Hỏi đến anh Quyết sáng chế thì ở thôn Đỗ Xá từ già đến trẻ chẳng ai là không biết. Bởi, câu chuyện “nhà sáng chế chân đất” đã quá quen thuộc với người dân nơi đây.
Anh Quyết bên sáng chế Máy cắt kính bán tự động Linh Sơn |
Tôi gặp anh Quyết vào một chiều nắng đẹp. Anh chàng giám đốc giản dị đang mải miết hướng dẫn công nhân làm việc. Ai cũng bảo anh là giám đốc tiền tỉ nhưng trông anh không giống phong thái người “tiền tỉ” lắm. Anh ăn mặc đơn giản, cùng anh em công nhân lao động, mồ hôi nhễ nhại. Thấy tôi đến, anh Quyết mới vội đi thay chiếc áo dính nhiều bụi để tiếp khách cho lịch sự.
Anh Quyết ngắm nhìn trẻ em bơi lội ở hồ nước trong làng |
tác giả cung cấp |
Câu chuyện của anh Quyết thực sự truyền cảm hứng cho nhiều người trẻ khởi nghiệp, đặc biệt với ai yêu thích sáng chế. Sinh ra trong một gia đình bình thường, chỉ học hết lớp 7 và chưa hề qua trường lớp đào tạo về cơ khí nhưng anh đã mày mò, nghiên cứu và chế tạo ra chiếc máy cắt kính bán tự động Linh Sơn vào năm 2013.
Trước khi “dấn thân” vào nghiên cứu chế tạo máy, anh Quyết từng làm nhiều nghề như trồng hoa, điện dân dụng, làm cửa nhựa lõi thép... Từ nghề cửa nhựa lõi thép, anh phải cắt nhôm kính làm nguyên liệu.
Xuất phát từ ao ước có một chiếc máy cắt kính cắt được cả hai mặt trên - dưới và tốc độ cắt nhanh hơn, anh đã sáng chế ra máy cắt nhôm kính. Rồi anh chế thêm hệ thống tự bẻ, giúp đảm bảo an toàn cho công nhân và tiết kiệm sức lao động.
Trong gần chục năm sản xuất máy, anh Quyết không ngừng cải tiến kỹ thuật và hạ giá thành. Đến năm 2016, sản phẩm máy cắt kính bán tự động Linh Sơn của anh Quyết được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận sáng chế/giải pháp hữu ích.
Làm ăn dần đi vào ổn định và đến năm 2017, anh Quyết mới trả hết những khoản nợ cuối cùng, nhưng trước đó, anh Quyết luôn là người đi đầu đóng góp vào các quỹ cộng đồng của địa phương. Ông “giám đốc tiền tỉ” luôn đau đáu với những điều chưa đẹp trên quê hương và cố gắng giúp cho quê nhà không ngừng giàu đẹp hơn.
Dẫn tôi đi tham quan hồ nước của làng, nụ cười của anh Quyết thật giản dị và âu yếm khi nhìn lũ trẻ làng tập bơi, vui đùa dưới nước. Hỏi ra mới biết, trước đây, hồ nước vốn rất bẩn, nhiều rác thải, nước tù đọng ô nhiễm. Xung quanh hồ không có không gian đi bộ, cây xanh, một số hộ còn lấn mất không gian của hồ.
Sau khi được sự đồng ý của thôn, anh Quyết đã huy động máy móc, thiết bị nạo vét lòng hồ, đổ cát sỏi sạch, xây dựng hệ thống thoát nước và lấy nước mưa, trồng cây xanh để kiến tạo một “công viên làng”. Ngoài ra, anh Quyết còn lắp đặt hệ thống đèn điện và nhận chi trả tiền điện hằng tháng...
Giờ, cứ chiều đến, trẻ con trong làng lại nô nức ra hồ tập bơi, các cụ già thì ngồi trên ghế đá hóng mát, hàn huyên chuyện cũ. Gió cứ lồng lộng thổi qua hồ nước vào làng, mát mẻ và thanh khiết.
Để đảm bảo an toàn, anh Quyết đổ cát sỏi theo bậc thềm nên ven bờ nước nông, trẻ có thể tập bơi và có biển cảnh báo độ sâu. Anh Quyết cho biết ít lâu nữa anh sẽ mời thầy về để dạy bơi cho trẻ nhỏ. Anh mong muốn tất cả trẻ em trong làng đều sẽ biết bơi, một kỹ năng vô cùng cần thiết trong cuộc sống.
Càng trò chuyện với anh Quyết, tôi càng cảm nhận được sự mộc mạc, chân ái, lối sống đầy tình cảm trong tính cách của anh. Ngay khuôn viên nhà anh nhiều cây xanh, ghế đá, trẻ con chạy ra chạy vào “như chốn không người”. Bởi cổng nhà anh chẳng bao giờ đóng, ông chủ nhà thì cứ nhìn thấy trẻ con là tươi cười, yêu thương. Anh bảo “yêu trẻ, trẻ mới đến nhà”.
Anh Quyết làm những việc ý nghĩa cho quê hương không phải để nhận được sự tán dương từ ai, mà đơn giản, anh thấy việc đó giúp ích cho quê hương, coi đó là sự tri ân nơi mình đã sinh ra và khôn lớn. “Niềm vui của dân làng chính là niềm vui của mình”, anh tâm sự.
Kể về các việc làm của mình, đôi lúc anh ái ngại rồi cười xua đi. Tính anh không thích khoe khoang, kể lể. Nhưng có lẽ do nể tôi “nịnh” mãi nên anh bộc bạch thêm một số việc khác. Cách đóng góp của anh Quyết cho cộng đồng không giống với một ông chủ doanh nghiệp chút nào. Bởi, thường thì họ sẽ gắn tên biển công ty trên công trình đầu tư hoặc đầu tư “mỗi nơi một tí” để hình ảnh công ty được lan tỏa rộng, nhưng anh Quyết lại không làm thế, cứ âm thầm và làm bằng cái tâm.
Đơn cử, năm 2017, anh thấy đoạn đường từ UBND xã Vạn Điểm tới ngã ba thôn Đỗ Xá xuống cấp nghiêm trọng. Anh xin chủ trương của UBND xã, sau đó anh tự mua vật liệu, thuê máy móc, nhân công và chỉ đạo làm theo đúng yêu cầu của UBND xã.
Anh làm công trình công cộng không khác nào đang làm nhà mình. Anh theo sát quá trình thi công để đảm bảo chất lượng con đường. Trong quá trình thi công, phát sinh thêm tiền, anh chi ngay lập tức. Con đường được hoàn thiện, khang trang và rộng rãi hơn rất nhiều, ai nấy đều rất phấn khởi. Tổng số kinh phí anh Quyết chi ra là gần 400 triệu đồng.
Gần nhất, anh Quyết đầu tư gần 50 triệu đồng để lắp hệ thống đèn chiếu sáng và đèn cảnh báo tốc độ tại ngã tư cầu chui Vạn Điểm - cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Chia sẻ về việc này, anh Quyết cho biết: Đây là ngã tư khuất tầm nhìn nên thường xảy ra tai nạn, đặc biệt về buổi tối. Bản thân anh từng chứng kiến nhiều vụ tai nạn tại ngã tư, hồi anh còn thuê xưởng gần đó. Vì vậy, anh trang bị hệ thống đèn với mong muốn không có vụ tai nạn giao thông nào xảy ra tại đó nữa. Quả đúng như anh mong ước, hơn một năm nay, từ khi trang bị hệ thống đèn, không có vụ tai nạn nào xảy ra tại ngã tư cầu chui.
Không nghĩ đến những chuyến du lịch khắp năm châu hay mua biệt thự, xe sang, ông “giám đốc chân đất” hiền hậu Trần Văn Quyết luôn miệt mài lao động và sắt son với quê hương. Anh Quyết bảo, dự kiến anh sẽ đầu tư nâng cấp con đường từ xóm Trại ra quốc lộ 1A, con đường sẽ rút ngắn được quãng đường từ làng ra quốc lộ của người dân Đỗ Xá....
Nhận xét về anh, ông Nguyễn Văn Khải, Phó chủ tịch UBND xã Vạn Điểm, hết lời khen ngợi. Không chỉ là tấm gương nỗ lực, sáng tạo vươn lên trong làm kinh tế mà anh Quyết là người con giàu tình yêu với quê hương. Tính anh giản dị, điềm đạm và luôn gần gũi với hàng xóm láng giềng. Rất nhiều việc anh Quyết đóng góp cho quê hương, anh làm âm thầm mà không chú ý tới sự ghi công hay khen ngợi, tất cả đều xuất phát từ tình yêu quê hương vô bờ bến.
Bình luận (0)