Sự kiện văn hóa tuần qua: ‘Nguy cơ mất nước từ bên trong’ khi con cháu mê phim, nhạc... ngoại

Đỗ Tuấn
Đỗ Tuấn
28/11/2021 07:06 GMT+7

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24.11, PGS-TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, đã chia sẻ về các nguyên nhân chủ quan gây ra nhiều tồn tại về văn hóa.

Theo đó, một thời gian các cấp quản lý, các địa phương, các ngành đều chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của văn hóa, trong đó có văn học, nghệ thuật. Sau một thời gian dồn sức vào kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng, chúng ta mới thấy sự báo động của văn hóa.

“Chỉ đến khi chúng ta nhận ra con cháu ta say mê xem phim, nghe nhạc Hàn Quốc hơn là phim, nhạc Việt Nam; thích đọc truyện tranh Nhật Bản hơn truyện cổ tích Việt Nam; bật ti vi lên bất kỳ giờ nào cũng thấy nhiều phim và nhạc nước ngoài hơn phim, nhạc Việt; đến các thành phố thì nhan nhản những tòa nhà và khu mua sắm mang tên nước ngoài khó đọc, khó hiểu, khó nhớ... lúc đó chúng ta mới bàng hoàng nhận ra nguy cơ mất nước từ bên trong, tuy chưa quá nghiêm trọng nhưng cũng đã ở mức đáng báo động đỏ rồi”, ông Đỗ Hồng Quân nhận định.

Những người khốn khổ của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, một vở diễn thành công trong cơ chế thị trường

NHÀ HÁT CUNG CẤP

Cũng theo ông Quân, nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp phát triển văn hóa nói chung, cho văn học, nghệ thuật nói riêng còn rất thấp. Ông Quân cũng nhắc tới sự thiếu chủ động, năng động, sáng tạo của các tổ chức và cá nhân đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức.

Ông Đỗ Hồng Quân đề nghị tăng cường tạo điều kiện để những tài năng, năng khiếu được phát hiện sớm; tăng cường đầu tư để các học viện, nhà trường có thêm những điều kiện thuận lợi.

Ông Quân đề nghị tạo điều kiện để đội ngũ văn nghệ sĩ được tôi luyện tài năng của mình và đóng góp to lớn hơn, chất lượng hơn cho xã hội, cho đất nước. Cũng cần rà soát lại để tránh hiện tượng khen thưởng tràn lan, mua bán danh hiệu, giải thưởng, tôn vinh hời hợt.

Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên - Huế nhận bằng xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt

Ngày 23.11, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (TP.Huế), Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức lễ công bố quyết định và đón nhận bằng xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt cho hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên - Huế.

Hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên - Huế bao gồm 4 di tích đã được xếp hạng quốc gia trước đây: nhà lưu niệm Bác Hồ ở đường Mai Thúc Loan (TP.Huế); địa điểm Trường Quốc Học; nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Dương Nổ; đình làng Dương Nổ (thuộc xã Phú Dương, TP.Huế).

Nhà lưu niệm Bác Hồ ở làng Dương Nổ, xã Phú Dương, TP.Huế

BẢO TÀNG HCM

Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu cho biết trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng rà soát, nghiên cứu thực hiện các thủ tục lập quy hoạch tổng thể đối với 4 di tích thuộc hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên - Huế; đồng thời, triển khai đề án “Phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên - Huế phục vụ phát triển du lịch”; sưu tầm, số hóa di tích và di vật… Địa phương cũng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng để cùng chung tay bảo vệ phát huy các giá trị của di tích.

Hội Kiến trúc sư VN chưa đồng thuận phương án kiến trúc công trình đồi Dinh Tỉnh trưởng Đà Lạt

Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã có văn bản trả lời công văn của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc góp ý phương án kiến trúc công trình tại đồi Dinh Tỉnh trưởng thuộc đồ án quy hoạch chi tiết khu trung tâm Hòa Bình, TP.Đà Lạt.

Trong Văn bản số 173/CV-HKTSVN, Hội Kiến trúc sư (KTS) Việt Nam trả lời việc góp ý trực tiếp cho 3 phương án kiến trúc tại đồi Dinh Tỉnh trưởng, hội đã có Văn bản số 86/KT ngày 15.9.2020 gửi Chủ tịch UBND tỉnh và Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh (đề nghị không nên xây khách sạn ở đồi Dinh Tỉnh trưởng - PV). Đến nay, hồ sơ gửi kèm, các phương án vẫn như hội đã có văn bản, vì vậy hội chưa đủ cơ sở nghiên cứu để tham gia ý kiến mới. Đồng thời, hội đề nghị lãnh đạo tỉnh có sự nghiên cứu, rà soát lại thật thận trọng, thực hiện chặt chẽ quy trình pháp lý để quyết định giải pháp hợp lý nhất.

Mô hình phương án 1: Dinh Tỉnh trưởng sẽ được nâng lên 28 m, phía dưới là tổ hợp khách sạn

GIA BÌNH

Hội KTS Việt Nam đề nghị tỉnh Lâm Đồng rà soát để lý giải đầy đủ nội dung thể hiện theo Quyết định điều chỉnh quy hoạch chung số 704/QĐ-TTg ngày 12.5.2014. Ngoài ra, Quyết định số 229/QĐ-UBND ngày 12.2.2019 của UBND tỉnh Lâm Đồng về phê duyệt chi tiết quy hoạch và thiết kế đô thị, tỷ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình có nội dung tại mục 3; 3.1, phân khu III là chưa chặt chẽ. Việc lập và phê duyệt quy hoạch yêu cầu phải đồng thời thực hiện trên cơ sở tuân thủ luật Di sản văn hóa hiện hành (Dinh Tỉnh trưởng thời điểm quy hoạch vẫn thuộc danh mục công trình văn hóa bảo tồn theo Quyết định số 47/2017/QĐ-UBND).

Khởi công dự án trùng tu điện Thái Hòa

Ngày 23.11, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế tổ chức lễ khởi công dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa tại Đại nội Huế (Thừa Thiên - Huế).

Dự án được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 128 tỉ đồng (gồm ngân sách trung ương, địa phương và các nguồn huy động khác). Các hạng mục chính: tu bổ, gia cường nền móng, phục hồi nền lát gạch, bậc cấp đá Thanh, tường gạch với màu sắc nguyên trạng và chi tiết kiến trúc khác; tu bổ, phục hồi hệ khung gỗ, hệ mái, hệ vách ván, cửa bằng gỗ; tu bổ, phục hồi ngai vàng, bửu tán và các đồ nội thất khác; gia cường, cân chỉnh toàn bộ sân nền, hệ thống tường chắn đất, phục hồi lan can và các hạng mục vườn cây, tiểu cảnh, hạ tầng kỹ thuật...

Điện Thái Hòa nhìn từ Ngọ Môn

T.L

Trước đó, Bộ VH-TT-DL đã cho phép tiến hành thám sát, khảo cổ học điện Thái Hòa để làm cơ sở khoa học cho công tác trùng tu, đồng thời có văn bản thỏa thuận cho phép hạ giải toàn bộ điện Thái Hòa để trùng tu.

Kỹ thuật chế biến rượu cần của người S’Tiêng Bình Phước là di sản văn hóa quốc gia

Sáng 23.11, Sở VH-TT-DL Bình Phước tổ chức lễ công bố quyết định Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề thủ công truyền thống - “Kỹ thuật chế biến rượu cần của người S’Tiêng tỉnh Bình Phước”.

Trong đời sống hằng ngày, người S'tiêng gắn bó chặt chẽ với môi trường tự nhiên. Với kinh nghiệm tích lũy từ bao đời, họ biết cách vận dụng tri thức dân gian tạo nên nghề truyền thống riêng của dân tộc mình, trong đó có kỹ thuật chế biến rượu cần - một phần của di sản văn hóa phi vật thể.

Kỹ thuật chế biến rượu cần của người S'Tiêng Bình Phước là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

HOÀNG GIÁP

Rượu cần thể hiện văn hóa ứng xử của cư dân với cộng đồng; mối quan hệ gắn kết cộng đồng về văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng. Đây là thức uống không thể thiếu trong các dịp lễ hội quan trọng của cộng đồng, các sự kiện trọng đại mang tính bước ngoặt của một đời người.

Với giá trị tiêu biểu đặc biệt, "Kỹ thuật chế biến rượu cần của người S'Tiêng tỉnh Bình Phước" được Bộ VH-TT-DL công nhận đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào ngày 20.12.2019.

Tại lễ công bố, ban tổ chức đã trao quyết định và giấy chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho cộng đồng người S’Tiêng H.Bù Đăng, H.Bù Gia Mập, H.Hớn Quản, H.Phú Riềng, H.Lộc Ninh và TX.Phước Long.

Đỗ Thị Hà lên đường dự thi Hoa hậu Thế giới 2021

Sáng 20.11, Hoa hậu VN 2020 Đỗ Thị Hà đã có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM), chính thức bay sang Puerto Rico để tham dự cuộc thi Hoa hậu Thế giới (Miss World 2021).

Đỗ Thị Hà mang theo 10 va li hành lý, không chỉ trang phục dự thi mà còn có thức ăn dự trữ và cả nhạc cụ dân tộc - đàn t'rưng để phục vụ phần thi tài năng tại Miss World 2021. Tiễn chân Đỗ Thị Hà có bố mẹ ruột từ Thanh Hóa bay vào Sài Gòn, vì đây là lần đầu tiên xuất ngoại của hoa hậu sinh năm 2001.

Đỗ Thị Hà và gia đình tại sân bay Tân Sơn Nhất

NSCC

Đỗ Thị Hà cho biết đã chuẩn bị chu đáo hành trang, kiến thức, kỹ năng trong suốt hơn 2 tháng nay khi từ Hà Nội vào TP.HCM. Trang phục dự thi Top Model của cô mang tên Vẻ đẹp của dòng sông do nhà thiết kế Đỗ Long thực hiện. Đỗ Long cũng chuẩn bị 2 bộ trang phục dạ hội lấy cảm hứng từ dải ngân hà và ruộng bậc thang cho cô trong đêm thi chung kết. Cô chuẩn bị điệu múa dân tộc cho phần thi Dances of the world và đánh đàn t'rưng trong phần thi tài năng.

Sau 1 năm hoãn vì dịch bệnh Covid-19, Miss World 2021 trở lại tại San Juan, Puerto Rico, đúng dịp kỷ niệm lần thứ 70 của cuộc thi. Chung kết đăng quang ngôi vị cao nhất sẽ diễn ra vào tối 16.12. Hoa hậu Đỗ Thị Hà cao 1,75 m với đôi chân dài 1,1 m, hiện là sinh viên chuyên ngành luật kinh doanh, Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội. Trong bảng xếp hạng dự đoán của chuyên trang sắc đẹp Missosology, Đỗ Thị Hà được xếp vào top 10.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.