'Siêu sân bay' Long Thành chuẩn bị bứt tốc

Mai Hà
Mai Hà
04/11/2020 06:14 GMT+7

Sau nhiều ý kiến cân nhắc, Bộ KH-ĐT vừa khẳng định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 đã đủ điều kiện để Thủ tướng quyết định đầu tư.

 Suất đầu tư ở ngưỡng cao so với thế giới

Báo cáo Chính phủ về kết quả thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi (F/S) dự án Cảng hàng không (CHK) quốc tế Long Thành, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng dẫn lại báo cáo của Bộ GTVT, cho biết dự án có suất đầu tư 4,664 tỉ USD/25 triệu hành khách (tức khoảng 186,59 triệu USD/1 triệu hành khách). Suất đầu tư/1 triệu hành khách của các CHK lớn trên thế giới như Frankfurt (Đức) là 212 triệu USD, Incheon (Hàn Quốc) là 236 triệu USD, Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) là 190 triệu USD, và Đại Hưng (Trung Quốc) là 162,6 triệu USD. Bộ GTVT cho rằng so sánh suất đầu tư giữa các sân bay chỉ mang tính tham khảo do khác nhau về thời gian đầu tư, nguyên vật liệu, nhân công.

Bên trong nơi sắp xây dựng Sân bay Long Thành tỉ USD ở Đồng Nai

Trước đó, Nghị quyết 94/2015/QH13 của Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư dự án sân bay Long Thành có quy mô 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm với tổng mức đầu tư 336.630 tỉ đồng (tương đương 16,03 tỉ USD). Trong đó, giai đoạn 1 có công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm với tổng mức đầu tư 114.450 tỉ đồng (tương đương 5,45 tỉ USD). Suất vốn đầu tư cho toàn bộ dự án khoảng 160,3 triệu USD/1 triệu hành khách; suất vốn đầu tư dự án giai đoạn 1 khoảng 218 triệu USD/1 triệu hành khách.
Bộ KH-ĐT cũng đánh giá, tổng mức đầu tư dự án CHK quốc tế Long Thành đã được tư vấn thẩm tra xác định theo đúng quy định, suất vốn đầu tư cũng được so sánh, đánh giá với các CHK quốc tế trên thế giới và bảo đảm không vượt tổng mức đầu tư như ý kiến chỉ đạo của Quốc hội.
Tuy nhiên, báo cáo thẩm định dự án, Hội đồng thẩm định nhà nước nêu suất vốn đầu tư CHK quốc tế Long Thành giai đoạn 1 thuộc nhóm ngưỡng cao của các CHK trên thế giới đã đầu tư. Hội đồng thẩm định cũng lưu ý, sau khi dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ GTVT và chủ đầu tư các dự án thành phần phải chịu trách nhiệm rà soát, cập nhật và xác định chi phí, tổng mức đầu tư theo quy định, bảo đảm tiết kiệm chi phí đầu tư và hiệu quả đầu tư dự án.

Con trai đưa mẹ già đi nhận tiền tỉ đền bù từ dự án sân bay Long Thành

Giai đoạn 1 lãi 100 - 200 triệu USD/năm

Theo tính toán tại Báo cáo F/S, khi đi vào hoạt động ổn định, mỗi năm CHK quốc tế Long Thành giai đoạn 1 có khả năng đem lại lợi nhuận ở mức 100 - 200 triệu USD/năm (tương đương 2.390 - 4.780 tỉ đồng/năm).
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho hay nếu giao cho Tổng công ty CHK Việt Nam (ACV) trực tiếp đầu tư các công trình thiết yếu của dự án CHK quốc tế Long Thành sẽ có lợi ích cho nhà nước hơn các nhà đầu tư tư nhân. Nguồn lợi nhuận theo dự tính một phần sẽ được nộp lại cho ngân sách nhà nước dưới dạng cổ tức ứng với 95,4% tỷ lệ sở hữu của nhà nước tại ACV, phần còn lại sẽ được tích lũy để tái đầu tư phát triển các CHK như Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Điện Biên, Nà Sản, Lai Châu...
Lãnh đạo Bộ GTVT cũng cho rằng các CHK lớn trên thế giới đều do doanh nghiệp nhà nước, hoặc doanh nghiệp cổ phần do nhà nước nắm cổ phần chi phối thực hiện đầu tư. Sau đầu tư, nhà nước có thể bán một phần vốn nhà nước, như CHK Changi (Singapore) được chính phủ Singapore giao cho Tập đoàn Changi Airport Group (thuộc sở hữu Bộ Tài chính Singapore) quản lý, khai thác và đầu tư phát triển. Sân bay Suvarnabhumi (Thái Lan) cũng được đầu tư bởi Công ty sân bay quốc tế New Bangkok của nhà nước, sau khi xây dựng xong, cảng này được chuyển sang cho Công ty đại chúng CHK Thái Lan (AOT - Bộ Tài chính Thái Lan nắm 70% vốn) quản lý khai thác.
Bộ GTVT cũng tái khẳng định việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư sẽ khiến dự án không thể khởi công vào cuối quý 1/2021, không đảm bảo hoàn thành vào năm 2025 như yêu cầu của Quốc hội. Hiện ACV đã cân đối vốn để đầu tư cả 3 giai đoạn dự án CHK quốc tế Long Thành với vốn chủ sở hữu và sẽ tích lũy trên cơ sở dự báo tăng trưởng hành khách.
Cùng quan điểm này, Bộ KH-ĐT cho rằng Hội đồng thẩm định nhà nước đã đánh giá ACV đáp ứng đủ nguồn vốn tự có (36.102 tỉ đồng) và nguồn vốn vay (56.986 tỉ đồng), được các tổ chức tín dụng cam kết cho vay với khả năng lên đến 143.000 tỉ đồng. Việc giao cho ACV làm chủ đầu tư các công trình thiết yếu của dự án Long Thành sẽ đảm bảo các tiêu chí của Quốc hội và quy định pháp luật. Bộ KH-ĐT cũng kiến nghị Chính phủ phê duyệt Báo cáo F/S dự án đầu tư xây dựng CHK quốc tế Long Thành.
Trao đổi với Thanh Niên, Chủ tịch HĐTV ACV Lại Xuân Thanh cho biết nếu dự án sớm được Thủ tướng thông qua, ACV sẽ đẩy nhanh các thủ tục để triển khai, như thiết kế kỹ thuật, đấu thầu thiết kế kỹ thuật các hạng mục chính của sân bay, nhà ga, nhận bàn giao đất... “Nút thắt mặt bằng cũng đã được tháo gỡ khi mới đây UBND tỉnh Đồng Nai đã tạm bàn giao 1.810 ha mặt bằng giai đoạn 1 cho phía cảng vụ. Về mặt thủ tục, nếu dự án được phê duyệt, đất phải có sổ đỏ mới được bàn giao cho ACV thực hiện, nhưng ACV và Bộ GTVT đã kiến nghị các cơ chế đặc thù về bàn giao đất. Sau khi nhận được đất sạch, cuối tháng 12 sẽ khởi công hạng mục đầu tiên là hàng rào sân bay Long Thành, vừa là 1 hạng mục của sân bay, vừa chống lấn chiếm đất”, ông Thanh nói.
Theo ông Lại Xuân Thanh, nếu dự án được thông qua vào cuối năm nay, theo tính toán của ACV vẫn sẽ kịp tiến độ hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.