Sự kiện văn hóa nổi bật tuần qua: Ban hành bộ quy tắc ứng xử nghệ sĩ

Đỗ Tuấn
Đỗ Tuấn
19/12/2021 07:00 GMT+7

Bộ quy tắc ứng xử nghệ sĩ vừa được Bộ VH-TT-DL ban hành để “nhân cái đẹp dẹp cái xấu”.

Ngày 13.12, Bộ VH-TT-DL ra Quyết định số 3196 ban hành quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, có hiệu lực từ ngày ký.

Theo đó, mục đích của việc ban hành là “khuyến khích, phát huy, lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp theo tinh thần “nhân cái đẹp, dẹp cái xấu”, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”.

Nhiều nghệ sĩ đã dính "lùm xùm" liên quan đến việc làm từ thiện

T.L

Bộ quy tắc ứng xử nghệ sĩ có phạm vi áp dụng: hành vi ứng xử của người hoạt động nghệ thuật trong hoạt động nghề nghiệp, đối với đồng nghiệp, công chúng, khán giả, khi tham gia các hoạt động xã hội, báo chí, truyền thông và không gian mạng. Đối tượng áp dụng là người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.

Kèm theo quyết định là Bộ quy tắc ứng xử nghệ sĩ gồm 3 chương, 11 điều. Tại chương 2 về các quy tắc ứng xử, Bộ VH-TT-DL chia các quy định thành nhiều nhóm.

Điều 4 Bộ quy tắc ứng xử nghệ sĩ nêu quy tắc ứng xử chung, gồm: đặt lợi ích của dân tộc, quốc gia lên trên hết, trước hết, trọng danh dự, đề cao trách nhiệm công dân, trách nhiệm của người hoạt động nghệ thuật. Điều 5 nêu quy tắc ứng xử trong hoạt động nghề nghiệp. Điều 6 nêu quy tắc ứng xử với đồng nghiệp, trong đó có trân trọng các thế hệ nghệ sĩ đi trước trong việc trao truyền những giá trị văn hóa, tinh hoa nghề nghiệp cho các thế hệ người hoạt động nghệ thuật; tôn trọng, bảo vệ uy tín của đồng nghiệp trước công chúng, khán giả và xã hội… Điều 7 của bộ quy tắc quy định nghệ sĩ không lợi dụng niềm tin, tình cảm của công chúng, khán giả để trục lợi cá nhân dưới mọi hình thức. Điều 8 quy định nghệ sĩ không đăng tải, chia sẻ và lan truyền các nội dung vi phạm pháp luật, thông tin sai sự thật, vi phạm bản quyền, thông tin chưa được kiểm chứng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân và ảnh hưởng tiêu cực, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân. Điều 9 của bộ quy tắc đáng chú ý là yêu cầu công khai, minh bạch kịp thời khi tham gia các hoạt động xã hội, bảo vệ uy tín, trách nhiệm, danh dự người hoạt động nghệ thuật, không lạm dụng danh hiệu, danh xưng, hình ảnh để tư lợi cá nhân.

Hơi thở kháng chiến ở thủ đô gió ngàn

Nhiều câu chuyện đời sống được chia sẻ trong chuyên đề Việt Bắc - Thủ đô gió ngàn tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia nhân kỷ niệm 75 năm ngày toàn quốc kháng chiến (19.12.1946 - 19.12.2021).

Dù đã mờ, bức ảnh đen trắng tại trưng bày Việt Bắc - Thủ đô gió ngàn vẫn cho thấy không khí tháng 12.1946. Ở đó, người dân đứng vòng trong, vòng ngoài của chiếc loa lớn phát ra lời kêu gọi. Xung quanh là quang cảnh những ngôi nhà Hà Nội san sát nhau như trong những bức tranh tả phố của họa sĩ Bùi Xuân Phái. Đây là một trong những bức ảnh mà Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Cục Lưu trữ Văn phòng T.Ư Đảng lựa chọn cho trưng bày tại bảo tàng từ nay đến hết tháng 5.2022.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên đường đi công tác

T.L

Bút tích Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng được trưng bày với giải pháp phóng to và chữ nổi. Hiện vật gốc bút tích này đã được công nhận là bảo vật quốc gia. Lời kêu gọi bản gốc này gồm 2 trang giấy màu ngà không có dòng kẻ, kích thước 13,5 x 20,5 cm. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết lời kêu gọi ấy tại gác hai ngôi nhà của gia đình ông Nguyễn Văn Dương, làng Vạn Phúc, Q.Hà Đông, Hà Nội. Trong bút tích Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, ngoài nét chữ mực nâu của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có bút tích sửa bằng mực xanh của ông Trường Chinh, Tổng bí thư Ban Chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản Đông Dương.

Theo Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến đã được phát trên Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam khi ấy đặt tại chùa Trầm (H.Chương Mỹ, Hà Nội) và đăng trên trang nhất Báo Cứu Quốc - Cơ quan tuyên truyền của Mặt trận Việt Minh và được in thành hàng ngàn áp phích, chuyển về nhiều địa phương trên toàn quốc.

Nhiều tư liệu ảnh về đời sống ở Việt Bắc cũng được giới thiệu. Có nhiều tư liệu ảnh về Việt Bắc liên quan đến Bác Hồ. Trong đó có những bức ảnh như: Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên đường đi công tác ở chiến khu Việt Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp; Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường đi công tác, Tuyên Quang năm 1951; Chủ tịch Hồ Chí Minh với đoàn đại biểu Nam bộ, tháng 10.1949…

Công chiếu phim tài liệu Mai Thứ (1906 - 1980), tiếng vọng từ một Việt Nam trong mơ

Phim tài liệu Mai Thứ (1906 - 1980), tiếng vọng từ một Việt Nam trong mơ được Viện Pháp tại Việt Nam công chiếu trực tuyến lúc 20 giờ ngày 18.12.

Phim dài 17 phút, được thực hiện trong khuôn khổ triển lãm tác phẩm của họa sĩ Mai Trung Thứ (Mai Thứ) do Bảo tàng Ursulines (Mâcon) và Bảo tàng Cernuschi (Paris) tại Pháp tổ chức thời gian qua.

Họa sĩ Mai Thứ

T.L

Bức tranh Chân dung cô Phương được họa sĩ thực hiện năm 1930, gần đây đã được gõ búa với mức giá 3,1 triệu USD trong buổi đấu giá ở nhà đấu giá Sotheby’s Hong Kong, trở thành tác phẩm có giá công khai cao nhất của lịch sử mỹ thuật Việt Nam.

Xòe Thái là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại

Đại diện UNESCO công bố việc Nghệ thuật Xòe Thái được ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại lúc 17 giờ 11 ngày 15.12 tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 16 tại Paris (Pháp).

Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Đạo Cương cũng có bài phát biểu đáp từ bằng tiếng Anh sau khi Xòe Thái được ghi danh. Theo đó, ông Cương cảm ơn Tổng giám đốc UNESCO, Ban đánh giá hồ sơ, các quốc gia thành viên đã ủng hộ Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam. Ông cho biết Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị của di sản như: nhận diện, nghiên cứu, tư liệu hóa, xây dựng biện pháp bảo vệ di sản trong cộng đồng. Chủ tịch nước đã phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước cho nghệ nhân thực hành di sản.

Nghệ thuật Xòe Thái

NHÀ NGHIÊN CỨU ĐẶNG HOÀNH LOAN

Theo hồ sơ (do Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Vicas thực hiện) gửi UNESCO, xòe là một loại hình vũ đạo của Việt Nam với những động tác biểu tượng cho các hoạt động của con người và được thực hành trong nghi lễ, văn hóa, đời sống và công việc. Xòe được trình diễn trong các nghi lễ, đám cưới, lễ hội làng truyền thống và các hoạt động của cộng đồng. Mặc dù các động tác múa đơn giản, nhưng xòe biểu trưng cho khát vọng về sức khỏe và hòa hợp của cộng đồng.

Cũng theo hồ sơ: “Những người thực hành xòe là thành viên của cộng đồng người Thái, không phân biệt giới tính, lứa tuổi, nghề nghiệp và vị thế xã hội”.

Phố đêm Hoàng thành - Huế khai trương trong dịp tết dương lịch

Thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) đang gấp rút hoàn thành trang trí, bố trí quầy hàng dịch vụ, không gian trình diễn văn hóa, nghệ thuật để đưa vào hoạt động Phố đêm Hoàng thành - Huế vào dịp tết dương lịch 1.1.2022.

Những ngày qua, công nhân các đơn vị thi công đang gấp rút trang trí, treo lồng đèn, chỉnh trang bồn hoa, cây cảnh… để kịp khai trương Phố đêm Hoàng thành - Huế vào dịp tết dương lịch 1.1.2022.

Phối cảnh không gian khu vực các quầy hàng truyền thống tại Phố đêm Hoàng thành - Huế

T.H

Theo kế hoạch, Phố đêm Hoàng thành - Huế sẽ chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1.1.2022, khung giờ 19 - 23 giờ vào các ngày thứ sáu, thứ bảy. Trước mắt, TP.Huế tổ chức không gian phố đêm dành cho người đi bộ từ cửa Thể Nhơn đến đường 23 tháng 8 và tuyến đường Lê Huân từ pháo đài Nam Thắng đến đường Yết Kiêu.

Trước mắt, có 28 quầy hàng trưng bày sản phẩm thủ công truyền thống Huế như đèn lồng, dệt, hoa giấy Thanh Tiên, nghệ thuật trúc chỉ, các sản phẩm từ sen, tranh làng Sình, pháp lam, ẩm thực Huế (chè Huế, trà, bánh truyền thống)...

Bên cạnh khu vực dịch vụ, còn có các 4 không gian trình diễn các hoạt động văn hóa, trải nghiệm do Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đảm nhận, triển khai tại công viên đường Lê Huân với các hoạt động quảng diễn đường phố trên tuyến đường 23 tháng 8 và Lê Huân, cửa Chương Đức, Tây Khuyết Đài...

Harnaaz Sandhu đoạt vương miện Hoa hậu Hoàn vũ 2021

Hoa hậu Ấn Độ Harnaaz Sandhu được xướng tên là người chiến thắng tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ (Miss Universe) lần thứ 70 diễn ra vào tối 12.12 (giờ địa phương) tại thành phố Eilat, Israel.

Tân Hoa hậu Hoàn vũ Harnaaz Sandhu

INDIA TODAY

Harnaaz Sandhu đánh bại 79 thí sinh khác đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ - trong đó có Á hậu 1/ Hoa hậu Paraguay Nadia Ferreira và Á hậu 2/ Hoa hậu Nam Phi Lalela Mswane - để giành danh hiệu cao quý.

Harnaaz Sandhu nhận vương miện từ Hoa hậu Hoàn vũ 2020 Andrea Meza trước khi bước đi đầu tiên với tư cách là tân Hoa hậu Hoàn vũ trên sân khấu ở Eilat, Israel.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.