả khách đi qua Hàn Quốc); phát hiện sớm những người có dấu hiệu sốt, ho, khó thở và những người đến từ hoặc đi qua khu vực Daegu và bắc Gyeongsang để kịp thời cách ly, xét nghiệm, sàng lọc và điều trị kịp thời.

Lập thêm khu cách ly

Ngày 26.2, tại buổi gặp nhanh với cán bộ Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa yêu cầu trung tâm phối hợp các ngành động viên, hỗ trợ đối với những khách Hàn Quốc đã đến Đà Nẵng trong thời gian hơn 10 ngày qua. Ông Nghĩa lưu ý, hiện có khoảng 200.000 người Hàn Quốc đang lao động, học tập, sinh sống tại Việt Nam nên phải kiểm soát tốt dịch bệnh. Theo ông Nghĩa, không chỉ Trung Quốc mà ở Hàn Quốc có rất nhiều công dân Việt Nam đang mong muốn trở về nước để tránh dịch Covid-19.
Tại buổi gặp, bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.Đà Nẵng, cho hay sắp tới trung tâm sẽ đầu tư thêm các trang thiết bị ở sân bay, cảng biển để kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh. Hiện trung tâm đã xét nghiệm được SARS-CoV-2. Tuy nhiên, về quy trình, thủ tục như thế nào thì cần phải chờ ngành chức năng (về xét nghiệm tại khu vực miền Trung) thẩm định. Trên cơ sở đó, trung tâm sẽ trình Bộ Y tế công nhận kết quả xét nghiệm về Covid-19 của trung tâm có giá trị.

Cuộc sống trong khu cách ly người về từ vùng dịch Covid-19 ở Hàn Quốc

Cùng ngày, ông Lê Trung Chinh, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, đã đi kiểm tra tại khu cách ly phòng chống dịch Covid-19 đặt tại Trung tâm huấn luyện dự bị động viên Đồng Xanh - Đồng Nghệ (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang). Tại khu cách ly này, ngày 24.2 đã tiếp nhận 57 trường hợp là người Việt đi trên chuyến bay từ vùng dịch thành phố Daegu (Hàn Quốc) về nước. Tại buổi kiểm tra, ông Chinh khẳng định: “Đến thời điểm này, thành phố đã tiếp nhận 69 trường hợp là người Hàn Quốc trở về. UBND TP.Đà Nẵng đã có phương án có thêm nhiều cơ sở cách ly khác để đáp ứng được tất cả những người từ vùng dịch Covid-19 về TP.Đà Nẵng”.
UBND tỉnh Quảng Trị cho hay theo thống kê của ngành chức năng, hiện trên địa bàn tỉnh có 9 trường hợp người lao động (huyện Gio Linh 7 người,huyện Cam Lộ 2 người) trở về từ Hàn Quốc. Trong đó, có 2 cô gái là N.T.M (21 tuổi), T.T.D (24 tuổi, cùng trú KP.6, TT.Cửa Việt, H.Gio Linh) từng sống và làm việc tại thành phố Daegu. Hai cô gái này rời Hàn Quốc về Việt Nam qua sân bay quốc tế Đà Nẵng và tới Cửa Việt hôm 21.2. Khi phát hiện, cơ quan chức năng đã tiến hành cách ly tại nhà.
Hôm qua 26.2, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Quảng Trị có công văn khẩn cấp thu dung, cách ly điều trị bệnh nhân nghi mắc dịch bệnh Covid-19 đối với 2 chị M. và D. tại BV chuyên khoa Lao và bệnh phổi Quảng Trị.
Cũng trong chiều qua, tỉnh Quảng Trị quyết định chọn trụ sở của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị (cũ, đóng ở P.3, thành phố Đông Hà) làm cơ sở cách ly tập trung phòng chống dịch Covid-19. Nhóm người đầu tiên được đưa vào khu cách ly này là 16 người có tiếp xúc gần với chị M. và D., bao gồm người thân và cả những người vô tình tiếp xúc (bán quán ăn, bán cá...) trên địa bàn thị trấn Cửa Việt.
 

Công bố hết dịch Covid-19 tại Khánh Hòa, Thanh Hóa đề nghị Bộ Y tế công bố hết dịch 

Ngày 26.2, Bộ Y tế đã có Quyết định số 648/QĐ-BYT về việc công bố hết dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Quyết định nêu rõ, căn cứ luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, quyết định về điều kiện công bố dịch, hết dịch bệnh truyền nhiễm và theo đề nghị của Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa về việc đề nghị xem xét công bố hết dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, xét đề nghị của Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế quyết định công bố hết dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện các biện pháp giám sát, phòng chống dịch theo quy định của luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007. Đến ngày 27.2, Khánh Hòa đã 40 ngày không ghi nhận thêm ca nhiễm Covid-19 mới. Theo quy định, 28 ngày không ghi nhận thêm ca nhiễm là đủ điều kiện công bố hết dịch đối với dịch bệnh này.
Cùng ngày, UBND tỉnh Thanh Hóa đã gửi văn bản đề nghị Bộ Y tế căn cứ theo quy định, công bố tỉnh Thanh Hóa hết dịch Covid-19. Theo UBND tỉnh Thanh Hóa, kể từ ngày 23.1 (ngày phát hiện ca nhiễm Covid-19) đến hết ngày 25.2, đã qua 33 ngày, tại tỉnh này không phát hiện thêm ca nhiễm Covid-19 mới. Căn cứ quy định tại Quyết định số 02/2016/QĐ-TTg ngày 28.1.2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm, UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị Bộ Y tế công bố Thanh Hóa hết dịch bệnh theo quy định.
Nam Sơn - Minh Hải
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.