Sống lại ký ức 'nhà chồ' bên sông Hàn

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
29/11/2019 06:07 GMT+7

Câu chuyện bên bờ sông là chủ đề cuộc triển lãm do Bảo tàng Đà Nẵng phối hợp với GS Graeme Were (Trưởng khoa Nhân học, Đại học Bristol - Vương quốc Anh) tổ chức, diễn ra từ 27 - 30.11.

Đây là một phần kết quả của dự án nghiên cứu Di sản nghề chài và cuộc sống mưu sinh tại Đà Nẵng do GS Graeme Were làm chủ nhiệm.
Theo ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, những năm 2000 - 2005, TP.Đà Nẵng đã di dời các hộ dân sống trong khu “nhà chồ” (nhà dựng tạm bợ ven sông nước) ở bờ đông sông Hàn đến những khu nhà khang trang ở vùng Nại Hiên Đông (Q.Sơn Trà), đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong sự phát triển của TP, đưa Đà Nẵng trở thành một trong những TP phát triển nhanh nhất châu Á hiện nay. Triển lãm kể câu chuyện của một số gia đình trong cộng đồng này, sử dụng lời kể của chính họ và các hiện vật. Những câu chuyện cho thấy mối liên hệ của những cư dân “nhà chồ” với sông Hàn và sinh kế thay đổi của họ.
Người dân và cả những nhân chứng được chọn tham gia triển lãm khi tận mắt thấy, sờ nắn những hiện vật gắn bó mật thiết với cuộc sống của họ trong quá khứ, như: đèn dầu, dụng cụ bẫy cua, bếp lửa, lưới, dụng cụ cào nghêu... đều bồi hồi xúc động. Bà Phan Thị Cương rưng rưng: “Thời sống ở “nhà chồ” chỉ cần ra khỏi nhà, bước xuống thuyền là có thể đi đánh cá, bắt cua. Tôi rất nhớ công việc cũ của mình, nhất là khi nhìn những ngư cụ được trưng bày trong bảo tàng”. Còn với ông Trần Thanh Hổ, ký ức những tháng năm sống ở “nhà chồ” là chiếc ghe. “Đó là tài sản lớn nhất của tôi khi sống ở “nhà chồ”. Với tôi, nó không chỉ là phương tiện kiếm sống mà còn là một người bạn gắn bó thân thiết...”. Còn bà Nguyễn Thị Liên tâm sự: “Đèn dầu không chỉ gợi lại cuộc sống vất vả ngày xưa mà còn nhắc nhớ đến hành trình nhọc nhằn tìm con chữ của những đứa trẻ xóm chồ”.
Cách thức tổ chức triển lãm trong dự án lần này là một hướng đi khá mới cho việc tổ chức các trưng bày ở bảo tàng: GS Graeme Were đưa ra chủ đề, nội dung triển lãm sau khi đã dành nhiều thời gian cho các cuộc phỏng vấn và trao đổi với nhóm ngư dân từng sống ở “nhà chồ” ven sông Hàn ngày xưa. Từ đó, triển lãm được hình thành với những nội dung lấy từ lời kể, tâm sự của các thành viên trong cộng đồng đó, thông qua hiện vật bảo tàng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.