Sống ngột ngạt trong vùng 'ngọt hóa'

Bắc Bình
Bắc Bình
18/03/2020 08:00 GMT+7

Nước tù đọng dưới lòng kênh, mương nội đồng trong các đê bao 'ngọt hóa' ở các tỉnh Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Long An đã cạn kiệt và bốc mùi hôi tanh... khiến cuộc sống của hàng trăm ngàn hộ dân khổ sở, ngột ngạt.

Chắt mót từng thau nước kênh

Nhìn 5 công lúa đông xuân mà gia đình thuê đất để canh tác bị chết khô khi chưa ngậm đòng, bà Trần Thị Bảy (50 tuổi, ngụ xã Bình Thành, H.Giồng Trôm, Bến Tre) buồn rười rượi. Thế là vốn liếng cả gia đình bà tích cóp được trong cả năm 2019 đã bị “bốc hơi” trước cái nắng hạn kinh hoàng kéo dài từ trước tết đến giờ.

Lúa chết khô, cây rụng trái, dân khát nước ngọt trầm trọng vì xâm nhập mặn

“Cả tháng nay, tôi cùng mấy chị em bạn dâu đi xin mót dưa gang đèo ở các đám dưa mà người ta chỉ trồng để lấy trái chín. Dưa đèo mót được, trái nào còn non mang về nhà ăn, còn mấy trái già cỗi, nhăn nheo thì xắt lát làm dưa chua mang ra chợ bán kiếm tiền mắm muối”, bà Bảy chia sẻ về công việc trong mùa thiên tai hạn mặn của mình.
Từ trước Tết Canh Tý, nước dưới mương đã mặn và chính quyền quyết định cho đóng miệng cống, chặn đứng luôn dòng kênh dẫn nước từ sông Bình Chánh vào xóm nhà bà Bảy. Từ đó, nước trong kênh bị tù đọng, mực nước xuống thấp qua từng ngày. Rác thải, xác chim, chuột... dưới kênh ngày một nhiều hơn, nước dần ngả sang màu đen và bốc mùi hôi tanh rất khó chịu. “Nước bẩn là vậy nhưng gia đình tôi vẫn phải xuống kênh “chắt” từng thau mang lên chứa trong lu, lóng phèn cho trong rồi dùng để tắm giặt và nấu uống. Chớ nhà nghèo, tiền đâu ra mà dám xài nước sạch với giá 120.000 đồng/m3”, bà Bảy than thở.
Sống ngột ngạt trong vùng 'ngọt hóa'1

Một dòng mương còn nước ngọt hiếm hoi ở xã Hưng Nhượng, H.Giồng Trôm (Bến Tre)

Còn những gia đình may mắn được “hòa mạng” hệ thống cấp nước của Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bến Tre (Trung tâm nước sạch Bến Tre) như hộ ông Lê Văn Hùng (57 tuổi, ngụ xã Bình Thành, H.Giồng Trôm) cũng có nỗi khổ riêng, do nguồn nước máy hiện đã có độ mặn trên 4‰ nên không thể dùng trong ăn uống. “Tôi có hỏi người của nhà máy nước rằng nước mặn vầy có giảm tiền nước hay vẫn tính giá như cũ, thì anh ấy nói vui là lẽ ra tôi phải trả thêm tiền muối chứ giảm nỗi gì”, ông Hùng pha trò.

Cây rụng trái vì “mặn lấn, phèn hực”

Sống trong vùng ngọt hóa cống Sơn Đốc nhưng dân các xã Hưng Lễ, Hưng Nhượng (H.Giồng Trôm, Bến Tre) vẫn phải mua nước ngọt với giá gần 180.000 đồng/m3. Các hộ khó khăn thì tìm chút nước ngọt còn lại dưới các kênh mương hay đào giếng hộc lấy nước lên “lóng” phèn sử dụng.

Mặn lấn, phèn hừng hực dưới gốc nên trái già, trái non gì cũng rụng sạch, thậm chí nhiều cây đã vàng lá, chết khô rồi

Lão nông Bùi Văn Thành (xã Long Mỹ, H.Giồng Trôm, Bến Tre)

Theo quan sát của PV Thanh Niên, mỗi ngày giếng hộc của gia đình ông Nguyễn Văn Tèo (ấp 4, xã Hưng Nhượng) bơm lên được khoảng 1 khối nước. Tuy nhiên, nước có màu xanh sẫm và luôn có lớp phèn dày trên bề mặt. Để sử dụng, ông Tèo mua chất bột khử mùi bán trôi nổi trên thị trường với giá 10.000 đồng/bọc về rắc đầy mặt lu nước rồi dùng tay trộn đều trong vòng khoảng 5 phút thì lớp phèn trên mặt nước biến mất, nước trong hơn. “Không có nguồn nước nào khác thì xài đại thôi, chết thì chịu chứ mình có phải nhà khoa học đâu mà biết thành phần trong nước có chất gì”, ông Tèo bộc bạch.
Sống ngột ngạt trong vùng 'ngọt hóa'2

Cống ngăn dòng sông Ba Lai với kinh phí hàng trăm tỉ đồng để biến các vùng đất bị nhiễm mặn được ngọt hóa vẫn chưa phát huy nhiều tác dụng

Hưng Nhượng là một xã hiếm hoi được Trung tâm nước sạch Bến Tre trang bị dàn thiết bị lọc ngược nước bằng công nghệ RO. Nhưng, ông Tèo cũng không buồn đến nhà máy để mua nước với giá 8.000 đồng/m3. Lý do là ông không biết phải chờ đến bao giờ mới tới lượt mình vì có rất nhiều xe bồn xếp hàng chờ lấy nước từ đêm trước.
“Nhờ hưởng ứng phát động của Tỉnh ủy Bến Tre trong năm 2016 về trữ nước mưa trong lu, hồ nên nhà tôi giờ còn được tầm 1,5 m3 nước mưa để uống và tắm cho hai đứa cháu nhỏ, vì nếu cho tắm nước giếng như người lớn thì chúng bị ngứa ngáy, khóc lóc suốt ngày đêm, không ai ngủ nghê gì được. Riêng nước để tưới cây thì... đừng có mơ! Chúng tôi ở trong vùng ngọt hóa của Sơn Đốc nhưng nước ở sông Hàm Luông vẫn chui được vào mương vườn bằng đường sông Hương Điểm, Ba Lạt. Ngọt hóa nhưng chưa khép kín mới khổ như vậy. Dân xứ này sống chủ yếu nhờ vào vườn dừa trồng xen cây ăn trái có múi nhưng đã mặn đến nỗi cây dừa còn sắp chết gục thì cây ăn trái làm sao sống nổi”, ông Tèo nói.
Nước phèn, mặn cộng với cái nắng oi bức kéo dài đã khiến các vườn bưởi da xanh, chanh, cam xoàn, quýt đường… ở vùng ngọt hóa trên địa bàn tỉnh Bến Tre bị rụng trái hàng loạt. Lão nông Bùi Văn Thành (ấp 6, xã Long Mỹ, H.Giồng Trôm) nói như khóc: “Mặn lấn, phèn hừng hực dưới gốc nên trái già, trái non gì cũng rụng sạch, thậm chí nhiều cây đã vàng lá, chết khô rồi. Sau đợt hạn, mặn mùa khô năm 2016, vườn bưởi xen cam rộng 6 công của tôi phải đốn sạch trồng mới. Trồng 3 năm nay với bao nhiêu công sức, mới chuẩn bị thu hoạch vụ đầu tiên lại gặp mặn. Mặn năm nay nghiêm trọng hơn nhiều so với năm 2016, thì vườn cây của nhà tôi đâu còn hy vọng gì nữa”.
Trong khi đó, dự án ngọt hóa Gò Công như một thành tích đáng tự hào của chính quyền tỉnh Tiền Giang từ nhiều năm nay. Nhưng tất cả các nỗ lực chống xâm nhập mặn của UBND tỉnh Tiền Giang trong thời gian qua chỉ có thể giúp vài trăm ngàn hộ dân vùng này có được nước ngọt sử dụng, còn hàng chục ngàn héc ta lúa đông xuân và vườn thanh long đang khô hạn thì chỉ còn nước... phó mặc cho trời.
Ông Phạm Văn Cảnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết các hệ thống cống đập ngăn mặn trên địa bàn tỉnh đã được đóng chặt từ trước Tết Canh Tý 2020. Nhưng nước mặn năm nay đến quá sớm nên đã xâm nhập với nồng độ 4‰ vào nội đồng vùng ngọt thuộc hệ thống 2 sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây đến hơn 70 km (năm 2016 chỉ 66 km) tính từ cửa sông Soài Rạp.
“Gần 9.000 hộ dân ở H.Cần Giuộc đang thiếu nghiêm trọng nguồn nước ngọt sử dụng. Lượng nước ngọt trong kênh mương nội đồng đều đã kiệt quệ. Hơn 11.000 ha cây ăn trái đứng trước nguy cơ thiệt hại nghiêm trọng vì không có nước tưới, phèn trong đất dâng cao. Đến lúc này, mọi giải pháp chống hạn mặn ở Long An đều không còn giữ được thế chủ động nữa rồi!”, ông Cảnh cho biết. 
Tìm giải pháp hiệu quả rửa mặn giải cứu cây trồng
Tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ngày 8.3 vừa qua, ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, báo cáo trực tiếp với Thủ tướng về việc nước mặn xâm nhập quá sâu vào nội đồng đã trực tiếp đẩy độ kiềm (phèn) trong đất trồng hơn 80.000 ha cây ăn trái trên địa bàn tỉnh Tiền Giang lên cao; trong đó nghiêm trọng nhất là hơn 26.000 ha cây ăn trái dọc sông Tiền thuộc địa bàn 2 huyện Cai Lậy và Châu Thành. “Ưu tiên hàng đầu của tỉnh Tiền Giang hiện nay là nỗ lực triển khai các giải pháp để cùng người dân vượt qua thiên tai hạn mặn mà sự thiệt hại ở mức thấp nhất có thể. Chúng tôi đang khẩn trương tìm giải pháp hiệu quả để rửa mặn giải cứu cho cây trồng, đặc biệt là các biện pháp kỹ thuật để kéo giảm độ kiềm, mặn trong đất trồng cây ăn trái. Đây là một nhiệm vụ cấp bách và địa phương rất cần sự chia sẻ, thấu đáo trong đánh giá thiệt hại của các bộ, ngành chuyên môn ở T.Ư”, ông Hưởng nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.