'Siêu trí tuệ Việt Nam' đâu chỉ để ngưỡng phục

Nguyên Vân
Nguyên Vân
17/01/2020 06:27 GMT+7

Sự gay cấn, cuốn hút từ các cuộc tranh tài cân não của game show giải trí bằng trí tuệ - Siêu trí tuệ Việt Nam đã được thể hiện trên màn ảnh nhỏ, song sẽ càng bất ngờ hơn khi khám phá những điều “kỳ bí” từ các bộ óc siêu việt ấy.

“Siêu trí tuệ Việt Nam mạnh hơn tôi tưởng rất nhiều”

Tối mai 18.1, tập cuối của Siêu trí tuệ Việt Nam sẽ lên sóng Vie Channel - HTV2 , với 2 chiến binh cuối cùng của mùa 1: Tuấn Phi, Huy Hoàng. Họ sẽ đối đầu với 2 cao thủ lừng danh đến từ Nhật: Takeru Aoki, Kaito Mori. Trên fanpage cũng như kênh YouTube của chương trình, rất nhiều các bình luận đầy kỳ vọng chiến thắng dành cho “siêu trí tuệ Việt Nam”, với những lý giải từ cảm tính đến lý tính.
Theo dõi 12 tập vừa qua, khán giả không ít lần nghe - cảm những trạng thái ngưỡng mộ, nể phục mà giám khảo dành cho các thí sinh. Như MC - nhà báo Lại Văn Sâm đã phải thốt lên “thật hại tim hại não kinh khủng khi ngồi ghế giám khảo cuộc thi này”. Ở góc độ chuyên môn, giám khảo khách mời từ Trung Quốc Vương Phong (một trong những tên tuổi đình đám trong các mùa Siêu trí tuệ xứ Trung) thừa nhận: “Siêu trí tuệ Việt Nam mạnh hơn tôi tưởng rất nhiều, điều đó cho thấy rằng môn thể thao trí tuệ này đang rất có tiềm năng ở Việt Nam”.
Giữ vị trí Trưởng ban Cố vấn khoa học Siêu trí tuệ Việt Nam (đánh giá, thẩm định năng lực của từng thí sinh dưới góc độ khoa học), kỷ lục gia trí nhớ thế giới Dương Anh Vũ cho rằng đây là một trải nghiệm rất thú vị, vì tài năng của các thí sinh là những dẫn chứng cho các công trình nghiên cứu của anh về “Khoa học trí não” trong suốt 13 năm qua. Có những năng lực anh đã mô tả trong các báo cáo cách đây 3, 4 năm như năng lực siêu tưởng (Super Imagination) của Tuấn Phi; phương pháp hệ thống tư duy mạng nhện (Spiderweb Thinking System) của Việt Hoàng, hay mô hình hệ thống năng lực trí não (Brain Power System) dùng để phân loại năng lực trí não...
Và để dễ phân loại, xây dựng phần thi phù hợp cho người chơi, Anh Vũ thường sử dụng mô hình Brain Power System (BPs) làm khung đánh giá năng lực trí não. Hệ thống này được anh nghiên cứu từ năm 2013 và hoàn thiện trong 2 năm sau đó. Cụ thể, Brain Power System chia năng lực bộ não con người ra làm 5 nhóm chính: nhóm 1 - đột biến não bẩm sinh, nhóm 2 - đột biến não do tai nạn, nhóm 3 - thần đồng, nhóm 4 - tài năng bền vững, nhóm 5 - người bình thường. Theo anh, trong 5 nhóm của Brain Power thì thí sinh Siêu trí tuệ Việt Nam mùa 1 có mặt ở 3 nhóm, gồm: đột biến não bẩm sinh, thần đồng và tài năng bền vững. Trong đó, Huy Hoàng thuộc nhóm 4 (cùng với Việt Hoàng, Tường Vân, Phước Vinh, Gia Hưng, Diệu Linh, Đức Phước, Ngọc Thịnh...), còn Tuấn Phi thuộc nhóm 1 và Dương Anh Vũ cũng nhìn nhận, Tuấn Phi chính là thí sinh ấn tượng nhất trong nhóm này.
Dẫn lại phần thi thử thách Chân thực ảnh của Tuấn Phi - tìm ra 1 tờ giấy trắng trong 200 tờ giấy trắng, Dương Anh Vũ cho biết: bạn ấy nhìn và tưởng tượng ra một con mèo đang đứng trên tờ giấy, con mèo đó chân thật đến mức nó đang chuyển động, kêu meo meo như một con mèo thật. “Nếu để ý sẽ thấy, các bạn trợ lý của chương trình thao tác rất nhẹ nhàng với tờ giấy, vì Tuấn Phi bảo: nếu mạnh tay, làm nghiêng tờ giấy thì con vật mà em tưởng tượng ra có thể bị rơi khỏi tờ giấy, khiến em không thể tìm ra tờ giấy đó... Năng lực nhận diện giấy trắng của Tuấn Phi là độc nhất vô nhị, trên thế giới chưa có người thứ 2 làm được điều này. Tôi nghĩ nếu được đề cử lên Sách kỷ lục Guinness, Tuấn Phi sẽ xác lập một kỷ lục thế giới mới về năng lực quan sát”, anh nói.

Phần lớn các thần đồng bị trầm cảm

Giám khảo khoa học - PGS-TS Trần Thành Nam từng chia sẻ, phụ huynh nhiều khi không nhận diện được các thần đồng cũng là một đứa trẻ cần yêu thương, tôn trọng và sẻ chia, chứ không phải bị ép huấn luyện như gà chọi. Như trường hợp Thế Anh, bố cháu cho biết ban đầu khi phát hiện khả năng khác thường của Thế Anh, thấy cháu gây rắc rối cho cuộc sống nên anh đưa con đi gặp bác sĩ nhi khoa, sau đó thì nghe theo sự tư vấn của bác sĩ. “Đôi khi thấy bé quá chú tâm xem, tìm hiểu một thứ gì đó mà tôi cho là không cần thiết thì tôi cũng cố gắng điều chỉnh để bé đừng mất nhiều thời gian vào nó mà quên đi việc học những kỹ năng sống cần thiết”, anh nói.
Thực tế, theo PSG-TS Trần Thành Nam, có nhiều trường hợp có dấu hiệu tổn thương sức khỏe tâm thần đã không được cảm thông và hỗ trợ kịp thời, làm hạn chế sự phát triển của các tài năng trí tuệ. Kỷ lục gia thế giới Dương Anh Vũ nhìn nhận: “Điều đầu tiên mà các tài năng cần chính là sự thấu hiểu và môi trường để giúp các bạn phát triển một cách bền vững. Song, đây là những điều chúng ta bị khuyết nghiêm trọng nhất, có thể dễ thấy ở nhóm thần đồng”. Bởi “phần lớn các ông bố bà mẹ không có kiến thức, kỹ năng để nuôi dạy một đứa trẻ như thế. Theo thống kê có hơn 900/1.000 đứa trẻ thần đồng bị trầm cảm là do môi trường sống và học tập không phù hợp”, Anh Vũ lý giải.
Theo anh, “phần lớn các thần đồng bị trầm cảm vì những tác động tiêu cực từ môi trường sống và giáo dục không phù hợp, rào cản được tạo ra từ sự mất cân đối giữa tài năng và tâm sinh lý. Hãy tưởng tượng: bạn có một đứa con thần đồng, năm 6 tuổi thằng bé vào học lớp 1, vì là thần đồng nên trình độ của cậu nhóc đã tương đương với một học sinh lớp 10. Nếu bạn bắt một học sinh cấp 3 phải học kiến thức của cấp 1 thì chuyện gì sẽ xảy ra? Nó sẽ chán học, xem thầy cô giảng bài như một trò đùa, nó không thể tập trung... Bạn không thể trách đứa trẻ, vì tâm sinh lý của nó cũng chỉ bị giới hạn ở 6 tuổi, cho dù tài năng phát triển như một người trưởng thành”.
Chính vì thế, theo Anh Vũ, dù ở Việt Nam không thiếu những ghi nhận về trẻ thần đồng, nhưng chúng ta chưa có cơ sở, môi trường hay giáo trình để hỗ trợ cho nhóm người này, và đây là điều cần suy nghĩ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.