Sống là để dấn thân và cống hiến

10/11/2022 11:13 GMT+7

Khi tôi đang gõ những dòng đầu tiên này, nhân vật chính trong bài viết của tôi cũng vừa đáp máy bay xuống thủ đô Hà Nội. Em ra dự Lễ tổng kết đề án 938, 939 và nhận bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Em là Đào Thị Thanh An, chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau .

Từ việc thực thi nhiệm vụ …

Tốt nghiệp đại học chuyên ngành quản lý xã hội, Thanh An đến với công tác Hội như một sự sắp đặt khéo léo của số phận. Mười một năm làm công tác Hội, một khoảng thời gian không quá dài, nhưng lại là một bề dày của sự cống hiến và dấn thân vì cộng đồng. Xã Nguyễn Việt Khái là một xã nghèo ven biển, điều kiện sống hết sức khó khăn, trình độ dân trí còn thấp, đặc biệt là phụ nữ, nên việc hoàn thành nhiệm vụ của một cán bộ Hội đã là điều không dễ dàng. Ấy vậy mà người phụ nữ này đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ, với tất cả các chỉ tiêu qua các năm đều đạt từ 100% trở lên, 11 năm liền đứng top đầu của huyện về công tác Hội, 7 năm liên tục đạt danh hiệu Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, gương điển hình tiên tiến cấp tỉnh, gương điển hình học tập làm theo lời Bác. Tháng 03.2022, em vinh dự là cán bộ Hội cấp cơ sở duy nhất trong 101 xã phường thuộc tỉnh Cà Mau tham dự Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII tại Hà Nội.

Một ngày của em bắt đầu từ bốn giờ sáng, và có lúc em không có cả ngày nghỉ cuối tuần. Em đi đến tận những nơi heo hút nhất, tiếp cận những trường hợp khó khăn nhất; tích cực tuyên truyền, vận động và giúp đỡ bà con. Em bộc bạch: Việc học hành dang dở, nhận thức hạn chế, không có nghề nghiệp ổn định, điều kiện sống khó khăn làm cho phụ nữ quê mình còn nhiều thiệt thòi và sự bất bình đẳng giới cao. Nhiệm vụ trọng tâm của Hội là phải làm sao để xây dựng người phụ nữ Việt Nam đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới, xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em. Em không quản ngại đến từng nhà, vận động các chị em “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Em luôn tích cực duy trì và nhân rộng các mô hình tạo việc làm cho phụ nữ nhàn rỗi tại địa phương như: mô hình trồng rau sạch, mô hình làm cá khô, làm bánh; hình thành các tổ nấu ăn đám tiệc, tổ hợp tác may gia công, tổ phụ nữ khởi nghiệp kinh doanh, nuôi tôm tích, buôn bán nhỏ, thu mua tôm, cá... Qua đó giúp chị em có thu nhập đáng kể, điển hình có chị mỗi tháng thu lãi trên 10 triệu đồng.

Đồng hành với bà con trong mô hình trồng rau sạch là một trong những niềm vui của Thanh An

TGCC

Xót xa cảnh một số anh chị em lớn tuổi mù chữ tại địa phương, em chủ động mở lớp học xóa mù chữ rồi đến từng trường hợp vận động tham gia lớp học. Đó là cả một quá trình của sự nhiệt huyết và lòng nhẫn nại, vì hầu hết mọi người không muốn đi học do tâm lý e ngại lớn tuổi, không tiếp thu được. Nhưng em đã không nản lòng. Với ý nghĩ “người không biết chữ rất thiệt thòi và cũng thật đáng thương”, em ra sức giải thích, động viên, khuyến khích. Mưa dầm thấm lâu, mỗi năm có từ một đến hai nhóm học, đến nay đã có gần 40 người theo học, đa số họ đã biết đọc biết viết.

Xuất thân từ gia đình có truyền thống hiếu học và bản thân cũng từng là cô giáo, việc đứng lớp đặc biệt này xem ra cũng là cái duyên đối với Thanh An

tgcc

Năng nổ trong các hoạt động phong trào

Bận rộn là vậy nhưng em không bỏ qua bất kỳ một cuộc thi văn hóa văn nghệ nào mỗi khi được phát động. Mỗi lần có cuộc thi, em huy động lực lượng tham gia rồi đích thân đứng ra biên kịch, đạo diễn và huấn luyện đội thi. Với năng khiếu diễn xuất khá tốt, hát hay và một chút hài hước vốn có, không cuộc thi nào Đội của em không đạt giải. Có thể nói em là người có duyên với các giải thưởng văn hóa văn nghệ: Giải Nhì tỉnh Hội thi Văn nghệ miệt vườn (2016), Giải Nhì tỉnh Hội thi tìm hiểu Luật trẻ em (2019), giải nhì tỉnh Hội thi tìm hiểu Luật giao thông, giải Nhất huyện Hội thi tìm hiểu về biển đảo Việt Nam, giải Nhất huyện Hội thi Nhà nông đua tài, giải Nhất huyện Hội thi an toàn giao thông, giải Nhất huyện Hội thi về phòng chống bạo lực gia đình

Sự khéo léo, tinh tế khi thi trổ tài bếp núc

tgcc

Đến những hành trình không ngừng nghỉ

Em ví các hoạt động thiện nguyện của mình như những cuộc hành trình không ngừng nghỉ. Em không bỏ xót bất cứ một hoạt động nào mang lại lợi cho bà con quê hương, cho cộng đồng. Xót xa cho 90 hộ dân khu vực ven biển không có nước sạch sử dụng, khi biết tin có một tổ chức nước ngoài triển khai chương trình rút ngắn khoảng cách để đem lại nước sạch cho bà con, em đã nắm bắt ngay cơ hội với quyết tâm cao nhất là phải đạt giải thưởng, mang tiền về xây đài nước sạch cho bà con. Để đạt được mục đích, em phải thức đến hơn nửa đêm trong suốt một tuần lễ để hoàn thành dự án và để dự án có tính thuyết phục nhất. Em bộc bạch: Các “đối thủ” tham gia cuộc thi đều nặng ký như các trường Đại học, Viện nghiên cứu; còn mình chỉ là một Hội phụ nữ ở cấp cơ sở - đó thật sự là một áp lực rất lớn. Nhưng may mắn là em đã thành công. Sự “may mắn” em vừa nói đã mang về giải thưởng 120 triệu đồng, hỗ trợ việc xây dựng một đài nước ngọt tập trung.

Thương cảm cho sự khốn khó của bà con khi phải sống trong những căn chòi dột nát, các cháu học sinh đến trường phải qua những chiếc cầu mảnh khảnh, chông chênh hoặc những chiếc phà tự chế nhỏ bé, chênh chao, em ra sức tranh thủ kết nối các mối quan hệ, vận động các tổ chức, cá nhân, các mạnh thường quân trong và ngoài nước hỗ trợ sửa chữa và xây nhà mới, cầu bê tông, khoan giếng nước sạch; hỗ trợ gạo, đồ dùng thiết yếu, tiền mặt… cho bà con tại địa phương.

Thanh An (bìa phải) tại Lễ khởi công một trong những ngôi nhà do cô vận động xây cất

tgcc

Đại dịch Covid-19 quét qua khiến vùng quê nghèo ven biển quê em càng thêm khốn khó. Thương cảm cho bà con phải tha phương cầu thực và mắc kẹt lại các tỉnh thành khác, hàng ngày em vận động người dân địa phương giăng lưới, đặt lú bắt tôm cá, gom góp từng thùng thực phẩm gửi đến bà con phương xa. Khi địa phương em tiếp nhận làm khu cách ly tập trung, em lại xông pha vào nấu những bữa ăn 0 đồng; mỗi bữa ăn đều có ít nhất 3 món, đôi khi có thêm bánh, trái cây. Em chia sẻ: Thương bà con mình mắc kẹt thiếu thốn miếng ăn, giờ họ về được rồi thì mình cố gắng lo cho họ có bữa ăn tươm tất.

Sau những tháng ngày tan thương bởi đại dịch, xã Nguyễn Việt Khái quê em lại có thêm những đứa trẻ mồ côi. Thực hiện chương trình Mẹ đỡ đầu do Trung ương Hội phát động, em lần lượt nhận làm mẹ đỡ đầu cho các bé. Đến thời điểm hiện tại, em đã nhận nuôi 36 trẻ mồ côi cha hoặc mẹ, hoặc bị bỏ rơi, trong đó có 06 trẻ mồ côi do đại dịch Covid-19.

Hơn 10 năm làm công tác hội, em đã vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước xây mới và sửa chữa 125 căn nhà, 9 chiếc cầu bê tông, 45 giếng nước sạch và 01 giếng nước sạch tập trung; vận động các mạnh thường quân hỗ trợ gạo, đồ dùng, thực phẩm, nhu yếu phẩm và tiền mặt với tổng trị giá hơn 10 tỷ đồng, trong đó cá nhân em và và gia đình ủng hộ hơn 200 triệu đồng. Những giá trị về mặt tinh thần em mang lại cho cộng đồng thì không thể đong đếm được. Em làm việc với tất cả nhiệt huyết, đam mê và khát khao cống hiến. Ba tuần trước, trên đường đi làm về em bị một thanh niên say xỉn tông nứt xương mắt cá chân, phải nằm viện hơn một tuần. Với em đó là “…khoảng thời gian dài kinh khủng, em chỉ mong mau xuất viện để trở lại với công việc”. Khi biết tôi có ý định viết bài dự thi về em, em cản: Em có gì nổi bật đâu mà viết, ai ở vị trí của em cũng sẽ làm được như vậy. Sống là để dấn thân và cống hiến, Chỉ vậy thôi...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.