Sự kiện văn hóa nổi bật tuần qua: Ngày quốc gia Việt Nam để lại ấn tượng với khách quốc tế

Đỗ Tuấn
Đỗ Tuấn
02/01/2022 06:52 GMT+7

Trong khuôn khổ hoạt động của Triển lãm thế giới - EXPO Dubai , Ngày quốc gia Việt Nam để lại ấn tượng lớn với khách tham quan.

Nhiều hoạt động trong ngày 30.12.2021 giới thiệu những nét văn hóa, nghệ thuật đặc sắc hấp dẫn của VN như: Chương trình nghệ thuật Dòng chảy bất tận; Trình chiếu phim ngắn Con Rồng cháu Tiên tại quảng trường Al Wasl (Dubai); Tuần phim VN; Triển lãm tranh Đông Hồ, tranh về ruộng bậc thang Mù Cang Chải (Yên Bái) của họa sĩ nhí Xèo Chu; Giới thiệu nghề dệt thủ công thổ cẩm; các hoạt động trao đổi thương mại, kết nối doanh nghiệp… Có tới 192 nước tham gia EXPO Dubai, và chúng ta đã hoàn thành “sứ mệnh” giới thiệu thành tựu, văn hóa của đất nước với thế giới.

Buổi sáng 30.12.2021, tại quảng trường AL Wasl diễn ra Lễ thượng cờ Tổ quốc. Phía VN có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Tạ Quang Đông, thừa ủy quyền của Thủ tướng là Trưởng đoàn VN; ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Đại sứ VN tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), đại diện các bộ, ngành, lãnh đạo một số địa phương (Đắk Nông, Bắc Ninh). Về phía UAE có ngài Sultan Mohammed Al Shamsi, Thứ trưởng Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế UAE, đại diện Chính phủ là Trưởng đoàn UAE tại Ngày quốc gia Việt Nam ở EXPO Dubai.

Nhà thiết kế Lý Quí Khánh với bộ sưu tập Hái mơ tại Dubai

KIẾNG CẬN - CÔNG TY TẤM & CÁM

Chương trình nghệ thuật Dòng chảy bất tận (The Eternal Flow) vào ngày 30.12 tại EXPO Dubai có sự góp mặt của Hoa hậu H’Hen Niê, Đỗ Trần Khánh Ngân; Á hậu Mâu Thủy, Hoàng My, Kim Duyên, Lệ Hằng, Hà Thu; Á khôi Bùi Minh Anh, Ngô Mỹ Hải; các người mẫu: Hương Ly, Trà My, Mộng Tuyền, Hồng Nhung, Kim Phương… và 64 người mẫu quốc tế. Các nhà thiết kế tham gia sự kiện gồm: Chula, Lý Quí Khánh. Tham gia trình diễn còn có hơn 150 nghệ sĩ, nghệ nhân, diễn viên của dàn nhạc cụ dân tộc đến từ Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Đoàn nghệ nhân cồng chiêng Tây nguyên (Đắk Nông), Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh, Đoàn nghệ thuật Trống hội của Học viện Cảnh sát nhân dân...

Thừa Thiên - Huế: Tái hiện lễ Ban Sóc và công bố chương trình Festival Huế bốn mùa

Cố đô Huế đã mở màn năm mới 2022 với chương trình tái hiện lễ Ban Sóc triều Nguyễn và công bố chương trình Festival Huế bốn mùa trong năm.

Sáng ngày 1.1.2022, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã tổ chức chương trình chào năm mới 2022 gắn với tái hiện lễ Ban Sóc (phát lịch năm mới) triều Nguyễn ở Ngọ môn, Huế. Dịp này, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng công bố chương trình Festival Huế 2022 gắn với định hướng Festival bốn mùa được tổ chức trải đều trong năm.

Lễ Ban Sóc là nghi lễ phát lịch ngày xưa của triều Nguyễn, được tổ chức vào cuối năm âm lịch kể từ đầu triều Minh Mạng (1820-1841). Hằng năm, sau khi nha Khâm Thiên Giám soạn lịch xong, triều đình tổ chức lễ Ban Sóc. Lịch được tiến vào hoàng cung để cho hoàng gia dùng, lịch được phát cho các quan ở kinh thành, ở các địa phương và phân phát lại trong dân chúng sử dụng. Người Việt xưa lấy kinh tế nông nghiệp làm trọng, nên quyển lịch đối với đời sống có ý nghĩa rất đặc biệt.

Tái hiện cảnh Khâm thiên giám ban lịch cho bá quan văn võ

N.M

Festival Huế 2022 sẽ được tổ chức với các hoạt động liên tục, kéo dài trong suốt năm, mở đầu bằng chương trình khai hội lễ Ban Sóc ngày 1.1.2022 và kết thúc bằng chương trình Countdown ngày 31.12.2022.

Festival Huế bốn mùa gắn với Lễ hội Mùa Xuân “Sắc xuân giao hòa” (tháng 1-3); Lễ hội Mùa Hạ (tháng 4 - 6), trọng tâm của Festival Huế với chủ đề “Di sản văn hóa với Hội nhập và Phát triển”; Lễ hội mùa Thu “Thu quyến rũ” ( tháng 7 - 9) và Lễ hội “Giai điệu Mùa Đông” (tháng 10 - 12) với chuỗi các hoạt động lễ hội trải dài trong năm nhằm tôn vinh quảng bá những nét văn hóa đặc thù của vùng đất, khai thác thế mạnh về danh thắng, du lịch tâm linh, thu hút du khách, phát triển kinh tế - xã hội, để Huế thực sự trở thành Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.

Nhà văn Nguyễn Bình Phương đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2021

Theo tin từ Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam ngày 30.12.2021, cuộc họp chung khảo vừa quyết định trao giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021 cho tiểu thuyết Một ví dụ xoàng của nhà văn Nguyễn Bình Phương.

Trong mấy thập niên qua, các tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Bình Phương với những tìm tòi, đổi mới luôn được dư luận đánh giá cao, như: Vào cõi (1991), Những đứa trẻ chết già (1994), Người đi vắng (1999), Trí nhớ suy tàn (2000), Thoạt kỳ thủy (2004), Mình và họ (2014), Kể xong rồi đi (2017).

Bìa cuốn Một ví dụ xoàng

NXB

Năm nay, thơ không có giải thưởng sau khi nhà thơ Hữu Thỉnh xin rút tập thơ Ghi chú sau mây (có phiếu bầu cao của Hội đồng Thơ) ra khỏi giải thưởng. Hai tập thơ của hai nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu và Trần Lê An Khánh đều không đủ số phiếu quá bán. Giải thưởng lý luận phê bình năm nay trao cho tập sách Văn bản văn học và sự bất ổn của nghĩa của nhà văn Trương Đăng Dung. Giải thưởng văn học dịch trao cho cuốn Châu Phi nghìn trùng của nhà văn Iska Dinesen (Đan Mạch) - Hà Thế Giang dịch, Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành.

GS-TS dân tộc nhạc học Trần Quang Hải qua đời

GS-TS dân tộc nhạc học Trần Quang Hải (con trai trưởng cố GS Trần Văn Khê, chồng của danh ca Bạch Yến) đã qua đời tại Pháp, vào rạng sáng ngày 30.12.2021.

Qua một số bạn bè thân hữu, danh ca Bạch Yến cho biết GS-TS Trần Quang Hải - chồng bà đã qua đời tại Limeil-Brévannes, Pháp vào rạng sáng 30.12.2021 (giờ địa phương). Tang lễ được cử hành vào chiều 4.1.2022 (miễn phúng điếu), sau đó linh cữu được đưa đi hỏa táng.

GS Trần Quang Hải (1944-2021)

OLGA RRASS

Trước đó, kiến trúc sư Trần Quang Minh, em của GS Trần Quang Hải, thông tin sau thời gian điều trị nhiều bệnh nền: ung thư máu, tiểu đường, bệnh phổi, suy thận và nhiều lần đột quỵ; GS Trần Quang Hải qua đời tại tư gia khi đang ngủ. Theo ông Minh, “Gia đình tôi ở Việt Nam nhận tin từ Thủy Ngọc (em gái tôi cũng là em gái Trần Quang Hải tại Pháp) đã báo tin nhận từ bà Bạch Yến rằng ông Hải đã qua đời và nhờ báo cho gia đình biết tin”.

Sau khi ông Quang Minh thông báo tin buồn này (trên trang Facebook cá nhân), chiều 29.12.2021, danh ca Bạch Yến (nay 79 tuổi), cho biết chồng bà chưa mất, chỉ là sức khỏe đang yếu.

GS Trần Quang Hải sinh năm 1944 tại tỉnh Gia Định (nay là TP.HCM). Ông là bậc thầy thế giới về đồng song thanh, đàn môi, đàn muỗng và tiếp nối con đường phụng sự âm nhạc dân tộc Việt Nam của cha ông.

Năm 2017 GS.TS Trần Quang Hải trao tặng sách, băng đĩa tư liệu nghiên cứu âm nhạc của ông cho Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam tại Hà Nội.

Thêm 23 bảo vật quốc gia được công nhận

Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa ký Quyết định 2198 công nhận 23 bảo vật quốc gia. Trong đợt công nhận thứ 10 này, có một nhóm hiện vật thuộc bộ sưu tập tư nhân. Đó là sưu tập gốm men trắng An Biên, thuộc bộ sưu tập tư nhân An Biên của ông Trần Đình Thăng (Hải Phòng).

Các bảo vật quốc gia có niên đại trước Công nguyên tới thế kỷ 11 gồm: trống đồng Gia Phú (thế kỷ 3 - 2 trước Công nguyên, Bảo tàng Lào Cai); thạp đồng văn hóa Đông Sơn (thế kỷ 3 - 2 trước Công nguyên, Bảo tàng Quảng Ninh); mặt nạ vàng Giồng Lớn (thế kỷ 1 trước Công nguyên - thế kỷ 2 sau Công nguyên, Bảo tàng Bà Rịa-Vũng Tàu); sưu tập qua đồng Long Giao (thế kỷ 1 - 3, Bảo tàng Đồng Nai); phù điêu Phật Linh Sơn Bắc (thế kỷ 3 - 4, Ban Quản lý di tích văn hóa Óc Eo, An Giang); nhẫn Nandin Giồng Cát (thế kỷ 5, Ban quản lý di tích văn hóa Óc Eo, An Giang); tượng thần Vishnu Bình Hòa (thế kỷ 6 - 7, Bảo tàng Đồng Nai); sưu tập vàng lá chạm khắc hình voi Gò Thành (thế kỷ 6 - 8, Bảo tàng Tiền Giang); đài thờ Mỹ Sơn A10 (thế kỷ 9 - 10; khu đền tháp Mỹ Sơn, Quảng Nam); lá đề chim phượng Hoàng thành Thăng Long (thế kỷ 11, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội).

Bảo vật thuộc sưu tập gốm men trắng An Biên

BẢO TÀNG LỊCH SỬ QUỐC GIA CUNG CẤP

Các bảo vật quốc gia có niên đại từ thế kỷ 11 - 17 gồm: sưu tập gốm men trắng An Biên (thế kỷ 11 - 12, sưu tập tư nhân An Biên, Hải Phòng); phù điêu Thần Hộ pháp Mả Chùa (thế kỷ 12; Bảo tàng Bình Định); thống gốm hoa nâu An Sinh (thế kỷ 13, Bảo tàng Quảng Ninh); thạp gốm hoa nâu thời Trần (thế kỷ 13 - 14; Bảo tàng Quảng Ninh); bàn thờ Phật bằng đá chùa Xuân Lũng (thế kỷ 14, Phú Thọ); hai bát sứ ngự dụng Hoàng thành Thăng Long (thế kỷ 15, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội); bình gốm men vẽ nhiều màu (thế kỷ 15, Bảo tàng Quảng Ninh); tháp đất nung đền An Xá (thế kỷ 16 - 17, Hưng Yên); cây hương chùa Tứ Kỳ (thế kỷ 17, Bảo tàng Lịch sử quốc gia); hương án chùa Keo (thế kỷ 17, Thái Bình).

Các bảo vật quốc gia niên đại thế kỷ 19 gồm: ấn Hoàng đế Tôn thân chi bảo (năm 1827, Bảo tàng Lịch sử quốc gia); mộc bản sách Hải Thượng y tông tâm lĩnh (năm 1885; Bảo tàng Bắc Ninh); bộ sưu tập bản phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam của họa sĩ Bùi Trang Chước (năm 1953 - 1955; Trung tâm lưu trữ quốc gia III, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ).

Người Nhện: Không còn nhà thu hơn 1 tỉ USD

Bom tấnSpider-Man: No Way Home (tựa Việt: Người Nhện: Không còn nhà) trở thành bộ phim thời đại dịch đầu tiên vượt mốc 1 tỉ USD tại phòng vé toàn cầu.

Tom Holland trong vai Người Nhện

SONY

Phim do Jon Watts đạo diễn với diễn xuất của Tom Holland, Zendaya… vừa đạt doanh thu hơn 1,054 tỉ USD toàn cầu vào sáng 27.12.2021 (giờ Việt Nam). Bom tấn này do Sony phát hành, là bộ phim thứ 49 đạt mốc doanh thu tỉ USD và là phần phim về Người Nhện thứ 2 của Sony đạt thành tích trên sau Spider-Man: Far From Home (ra rạp năm 2019 với tổng doanh thu toàn cầu 1,13 tỉ USD).

Ở Việt Nam, Spider-Man: No Way Home khởi chiếu từ 17.12.2021, tính đến nay đã thu về khoảng hơn 60 tỉ đồng dù hệ thống rạp ở nhiều tỉnh thành vẫn đang đóng cửa phòng dịch.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.