Vụ việc có thể thổi bùng lên những đồn thổi về “tính thiêng” của công trình di sản nhiều năm bỏ hoang này, nhưng lúc này, có lẽ cần bình tĩnh để nhìn lại căn nguyên vấn đề một cách khoa học.
Đan viện cổ được xây dựng vào cuối thập niên 1930 đến đầu thập niên 1940 theo bản thiết kế của hai kiến trúc sư nổi tiếng Alexandre Leonard và Paul Veysseyre. Hai vị kiến trúc sư này từng thiết kế rất nhiều công trình tại thành phố Đà Lạt trước năm 1945, đa số vẫn có giá trị thẩm mỹ và đứng vững cho đến hôm nay.
Trước đó, chủ đầu tư - đại diện Đại học Kiến trúc, nói rằng tất cả 5 khối công trình đều được giữ nguyên, không có công trình nào bị phá bỏ để giữ lại “cái hồn” của tu viện xưa. Đặc biệt, nhà nguyện cổ và khu nội viện sẽ được khôi phục kiến trúc nguyên bản. Nhưng chỉ ít hôm sau phát ngôn ấy, tai nạn chết người đã xảy ra ở chính khu nội viện. Điều đáng nói là những góc chụp không ảnh, cận cảnh cho thấy khu nội viện đã bị đập bỏ “ngang xương”, không như lời phát biểu “khôi phục kiến trúc nguyên bản”. Việc đập bỏ diễn ra quá sơ sài, không có giàn giáo, che chắn, khung bảo vệ an toàn cho công nhân thi công và cố định những hạng mục kiến trúc liên đới cần giữ lại.
|
Có thể nói ngay rằng những gì xảy ra cho thấy nhà đầu tư, thi công và giám sát đã không nghiên cứu, đánh giá hết được các yếu tố kết cấu và hiện trạng công trình để có một giải pháp hợp lý. Và cũng cần nói thẳng ra rằng, là một cái nôi đào tạo kiến trúc, nhưng đơn vị đầu tư có thể đã bỏ qua rất nhiều bước đánh giá chuyên môn sâu để bảo vệ giá trị kiến trúc, lịch sử kiến trúc của công trình. Các giải pháp kiến trúc, biện pháp thi công đã không được minh bạch trước những bày tỏ hoài nghi và băn khoăn về số phận công trình di sản của cộng đồng này.
Vẫn biết rằng việc trùng tu bài bản nói chung hết sức phức tạp và tốn kém. Nhưng cũng cần có một tầm nhìn lớn để nhận ra thực tế nếu kiên quyết theo đuổi ý hướng trùng tu nghiêm túc và có trách nhiệm với công trình này, thì giá trị vô hình và bền vững mang lại cho đơn vị đầu tư hứa hẹn là rất lớn, nhất là gia tăng uy tín về chuyên môn cho một ngôi trường kiến trúc. Ngoài ra, giá trị mang lại cho xã hội sẽ rất sâu sắc.
|
Hãy thử tưởng tượng rằng Đại học Kiến trúc hay thành phố Đà Lạt xây dựng một khu phức hợp văn hóa - giáo dục kiến trúc như bảo tàng tài liệu kiến trúc, nghệ thuật, tôn giáo thời thuộc địa theo hướng hiện đại, thể hiện bằng đa phương tiện bên trong ngôi đan viện này, chắc chắn sẽ thu hút khách tham quan rất lớn và chắc sẽ có nhiều nhà đầu tư sẵn sàng tham gia. Thành phố Đà Lạt cũng sẽ có thêm một điểm đến giá trị, đem lại sức hút và tầm ảnh hưởng đối với du khách và giới chuyên môn tìm đến khám phá, nghiên cứu.
Trên thực tế, mọi thứ đã diễn ra thật dễ dãi theo cách thường thấy: vội vàng đập bỏ, đến mức hôm trước tuyên bố trùng tu nguyên trạng, hôm sau biến thành đống gạch vụn. Tai nạn xảy ra trong sự thiếu tôn trọng những nguyên tắc căn bản về thi công.
Sau vụ tai nạn lao động, cơ quan chức năng đã yêu cầu đơn vị thi công tạm thời dừng thi công để điều tra làm rõ nguyên nhân. Số phận của khối quần thể kiến trúc này lại treo lơ lửng trong tình trạng đã bị “hạ giải” dang dở. Hai mạng người đã mất. Sinh mạng giá trị kiến trúc cũng đang bị thử thách trầm trọng.
Đó là những lỗi không còn có thể sửa được. Sự cố này là một tin xấu của ngành kiến trúc khi Ngày kiến trúc sư Việt Nam đang đến rất gần.
Bình luận (0)