Tối 3.9, Sở Y tế TP.HCM có gửi văn bản khẩn đến Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống, dịch Covid-19 TP.Thủ Đức và các quận, huyện về việc quản lý và chăm sóc F0 trên địa bàn.
Sở Y tế yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.Thủ Đức và các quận, huyện tập trung triển khai, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát hoạt động quản lý F0 cách ly tại nhà nhằm tăng cường hiệu quả chăm sóc và quản lý F0 trên địa bàn phường, xã, thị trấn theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ "Mỗi phường, xã, thị trấn là một pháo đài phòng chống dịch".
Phải quản lý cho được danh sách F0
Theo đó, Trạm y tế phường, xã, thị trấn, Trạm y tế lưu động phải quản lý cho được danh sách F0 trên địa bàn bằng cách kết hợp các giải pháp mà Sở Y tế đề ra.
Cụ thể, khi có kết quả xét nghiệm test nhanh Covid-19 hoặc RT-PCR, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.Thủ Đức và các quận, huyện, phường, xã, thị trấn và Trung tâm y tế phải khẩn trương gửi ngay danh sách F0 mới phát hiện về các Trạm y tế hoặc Trạm y tế lưu động để triển khai ngay công tác chăm sóc F0.
Tổ chức đến nhà để lấy mẫu xét nghiệm nhanh khi nhận được thông tin của người dân báo có kết quả tự làm xét nghiệm dương tính qua điện thoại hoặc qua phần mềm "Hệ thống khai báo y tế điện tử" hoặc nhận được thông tin từ Tổ Covid-19 cộng đồng, Tổ dân phố...
Đăng nhập vào phần mềm “Hệ thống quản lý người cách ly và người bệnh Covid-19” để biết và tiếp nhận danh sách F0 mới thuộc địa bàn quản lý do các cơ sở y tế khác phát hiện. Đồng thời, các bước thực hiện cần phải tuân thủ nghiêm khi phát hiện thêm trường hợp F0 mới.
Bước 1: Ghi lại đầy đủ thông tin về địa chỉ nhà, số điện thoại của F0 và người thân trong gia đình.
Bước 2: Phát ngay túi thuốc điều trị Covid-19 (gói thuốc A, gói thuốc B), phổ biến và hướng dẫn cho F0 biết, chấp nhận tham gia và ký vào “Phiếu chấp thuận tham gia chương trình Molnupiravir có kiểm soát tại cộng đồng cho người mắc Covid-19", phát gói thuốc C.
Bước 3: Tầm soát đủ điều kiện để cách ly tại nhà hoặc cách ly tập trung. Hướng dẫn F0 tự theo dõi và khai báo tình hình sức khỏe mỗi ngày (tự ghi vào sổ tay hay khai báo y tế điện tử).
Buớc 4: Cung cấp các số điện thoại để F0 biết và gọi khi cần trợ giúp.
Thăm hỏi sức khỏe qua điện thoại và khám chữa bệnh, cấp cứu tại nhà cho F0
Các đơn vị mỗi ngày cần gọi điện thoại hỏi thăm tình hình sức khỏe F0 hoặc chủ động nắm bắt tình hình sức khỏe F0 qua khai báo y tế. Nếu có nhu cầu, chủ động đến nhà F0 để thăm khám trực tiếp, ưu tiên các trường hợp F0 thuộc nhóm nguy cơ (người cao tuổi, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai…) để thuyết phục cách ly ở cơ sở cách ly tập trung tại các phường, xã, thị trấn và quận, huyện.
Trong trường hợp F0 có triệu chứng nặng, các đơn vị phải đảm bảo cung cấp số điện thoại và tiếp nhận cuộc gọi của F0 hoặc người thân 24/7.
Khi nhận được cuộc gọi cấp cứu của F0, bác sĩ trực tiếp mang bình ô xy, dụng cụ đo SpO2, túi thuốc cấp cứu... đến ngay nhà của F0 để khám và đo Sp02. Nếu Sp02 dưới 95% phải cho thở ô xy ngay, đồng thời liên hệ Tổ phản ứng nhanh để chuyển F0 đến bệnh viện.
Đối với đội xét nghiệm, đội tiêm vắc xin, cần tổ chức phối hợp giữa các đội cùng một thành viên của Trạm y tế lưu động để thuận lợi triển khai các hoạt động chăm sóc F0 theo hướng dẫn trên.
Nếu kết quả xét nghiệm âm tính, hướng dẫn cho người dân tiêm vắc xin ngay sau làm xét nghiệm (nếu đủ điều kiện). Trong trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính, lập danh sách và cấp ngay túi thuốc điều trị Covid-19 tại nhà cho F0.
Sở Y tế yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.Thủ Đức và các quận, huyện khẩn trương triển khai, giám sát việc thực hiện các nội dung trên, tăng cường điều phối và phân bổ thuốc, bình ô xy đến các Trạm y tế, Trạm y tế lưu động để đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe cho F0 trên địa bàn.
Bình luận (0)