Sự kiện văn hóa nổi bật tuần qua: Điểm đến Việt Nam trong cơ hội SEA Games 31

Đỗ Tuấn
Đỗ Tuấn
15/05/2022 07:00 GMT+7

SEA Games 31 mang đến cho Việt Nam cơ hội đón khách từ khu vực và quốc tế, cũng như xây dựng hình ảnh điểm đến an toàn và đặc sắc trong tương lai.

Ninh Bình đón SEA Games 31 với 2 sản phẩm du lịch mới bên cạnh những sản phẩm đã được nhiều người biết đến, gồm: cánh đồng “Sắc vàng Tam Cốc” Tràng An; và một tuyến du lịch mới khám phá sông nước Tràng An.

Trong khi đó, Hà Nội tái khởi động tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” tại khu di sản thế giới UNESCO này. Tại đây, du khách được trải nghiệm không gian hoàng cung, ngắm các cung nữ, lính canh trong trang phục xưa. Họ cũng sẽ được thưởng trà, mứt sen cung đình, xem biểu diễn ngay trên những dấu tích khảo cổ học.

Hà Nội cũng có một sản phẩm mới đón cơ hội bùng nổ từ SEA Games 31 là tour xe đạp trải nghiệm “Dấu chân làng cổ Bát Tràng”. Đây là trải nghiệm đạp xe bắt đầu từ hồ Hoàn Kiếm, đi qua các tuyến phố: Hàng Ngang, Hàng Đào, chợ Đồng Xuân, cầu Long Biên. Sau khi sang địa bàn Q.Long Biên, khách sẽ đạp xe dọc tuyến đê tả ngạn sông Hồng đến Bát Tràng. Từ phố cổ đến làng cổ, khách tham quan sẽ được trải nghiệm cả làng nghề đến phố nghề. Đời sống làng nghề ở Bát Tràng vẫn đang rất sống động. Thêm vào đó, làng nghề còn có những trải nghiệm ẩm thực đặc thù với món măng mực, hay những bảo tàng gốm tư nhân.

Đêm hoàng cung tại Hoàng thành Thăng Long, một sản phẩm du lịch của Hà Nội

BTC CUNG CẤP

Tại Quảng Ninh và Hải Phòng, việc du lịch 1 ngày 2 vịnh (Hạ Long, Cát Bà) hiện được nhiều công ty đưa vào sản phẩm. Về quà tặng đặc thù, SEA Games 31 đã có bộ quà từ linh vật sao la. Có ít nhất 2 nhà sản xuất đang thực hiện những sản phẩm như vậy: Kym Việt và Vụn Art.

Trong khi đó, Tiểu ban Thông tin của SEA Games 31 đã chuẩn bị một bộ tài liệu GuideBook VN giới thiệu về lịch thi đấu, địa điểm thi đấu, các đặc sản cũng như danh thắng của địa phương có tổ chức thi đấu trong khuôn khổ đại hội thể thao này. Trong số này, Hà Nội là địa điểm chính với số lượng nội dung thi nhiều nhất; còn lại là 11 tỉnh, thành lân cận gồm: Hải Phòng, Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ và Bắc Giang. Về nơi lưu trú, ông Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết tổng cục đã phối hợp với Ban tổ chức SEA Games 31 lựa chọn danh sách 31 khách sạn cao cấp 4 - 5 sao để phục vụ các đoàn thể thao.

Quách Beem kháng cáo, lần đầu lên tiếng lý do im lặng khi bị kiện “Gánh mẹ”

Sau gần 3 năm diễn ra vụ kiện "Tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ" liên quan bài thơ Gánh mẹ giữa nguyên đơn là ông Trương Minh Nhật và bị đơn là ông Đoàn Đông Đức (tức ca nhạc sĩ Quách Beem), ngày 25.4, Tòa án Nhân dân TP.HCM tuyên ông Trương Minh Nhật là tác giả và là chủ sở hữu quyền tác giả bài thơ Gánh mẹ, đồng thời cũng là chủ sở hữu quyền tác giả phần lời của tác phẩm âm nhạc cùng tên (do Quách Beem phổ, được sử dụng trong phim Lật mặt 4: Nhà có khách của Công ty TNHH Lý Hải Production).

Theo Quách Beem, anh chưa bao giờ lấy hình tượng thiêng liêng của mẹ ra để làm mục đích riêng cho mình và lạm dụng điều đó để dẫn dắt dư luận

NVCC

Theo đó, tòa buộc Quách Beem tạm ngừng khai thác phần lời bản nhạc Gánh mẹ trên mọi phương tiện và nền tảng; đảm bảo quyền nhân thân của ông Trương Minh Nhật với phần lời của bản nhạc Gánh mẹ; khắc phục sửa chữa thông tin sai lệch trong hồ sơ đăng ký tại Cục Bản quyền Tác giả và bồi thường thiệt hại cho ông Trương Minh Nhật số tiền: 122,4 triệu đồng (gồm: thiệt hại vật chất: 7,5 triệu đồng, thiệt hại tinh thần: 14,9 triệu đồng, chi phí cho luật sư: 100 triệu đồng).

Trước kết luận này, Quách Beem đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm và khẳng định "tác phẩm âm nhạc Gánh mẹ do chính tôi sáng tác phần lời và phổ nhạc từ năm 2013, là sản phẩm trí tuệ và thiêng liêng của tôi"; đồng thời "mong muốn Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại toàn bộ nội dung vụ án".

Theo Quách Beem, “Tôi không tranh giành với ai điều gì khi mà nó mặc nhiên thuộc về mình. Ông ấy tự nhận là tác giả là việc của ông ấy, nhưng đứng trước luật pháp, ông ấy cần phải sòng phẳng với nghĩa vụ của mình - nghĩa vụ chứng minh. Nhưng cho đến nay tôi thấy tất cả những gì mà ông ấy tự gọi là bằng chứng thật sự rất nực cười và hết sức hồ đồ, bỗng dưng đứa con của tôi dứt ruột đẻ ra, pháp luật không cần xét nghiệm máu đã ngay lập tức tuyên bố người khác là cha đẻ của con tôi! Một đứa con tôi đẻ ra, hoặc là tôi quên, hoặc là tôi chậm, thậm chí tôi không đăng ký khai sinh cho nó - tôi có thể sai về pháp luật, nhưng điều đó không có nghĩa rằng một người nào đó tới nhận là con họ mà không cần phải có nghĩa vụ chứng minh vẫn được tòa chấp nhận, điều đó tôi thấy bất bình”. Vì lẽ đó, Quách Beem kháng cáo (TAND TP.HCM đã nhận được đơn kháng cáo hôm 4.5).

Khánh thành Thiền viện Trúc Lâm An Giang rộng 15 ha

Sáng 8.5, tại H.Thoại Sơn (An Giang), Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử tổ chức lễ khánh thành Thiền viện Trúc Lâm An Giang.

Một góc Thiền viện Trúc Lâm An Giang

T.L

Thiền viện Trúc Lâm An Giang được khởi công xây dựng từ tháng 11.2017 tại ấp Đông Sơn 1, thị trấn Núi Sập, H.Thoại Sơn với diện tích gần 15 ha, bao gồm 18 hạng mục công trình mang sắc thái đậm nét phong cách của Phật giáo Việt Nam. Tổng kinh phí xây dựng hơn 200 tỉ đồng, từ nguồn vận động xã hội hóa. Thiền viện Trúc Lâm An Giang hoàn thành sẽ mở ra những tour tuyến du lịch mới cho tỉnh.

Pháp chi 18 tỉ đồng gìn giữ di sản Việt

Dự án Chia sẻ và gìn giữ di sản VN sẽ triển khai trong các năm 2022 - 2024 với chi phí 18 tỉ đồng.

Bà Frédérique Horn, Tham tán văn hóa Pháp tại VN, mở đầu câu chuyện dự án văn hóa Pháp - Việt mới của mình bằng quan điểm của người Pháp về di sản. “Di sản trong tiếng Pháp thường dùng ở số nhiều. Điều đó có nghĩa là chúng tôi muốn nhắc tới nhiều loại di sản khác nhau. Không chỉ là di sản văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật mà còn cả di sản thiên nhiên và đa dạng sinh học”, bà Frédérique Horn nói. Cũng chính vì thế, dự án Chia sẻ và gìn giữ di sản VN bà giới thiệu chiều 9.5 tại Đại sứ quán Pháp (Hà Nội) là để bảo tồn cả di sản văn hóa lẫn thiên nhiên VN. Dự án ra đời theo cam kết chung giữa 2 nước ký tại Paris vào tháng 11.2021, trong chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Cù Lao Chàm là một di sản thiên nhiên quý

MẠNH CƯỜNG

Dự án gồm 3 hợp phần lớn. Hợp phần thứ nhất: Tập huấn chuyên môn cho đội ngũ công tác trong ngành bảo tàng ở VN. Hợp phần thứ hai: Phát triển các chương trình đào tạo về ngành nghề bảo tàng trong các trường đại học ở VN. Trong đó, có những ngành nghề mới trong lĩnh vực này như bảo quản các bộ sưu tập xây dựng nội dung trưng bày, bài trí không gian trưng bày, truyền đạt nội dung và đón tiếp công chúng. Hợp phần thứ ba: Hỗ trợ thiết kế các dự án thí điểm trong bảo tồn di sản tại 3 miền của VN. Đó là cải tạo Trung tâm du khách của Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình), hỗ trợ Trung tâm truyền thông và giáo dục môi trường của Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (Quảng Nam), thiết kế và thực hiện những chiếc “hộp kể chuyện” của các bảo tàng TP.HCM.

Bà Frédérique Horn cho biết, dự án có giá trị 18 tỉ đồng. Trong đó, chính phủ Pháp chi 14 tỉ đồng, các cơ quan khác đóng góp về chuyên môn 4 tỉ đồng. Dự án này kéo dài từ năm 2022 - 2024.

Ông Denis Duclos, Giám đốc đối ngoại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên quốc gia Pháp, cho biết các chuyên gia đã bắt đầu khảo sát Cù Lao Chàm và Cúc Phương. “Bảo tàng sẽ giúp lên ý tưởng thiết kế công trình cũng như thiết kế và lên ý tưởng nội dung trình bày”, ông Denis Duclos nói. Ông cũng cho biết, các chuyên gia sẽ lưu ý việc nên kiểm đếm, ngưỡng khách tham quan đến các di sản... để di sản có thể được khai thác và bảo tồn bền vững.

Tượng Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn cưỡi ngựa không sao chép Quan Vân Trường

Theo Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, việc xây dựng tượng Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn ở khu du lịch Hồ Mây không phải là hình ảnh sao chép Quan Vân Trường.

Trước đó, ngày 11.4.2022, trên mạng xã hội facebook có bài viết “Cần phải dẹp cái tượng sao chép không nghiên cứu gấp này” của tác giả Phan Ng Dũng (Trạng Tèo), kèm theo hình ảnh bức tượng Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn cưỡi ngựa đặt trên khu du lịch Hồ Mây (TP.Vũng Tàu, Bà Rịa-VũngTàu) có một số nội dung không phù hợp, như Đức Thánh Trần không cưỡi ngựa bao giờ mà ngài cưỡi hắc tượng (voi đen).

Bức tượng Hưng Đạo đại vương tại khu du lịch Hồ Mây

CTV

Ngài Hưng Đạo đại vương không dùng trường long đao mà dùng kiếm. Đức Thánh Trần mất do tuổi cao sức yếu chứ không chết trận mà lại dùng ngựa lồng hai chân trước. Theo quy định văn hóa tượng đài, nhân vật cưỡi ngựa của thế giới đã được thống nhất trong Công ước quốc tế thì tướng chết trận hoặc bị xử tử trên chiến trường thì ngựa được đứng bằng 2 chân, hai chân lồng lên. Sao chép hình ảnh Quan Vân Trường bị tử trận ở Phàn Thành với Xích thố lồng lên và Thanh Long đao.

Sau đó, Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin TP.Vũng Tàu, UBND P.Thắng Nhì đã làm việc với Công ty CP du lịch Cáp treo Vũng Tàu về việc dựng, đặt tượng Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn.

Tại buổi làm việc, Công ty CP du lịch Cáp treo Vũng Tàu cho biết bức tượng do nhóm nghệ nhân Quảng Nam chế tác, xây dựng và hoàn thành năm 2018. Tượng có chiều cao 3 m bằng bê tông, sơn phủ đồng, được xây dựng sau khi tham khảo các tư liệu về danh tướng Trần Hưng Đạo.

Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn kiểm tra đều khẳng định bức tượng có nhiều chi tiết không giống với Quan Vân Trường như phản ánh của các thông tin mạng xã hội.

Nhằm xác định tính mỹ thuật của bức tượng, ngày 15.4, Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã thành lập Hội đồng nghệ thuật gồm đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hội Khoa học - lịch sử tỉnh, Sở Xây dựng, các họa sĩ, nhà điêu khắc là Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam trên địa bàn tỉnh, Hội Văn học - nghệ thuật tỉnh.

Ngày 18.4, tại Khu du lịch Hồ Mây, Hội đồng nghệ thuật đã làm việc với Công ty CP du lịch Cáp treo Vũng Tàu. Tại buổi làm việc, hầu hết các ý kiến của thành viên Hội đồng đều khẳng định bức tượng tại khu du lịch Hồ Mây không sao chép hình ảnh Quan Vân Trường, tuy nhiên do chi tiết tư thế cưỡi ngựa, cầm đao nên có người liên tưởng tới hình ảnh Quan Vân Trường; bức tượng chưa thể hiện nổi bật được thần thái của vị tướng Trần Hưng Đạo, có những chi tiết chưa đảm bảo yếu tố thẩm mỹ.

Tuy nhiên, có 2 chi tiết là tư thế Hưng Đạo đại Vương cưỡi ngựa và cầm đao nên có một số người liên tưởng tới tư thế và vũ khí Quan Vân Trường hay sử dụng.

Các họa sĩ, nhà điêu khắc trong Hội đồng nghệ thuật cũng nhận xét về mặt thẩm mỹ bức tượng có những chi tiết chưa cân đối, chưa thể hiện được thần thái của một danh tướng.

Qua tra cứu và liên hệ nắm thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, một số cán bộ làm công tác đối ngoại thì tại Việt Nam hiện nay không áp dụng Công ước nào về văn hóa tượng đài danh nhân cưỡi ngựa như ý kiến phản ánh.

Các chi tiết Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn không cưỡi ngựa mà cưỡi hắc tượng (voi đen) và dùng kiếm chứ không dùng trường long đao hiện nay chưa đủ các tư liệu lịch sử để xác định.

5 món ăn ngon đặc sản của Việt Nam được đề cử kỷ lục châu Á

5 món ăn ngon đặc sản nổi tiếng của Việt Nam vừa được VietKings gửi đến Tổ chức Kỷ lục châu Á để xác lập kỷ lục.

Các món ngon Việt Nam được đề cử

BTC

Các món ăn đặc sản Việt Nam "ngon, bổ, dưỡng" vừa được VietKings gửi đến Tổ chức Kỷ lục châu Á đề cử lần này gồm: bánh canh Nam Phổ (tỉnh Thừa Thiên - Huế), bánh mì Hội An (tỉnh Quảng Nam), gỏi sầu đâu (tỉnh An Giang), gỏi cá trích Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) và lẩu mắm U Minh (tỉnh Cà Mau).

Được biết, kết quả xác lập kỷ lục sẽ được Tổ chức Kỷ lục châu Á công bố vào cuối năm 2022. Bên cạnh đó, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam hiện cũng đang tiếp tục hoàn thiện các hồ sơ đề cử kỷ lục thế giới cho Việt Nam ở nhiều hạng mục khác trên hành trình đưa ẩm thực Việt ra thế giới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.