Sự kiện văn hóa nổi bật tuần qua: Nhà thơ Lương Ngọc An sẽ thôi giữ chức Phó tổng biên tập báo ‘Văn Nghệ’

Đỗ Tuấn
Đỗ Tuấn
17/04/2022 07:00 GMT+7

Theo Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Lương Ngọc An, người vừa bị tố hiếp dâm, sẽ thôi giữ chức Phó tổng biên tập báo Văn Nghệ từ 1.5.

Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam vừa ra thông báo về kỳ họp thường lệ thứ 4 khóa X ngày 15.4. Theo đó, Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam quyết định điều động nhà thơ Lương Ngọc An thôi giữ chức vụ Phó tổng biên tập, Thư ký tòa soạn báo Văn Nghệ, để nhận nhiệm vụ mới kể từ ngày 1.5.2022.

Thông báo cho biết, đây là quyết định theo Nghị quyết số 05-NQĐĐ ngày 14.4.2022 của Đảng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam. Văn bản do Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều ký.

Nhà thơ nữ Dạ Thảo Phương và nhà thơ Lương Ngọc An

T.L

Quyết định điều động ông Lương Ngọc An được đưa ra vào cuối thông báo về kỳ họp, tại mục 2 có tên “Về công tác nhân sự”. Tại mục 1 “Về các hoạt động của Hội Nhà văn”, Hội thống kê các việc như: tổ chức thành công Cuộc vận động Sáng tác văn học viết về đề tài thiếu nhi, triển khai in đợt sách miễn phí đầu tiên dành cho trẻ em miền núi và vùng sâu vùng xa; đánh giá ảnh hưởng tốt của Giải thưởng Tác giả trẻ và việc xử lý một tác phẩm được trao giải khi có những nghi vấn liên quan đến bản quyền; khẳng định chất lượng và sự đồng thuận cao của Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021…

Trước đó, nhà thơ Lương Ngọc An đã bị 2 người lên tiếng về hành vi tấn công tình dục. Người thứ nhất, nhà thơ nữ Dạ Thảo Phương (đang sống tại nước ngoài), tố cáo ông An đã hiếp dâm và vu cáo bà trong thời gian dài. Bà cũng công bố bản photocopy một bản tường trình của ông Nguyễn Lê Tâm và nhiều nhân chứng khác trong báo Văn Nghệ. Trong đó, mô tả hành vi của ông An là đang chồm lên người bà Thảo Phương và bóp cổ bà Thảo Phương.

Người thứ hai là nhà văn Bùi Mai Hạnh, cũng lên tiếng trên Facebook cá nhân, về việc ông An đã tấn công tình dục bà không thành.

Sau tố cáo của bà Dạ Thảo Phương, ông An đã đóng Facebook cá nhân và lại mở lại vào ngày 14.4. Trên trang Facebook của mình, ông An công bố hình ảnh chụp 3 phong bì thư có địa chỉ người nhận là: ông Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ (PA03) TP.Hà Nội, ông Trưởng phòng An ninh mạng sử dụng công nghệ cao (PA05) TP.Hà Nội và ông Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP.Hà Nội.

Ông An viết trên trang Facebook cá nhân: “Tôi cũng xin lỗi những người bạn đã vì tôi mà bị xúc phạm những ngày qua. Xin lỗi cơ quan, gia đình đã vì chuyện này mà xáo trộn, vất vả. Tôi xin được giải quyết việc này theo cách tôi cho là cần thiết”.

Hiện chưa rõ ông An sẽ được điều chuyển đi đâu. Theo văn bản, có thể hiểu ông An được điều về cơ quan hội để chờ nhiệm vụ mới. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, có thể ông sẽ được điều về Bảo tàng Văn học Việt Nam.

Google vinh danh Sơn Đoòng, hang động lớn nhất thế giới

Ngày 14.4, ông Hồ An Phong, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, cho biết nhân kỷ niệm 13 năm khám phá hang động lớn nhất thế giới Sơn Đoòng (năm 2009), tỉnh Quảng Bình đã có hàng loạt sự kiện chào mừng.

Điểm nhấn nổi bật là từ sáng 14.4, hình ảnh hang Sơn Đoòng được quảng bá trên trang chủ tìm kiếm Google của 17 quốc gia và vùng lãnh thổ như Việt Nam, Vương quốc Anh, Romania, Thụy Điển, Hy Lạp, Singapore... Sự kiện này có sự đồng hành của Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình, Công ty Oxalis Adventure (đơn vị khai thác tour du lịch khám phá độc quyền hang Sơn Đoòng). Cụ thể, Doodle (bản vẽ) Sơn Đoòng tái hiện khung cảnh hố sụt khổng lồ, với ánh nắng chiếu rọi. Những hố sụt khổng lồ cho phép ánh sáng mặt trời và mưa đến nuôi dưỡng hệ sinh thái rừng nguyên sinh... Thông qua Doodle Sơn Đoòng, Google tiếp tục câu chuyện lan tỏa giá trị văn hóa, di sản đặc sắc của Việt Nam ra thế giới; cũng là một trong những hoạt động quảng bá và hỗ trợ thúc đẩy phục hồi kinh tế và du lịch Việt Nam sau đại dịch.

Google vinh danh hang Sơn Đoòng

P.X

Trong ngày 14.4, tại 3 địa điểm TP.Hà Nội, TP.HCM, TP.Đồng Hới (Quảng Bình) đồng loạt tổ chức đạp xe đạp diễu hành khắp các đường phố để quảng bá cho sự kiện kỷ niệm này. Sơn Đoòng được Kỷ lục thế giới Guinness, Hiệp hội Kỷ lục thế giới chứng nhận là hang động lớn nhất thế giới, rộng 150 m, cao hơn 200 m, dài gần 9 km, chính thức khám phá năm 2009, nằm trong quần thể hang động Phong Nha - Kẻ Bàng.

Cuộc thi Sơ đồ tư duy Việt Nam 2022 khai mạc sáng 24.4

Sáng 13.4 tại TP.HCM, đại diện Viện Kỷ lục VN và Công ty CP đào tạo Tâm Trí Lực đã có lễ ký kết hợp tác với Ban Biên tập báo Thanh Niên về việc bảo trợ truyền thông cho cuộc thi Sơ đồ tư duy Việt Nam 2022 (Vietnam Mind Map Championship 2022).

Cùng dự lễ ký kết hợp tác giữa 3 đơn vị có ông Lê Trần Trường An - Tổng giám đốc Tổ chức Kỷ lục VN; Kỷ lục gia thế giới Nguyễn Phùng Phong - Phó viện trưởng thường trực Viện Kỷ lục VN; Tổng giám đốc Công ty CP đào tạo Tâm Trí Lực Trần Thanh Chung; Luật sư Nguyễn Văn Viễn - Phó chủ tịch T.Ư Hội Kỷ lục gia VN; Tổng thư ký Hội Kỷ lục gia VN Dương Duy Lâm Viên.

Tổng Biên tập báo Thanh Niên Nguyễn Ngọc Toàn (trái) và ông Trần Thanh Chung - Tổng giám đốc Công ty CP đào tạo Tâm Trí Lực

ĐỘC LẬP

Về phía báo Thanh Niên có Tổng biên tập Nguyễn Ngọc Toàn và Ủy viên Ban biên tập - Tổng thư ký tòa soạn Thanh Niên Online Trần Việt Hưng.

Sơ đồ tư duy (mind map) là kỹ thuật ghi chép và ghi nhớ giúp người dùng kích thích và vận dụng cả hai bán cầu não. Sơ đồ tư duy (mind map) được ông Tony Buzan sáng tạo vào cuối những năm 1960 đã thay đổi hoàn toàn phương pháp ghi chú truyền thống. Tony Buzan cũng chính là người sáng lập Giải vô địch Trí nhớ thế giới, Giải vô địch Sơ đồ tư duy thế giới và Giải vô địch Đọc nhanh thế giới. Phần mềm Sơ đồ tư duy là phần mềm thông minh có tính tương tác, tích hợp chức năng vẽ sơ đồ tư duy được Tony Buzan và Chris Day đồng phát triển. Sơ đồ tư duy được mệnh danh là “công cụ vạn năng cho bộ não”, được Tony Buzan sáng tạo vào 1968, và nhanh chóng lan rộng khắp thế giới từ năm 1974; đến nay, trên thế giới đã có hơn 250 triệu người sử dụng. Loại sơ đồ này đã và đang đem lại nhiều hiệu quả tích cực cho ngành giáo dục trên toàn thế giới.

Nhờ những dấu ấn đặc biệt của VN trên bản đồ trí nhớ thế giới sau hành trình đầy nỗ lực của Kỷ lục gia Siêu trí nhớ thế giới Nguyễn Phùng Phong và Tổ chức Trí nhớ VN, ngày 20.5.2021, Chủ tịch Mind Map thế giới Raymond Keene đã ký Thư ủy quyền cho Kỷ lục gia thế giới Nguyễn Phùng Phong và Công ty CP đào tạo Tâm Trí Lực làm đại diện chính thức của Hội đồng Sơ đồ tư duy thế giới tại VN. Tiếp sau thành công của giải Siêu trí nhớ VN năm 2019, từ năm 2021, T.Ư Hội Kỷ lục gia VN giao nhiệm vụ cho Viện Kỷ lục VN và Tổ chức Mind Map VN triển khai thực hiện cuộc thi Sơ đồ tư duy Việt Nam - với sự đồng hành của Công ty CP đào tạo Tâm Trí Lực, nhằm tìm kiếm và phát hiện các cao thủ trong lĩnh vực trí nhớ và tư duy.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn - Tổng biên tập báo Thanh Niên vui mừng thông tin: “Cùng với Đài truyền hình VN, báo Thanh Niên rất vui và tự hào được Ban tổ chức Sơ đồ tư duy Việt Nam 2022 chọn là đơn vị bảo trợ truyền thông cho cuộc thi hấp dẫn dành cho các bạn trẻ trong cả nước, diễn ra trong thời gian khá dài với nhiều nội dung phong phú, hấp dẫn. Chúng tôi cam kết sẽ làm hết sức mình để lan tỏa cuộc thi này đến với bạn đọc trên tất cả các kênh truyền thông của báo Thanh Niên, góp phần phát hiện và vinh danh các tài năng VN”.

Theo nguồn tin của PV Thanh Niên, cuộc thi Sơ đồ tư duy Việt Nam 2022 khai mạc vào sáng 24.4 tại TP.HCM sẽ có hoàng tử Ba Lan, chủ tịch Mind Map Mỹ và chủ tịch Mind Map Malaysia sang tham dự.

Truy tìm người làm gãy đổ bia 'Khuynh cái hạ mã' ở Phu Văn Lâu Huế

Sáng 13.4, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết, đã tiến hành kiểm tra hiện trường, xác minh tấm bia đá Khuynh cái hạ mã (nghiêng lọng, xuống ngựa) đặt phía bên phải di tích kiến trúc Phu Văn Lâu trên đường Lê Duẩn (TP.Huế, Thừa Thiên - Huế) bất ngờ bị gãy đổ, vỡ ra nhiều đoạn không rõ nguyên nhân.

Bia đá Khuynh cái hạ mã bị gãy đổ

Minh An

Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết, bia đá Khuynh cái hạ mã đặt trước di tích Phu Văn Lâu được phục dựng vào năm 2016, cùng thời điểm đại trùng tu công trình kiến trúc thuộc triều Nguyễn này.

"Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh về sự việc, đơn vị đã cử người có chuyên môn đến hiện trường để kiểm tra, xác minh nguyên nhân. Tấm bia đá tại Phu Văn Lâu có thể bị ai đó trong lúc lùi xe ô tô đã vô ý làm gãy đổ và hư hại

Trung tâm đã báo cho các cơ quan chức năng để phối hợp truy tìm đối tượng gây ra vụ việc. Nếu xác định đó là hành vi cố tình phá hoại di tích, cơ quan chức năng sẽ có biện pháp xử lý thích đáng...", ông Hoàng Việt Trung, cho biết.

Từ năm 1821, danh sách các tiến sĩ được niêm yết tại đây. Với tính chất quan trọng đó, dưới thời vua Minh Mạng, triều đình cho dựng hai bên hai tấm bia đá khắc 4 chữ Khuynh cái hạ mã, nghĩa là ai đi qua đều phải cởi mũ và xuống ngựa.

Nhạc trống lớn của người Khmer được công nhận di sản cấp quốc gia

Ngày 10.4, tin từ Sở VH-TT-DL tỉnh Cà Mau cho biết, Bộ VH-TT-DL vừa có quyết định đưa Nghệ thuật nhạc trống lớn của dân tộc Khmer ở H.Thới Bình, tỉnh Cà Mau vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Nghệ thuật nhạc trống lớn của đồng bào dân tộc Khmer H.Thới Bình được tạo ra từ dàn nhạc trống lớn (Plêng Skor Thom). Dàn nhạc này được đồng bào dân tộc Khmer ở Cà Mau biểu diễn phổ biến và luôn quan tâm giữ gìn lâu nay.

Các nghệ nhân thực hành nghi thức cúng tổ nghề trước khi bắt đầu biểu diễn

CTV

Theo các nghệ nhân thực hành di sản Nghệ thuật nhạc trống lớn tại địa phương, dàn nhạc trống lớn gồm 15 loại nhạc cụ sau: Skor Thom, Koông Thom, Skor Đay (02 cái), T’ruô - U, T’ruô - Khse bây (T’ruô Khmer, T’ruô Nguôk), T’ruô - sô, Chapay-chomriêng, Pay Puốc, Pay - O, Khloy, Khưm, Chhưng, Tà Khê và Krap.

Dàn nhạc trống lớn thường được biểu diễn trên một chiếc chiếu được trải phía trước nhà. Trước khi diễn xướng, bắt buộc phải có một mâm lễ cúng tổ, được bố trí ở trung tâm của dàn nhạc. Chiếc trống lớn chủ đạo được bố trí ở trung tâm hoặc một góc thuận tiện để nghệ nhân trình diễn. Các nghệ nhân sử dụng các loại nhạc cụ khác được bố trí ngồi quanh chiếc chiếu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.