Về việc này, chúng ta có thể nhìn nhận khách quan hơn, không nên đổ lỗi cho chất lượng vắc xin hay đổ lỗi người đã tiêm vắc xin chủ quan. Bởi, vắc xin phòng Covid-19 do SARS-CoV-2 gây ra là các vắc xin mới, đều được cấp phép theo điều kiện khẩn cấp tại các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Do được ra đời và cấp phép hết sức khẩn trương để ứng phó với đại dịch, nên chúng ta chưa thể đánh giá hết về khả năng cơ thể được bảo vệ sau khi đã tiêm vắc xin Covid-19 đủ liều theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Ngoài ra, chúng ta cũng chưa biết rõ bao lâu sau tiêm, người tiêm sẽ có kháng thể, giúp cơ thể phòng bệnh.
Theo khuyến cáo chung với các vắc xin, thông thường, cần ít nhất 14 ngày sau tiêm mũi 1 mới bước đầu có tác dụng và mức bảo vệ lúc này chỉ đạt ở mức rất thấp. Sau tiêm mũi 2 từ 1 tháng trở lên thì vắc xin mới đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu, và hiệu quả này đạt ở mức khoảng 60 - 90%, tùy loại vắc xin.
Trên thực tế, có những loại vắc xin được công bố có hiệu lực bảo vệ với 90% nhưng có vắc xin chỉ có hiệu lực bảo vệ khoảng 50 - 60%. Vắc xin AstraZeneca chúng ta đang tiêm, theo báo cáo của nhà sản xuất, là khoảng 79%. Điều này có nghĩa là, một số người đã tiêm vắc xin vẫn có khả năng mang vi rút và lây bệnh cho người khác.
Câu hỏi mà nhiều người đang băn khoăn lúc này, đó là: “Vậy tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19 có thể yên tâm vì đã được bảo vệ trước sự tấn công của SARS-CoV-2 và có là nguồn lây nếu nhiễm SARS-CoV-2?”.
Như đã đề cập, tiêm đủ 2 mũi vắc xin với đủ thời gian khuyến cáo thì cơ thể sẽ có kháng thể bảo vệ. Nhưng, không phải tất cả mọi người đều có. Hơn nữa, đây là chủng vi rút mới nên cũng cần có thời gian để nghiên cứu, đánh giá, đặc biệt là hiệu quả của vắc xin với biến thể mới của chủng SARS-CoV-2 lần đầu ghi nhận tại Ấn Độ.
Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, sau khi tiêm vắc xin Covid-19, nếu chưa ngăn được 100% sự lây nhiễm của SARS-CoV-2 thì cũng sẽ giảm tình trạng nặng và giảm tử vong nếu có người nhiễm bệnh. Và thực tế, theo báo cáo từ lãnh đạo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, 52/53 người mắc đã tiêm vắc xin (1 người không tiêm do điều kiện sức khỏe) đều không có triệu chứng và nồng độ vi rút rất thấp. Như vậy, không phủ nhận hiệu quả của vắc xin mà chúng ta đang triển khai tiêm cho các nhóm ưu tiên và cho công nhân tại điểm nóng về dịch, ngăn dịch bùng phát.
Với những dữ liệu chúng ta đang có, tiêm vắc xin Covid-19 là biện pháp phòng bệnh chủ động rất quan trọng. Tuy nhiên, người đã được tiêm vắc xin vẫn rất cần ý thức được tầm quan trọng của việc hạn chế các hành vi nguy cơ, do đó, vẫn cần đồng thời thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, trong đó có "5K": khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung, khai báo y tế.
Bình luận (0)