Sự kiện văn hóa tuần qua: MV ‘There’s No One At All’ của Sơn Tùng M-TP ‘gây bão’

Đỗ Tuấn
Đỗ Tuấn
01/05/2022 07:00 GMT+7

There’s No One At All mới phát hành của Sơn Tùng M-TP gây phản ứng dữ dội vì nội dung tiêu cực và hiện Cục PTTH & TTĐT (Bộ TT-TT) đang xem xét để xử lý.

Tối 28.4, ca sĩ Sơn Tùng M-TP cho ra mắt MV There’s No One At All đánh dấu bước ngoặt mới trong sự nghiệp âm nhạc. Nhưng, nếu màn comeback trước - Muộn rồi mà sao còn lập cú "hack trick" với 7,2 triệu lượt xem sau 12 giờ phát hành thì There’s No One At All lại “tạo tiếng vang” nhưng theo hướng tiêu cực. Có thể nói, dù là một tác phẩm được Sơn Tùng M-TP khá kỳ vọng nhưng There’s No One At All lần này là một cú trượt dài trong sự nghiệp của anh kể từ ngày bước chân vào showbiz Việt.

There’s No One At All là ca khúc đầu tiên Sơn Tùng M-TP thực hiện hoàn toàn bằng tiếng Anh, được kỳ vọng sẽ mang tên tuổi M-TP vươn ra quốc tế tuy nhiên lại không phù hợp với thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, hình ảnh trong MV đang dấy lên sự tranh cãi lẫn phản ứng gay gắt khi có quá nhiều phân cảnh được cho là “lấy cảm hứng” từ các MV của G-Dragon (BigBang). Việc mượn ý tưởng quá nhiều lần của Sơn Tùng M-TP khiến khán giả ngao ngán. Cộng thêm thông điệp mà MV truyền đạt quá tiêu cực và u tối (nhân vật chính - là anh, một trẻ mồ côi với tuổi thơ bất hạnh rồi trưởng thành trong sa ngã và cuối cùng tự sát) cũng là những nguyên nhân chính khiến There’s No One At All bị tẩy chay.

Sơn Tùng M-TP xin lỗi vì MV có cảnh tự tử

FBNV

Về vụ MV There's No One At All của Sơn Tùng M-TP gây tranh cãi vì có cảnh tự sát, Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho biết đã gửi văn bản về một số đơn vị, cơ quan liên quan để tìm hướng giải quyết. Giọng ca gốc Thái Bình gửi lời cảm ơn đến người hâm mộ và sẵn sàng lắng nghe những góp ý của các cơ quan ban ngành cũng như công chúng trong dự án lần này.

Mặc dù Sơn Tùng M-TP tuyên bố ngưng phát hành MV có cảnh tự sát song sự thật nam ca sĩ chỉ ẩn sản phẩm trên nền tảng YouTube Việt Nam. Theo ghi nhận khác, khi tìm kiếm There's No One At All trên nền tảng này ở Nhật thì MV vẫn xuất hiện.

MV gây tranh cãi của Sơn Tùng M-TP và câu chuyện pháp lý

Kiến nghị thu hồi Di sản quốc gia Lễ giỗ bà Phi Yến

Chiều 26.4, tại phủ thờ Tùng Thiện Vương (TP.Huế, Thừa Thiên - Huế), Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học về “An Sơn miếu và bà Phi Yến ở Côn Đảo, vấn đề từ truyền thuyết đến hồ sơ di sản”.

Sau buổi tọa đàm, Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc Việt Nam kiến nghị Bộ VH-TT-DL thu hồi quyết định công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến.

Buổi tọa đàm có sự hiện diện và tham gia của các nhà khoa học về lịch sử, văn hóa và về Vương triều Nguyễn đến từ Huế và Hà Nội, như: PGS-TS Đỗ Bang, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (nguyên Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên - Huế); nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên Huế; nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến, nguyên Trưởng khoa Sử, ĐH Khoa học Huế; PGS-TS Nguyễn Văn Đăng, nguyên Trưởng khoa Sử, ĐH Khoa học Huế; nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh, nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Thừa Thiên - Huế; nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân; TS Nguyễn Xuân Diện, Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam...

Miếu An Sơn

NGUYỄN HỮU LỘC

Về phía Nguyễn Phước tộc, có PGS-TS Nguyễn Phước Bửu Nam, Chủ tịch Hội đồng Nguyễn Phước tộc Việt Nam, và các vị trong hội đồng.

Các ý kiến tham luận dựa vào chính sử triều Nguyễn, thế phả của Hoàng tộc triều Nguyễn, ghi chép của các học giả người Pháp cùng các nghiên cứu đã công bố chứng minh bà thứ phi Hoàng Phi Yến (còn gọi Hoàng Phi Yến, tên là Lê Thị Răm) và hoàng tử Cải (còn gọi hoàng tử Hội An) là 2 nhân vật truyền thuyết hư cấu, không có trong chính sử triều Nguyễn.

“Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc Việt Nam đã rà soát Nguyễn Phúc tộc thế phảĐại Nam liệt truyện thì hoàn toàn không có ai là thứ phi vua Gia Long tên Lê Thị Răm và có tên thụy là Phi Yến. Tương tự, trong gia phả hoàng tộc cũng không ghi chép tên của hoàng tử Cải là con của vua Gia Long”, PGS-TS Nguyễn Phước Bửu Nam cho biết.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cũng khẳng định: cái tên Lê Thị Răm, Hoàng Phi Yến, hoàng tử Hội An (Cải) chưa bao giờ xuất hiện trong một tư liệu lịch sử nào về triều Nguyễn. "Từ khi còn 'phục quốc', Nguyễn Ánh chỉ xưng là Nguyễn Vương từ năm 1780, người vợ chính Tống Thị Lan được phong là Nguyên phi, người vợ hai Trần Thị Đang được phong là Nhị phi. Đến khi vua Gia Long mất, vẫn chưa có bà nào được ban mỹ tự. Vì vậy, không thể có một bà phi được gọi là 'Thứ phi', được ban mỹ tự 'Hoàng Phi Yến' từ khi vua còn 'bôn tẩu', khác với thông lệ", ông Nguyễn Xuân Hoa lý giải.

Theo kiến nghị của Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc Việt Nam, việc công nhận Lễ giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến, lễ hội truyền thống thuộc di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh An Sơn miếu tại huyện Côn Đảo là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ sự gán ghép lịch sử "là xúc phạm anh linh và hình ảnh của hoàng đế Gia Long, vị vua khởi nghiệp triều Nguyễn cũng như Nguyễn Phúc tộc".

Từ các tham luận, kết luận buổi tọa đàm, các đại biểu có mặt đã cùng ký tên vào bản kiến nghị của Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc Việt Nam, gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ VH-TT-DL, Cục Di sản Văn hóa cùng các cơ quan liên quan đề nghị thu hồi quyết định công nhận Lễ giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến, lễ hội truyền thống An Sơn miếu tại huyện Côn Đảo (Bà Rịa Vũng Tàu) là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Buổi tọa đàm được tổ chức sau khi Bộ VH-TT- DL ban hành Quyết định số 773/QĐ-BVHTTDL ngày 4.4.2022 về việc đưa Lễ giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến (H.Côn Đảo) vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Hà Nội khởi công dự án bảo tồn nhà biệt thự cổ phố Trần Hưng Đạo

Lễ khởi công dự án Bảo tồn, sửa chữa, chống xuống cấp nhà biệt thự 49 Trần Hưng Đạo, 46 Hàng Bài đã diễn ra sáng 27.4.

Tiếp nối dự án Nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị khu phố Pháp được thực hiện từ năm 2007, lãnh đạo TP.Hà Nội đã đề nghị chính quyền vùng Ile - de - France giúp đỡ thực hiện dự án trùng tu biệt thự cổ ở 49 Trần Hưng Đạo, 46 Hàng Bài theo đúng các nguyên tắc và phương pháp đang được áp dụng tại Pháp để làm dự án trùng tu kiểu mẫu cho các dự án khác đối với các công trình thời Pháp trên địa bàn Hà Nội.

Biệt thự số 49 Trần Hưng Đạo, 46 Hàng Bài đang bị xuống cấp, hư hỏng

NGỌC AN

Theo dự kiến, chưa đầy 1 năm nữa, nơi này sẽ trở thành Trung tâm giao lưu văn hóa phố Pháp của Hà Nội. Trung tâm giao lưu văn hóa phố Pháp là nơi những người yêu di sản khi đến sẽ được tìm hiểu về quá trình hình thành khu phố Pháp, những ảnh hưởng và giao thoa văn hóa Pháp - Việt không chỉ về mặt kiến trúc, đô thị mà trong cả lối sống suốt giai đoạn nửa đầu thế kỷ 20. Ngoài ra, công trình sau khi hoàn thành bảo tồn cũng được kỳ vọng sẽ trở thành một điểm đến du lịch mới của Hà Nội.

Căn biệt thự nằm tại góc ngã tư Hàng Bài - Trần Hưng Đạo, được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ 20. Đây là một trong những công trình còn giữ nguyên được nhiều giá trị kiến trúc. Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, việc khởi công dự án có thể tạo nên cú hích trong việc bảo tồn, phát huy giá trị những biệt thự cũ tại Hà Nội.

Ông Dương Đức Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, cho biết đây cũng là mục tiêu hướng đến của Hà Nội với những công trình như biệt thự này. Ông Tuấn cho biết thêm, tới đây, Hà Nội sẽ rà soát và củng cố trên 1.200 biệt thự cũ, trong đó có danh mục công trình kiến trúc Pháp, để quỹ di sản kiến trúc cũ được định hình. Theo ông Tuấn, TP.Hà Nội sẽ hoàn chỉnh lại quy chế sử dụng biệt thự cũ, quy chế sử dụng công trình kiến trúc có giá trị.

Sau 3 năm tranh chấp, Gánh mẹ được trả về chính chủ

Chiều 25.4, ông Trương Minh Nhật được Tòa án Nhân dân TP.HCM tuyên là tác giả (cũng là nguyên đơn), đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả bài thơ Gánh mẹ trong phiên sơ thẩm vụ kiện "Tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ" liên quan bài thơ này.

Tòa kết luận ông Trương Minh Nhật là tác giả, chủ sở hữu bài thơ Gánh mẹ - phần lời bài hát Gánh mẹ (do Quách Beem phổ nhạc), được sử dụng trong phim Lật mặt 4: Nhà có khách (của Công ty TNHH Lý Hải Production)

THIÊN ANH

Tại phiên sơ thẩm chiều 25.4, sau khi đại diện Viện kiểm sát có ý kiến, Hội đồng xét xử (HĐXX) nghị án và kết luận:

Đình chỉ xét xử đối với 1 trong 5 yêu cầu khởi kiện do nguyên đơn là ông Trương Minh Nhật tự rút về việc buộc Công ty TNHH Lý Hải Production (sau đây gọi tắt là Công ty Lý Hải) tạm dừng khai thác bài thơ Gánh mẹ trên mọi phương tiện và nền tảng trong khoảng thời gian từ ngày tòa thụ lý vụ án cho đến khi có bản án có hiệu lực pháp luật; chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn - ông Trương Minh Nhật đối với Công ty Lý Hải, buộc Công ty Lý Hải phải đảm bảo quyền nhân thân đối với ông Nhật trong bài thơ Gánh mẹ, phần lời của bản nhạc Gánh mẹ, cụ thể là nêu tên ông Trương Minh Nhật là tác giả bài thơ Gánh mẹ trong phim Lật mặt 4: Nhà có khách và tất cả các bài viết, trang thông tin công bố khác có liên quan.

Bên cạnh đó, tòa không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đối với Công ty Lý Hải ở các điểm: yêu cầu Công ty Lý Hải bồi thường thiệt hại đối với ông Nhật vì sử dụng trái phép bài thơ trong ca khúc ở phim Lật mặt 4: Nhà có khách số tiền 825 triệu đồng; yêu cầu Công ty Lý Hải xin lỗi và cải chính công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc sử dụng bài thơ Gánh mẹ của ông Trương Minh Nhật trong phim Lật mặt 4: Nhà có khách mà không xin phép, không thông tin đúng tác giả; buộc Công ty Lý Hải thỏa thuận với ông Nhật - phải thực hiện nghĩa vụ trả tiền cho hành vi sử dụng bài thơ Gánh mẹ - phần lời bản nhạc Gánh mẹ trong phim Lật mặt 4.

Tòa chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn - ông Trương Minh Nhật đối với bị đơn là ông Đoàn Đông Đức (tức ca nhạc sĩ Quách Beem): buộc ông Đức tạm ngừng khai thác bài thơ Gánh mẹ - phần lời bản nhạc Gánh mẹ trên mọi phương tiện và nền tảng; buộc ông Đức đảm bảo quyền nhân thân của ông Trương Minh Nhật với bài thơ Gánh mẹ - phần lời của bản nhạc Gánh mẹ; buộc ông Đức khắc phục sửa chữa thông tin sai lệch trong hồ sơ đăng ký tại Cục Bản quyền Tác giả; buộc ông Đức bồi thường thiệt hại cho ông Trương Minh Nhật số tiền: 122,4 triệu đồng (gồm: thiệt hại vật chất: 7,5 triệu đồng, thiệt hại tinh thần: 14,9 triệu đồng, chi phí cho luật sư: 100 triệu đồng).

Đồng thời, tòa không chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn là ông Trương Minh Nhật đối với bị đơn Đoàn Đông Đức về việc yêu cầu ông Đức bồi thường thiệt hại vật chất, tinh thần cho ông Nhật với số tiền 427,6 triệu đồng.

Nhiều chương trình nghệ thuật giải trí phục vụ người dân TP.HCM dịp lễ

Quy mô nhất là chương trình nghệ thuật được Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn TP.HCM tổ chức: Việt Nam trong trái tim ta, diễn ra vào 19 giờ ngày 29.4 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, Q.1, TP.HCM (Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP.HCM - Sở VH-TT TP.HCM thực hiện).

Võ Hạ Trâm và Hồ Trung Dũng biểu diễn trong chương trình Việt Nam trong trái tim ta

NSCC

Đêm nghệ thuật Việt Nam trong trái tim ta do đạo diễn Binh Hùng dàn dựng, dưới sự chỉ đạo nghệ thuật của NSƯT Nguyễn Thị Thanh Thúy - Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM. Chương trình quy tụ đông đảo nghệ sĩ ở nhiều lĩnh vực: NSND Quang Thọ, NSND Trọng Hữu, NSND Thoại Miêu, NSƯT Lam Tuyền, NSƯT Vân Khánh, NSƯT Tạ Thùy Chi, nghệ nhân Nguyễn Thị Tiêu, ca sĩ Hiền Thục, Hồ Trung Dũng, Quốc Đại, Võ Hạ Trâm, Thanh Sử, Cao Công Nghĩa, nghệ sĩ Nhã Thy, Thành Tâm, Thùy Trinh, Minh Sang, Hồ Tuấn Phúc, Đồng Diệu Ly, nhóm Mắt Ngọc, nhóm Nhật Nguyệt, nhóm Lạc Việt, nhóm FM, nhóm 135, saxophone Quách Tiến Dũng, nghệ sĩ múa Minh Tân, Thu Trang và các nhóm múa ABC, Alpha, Mặt Trời, Ánh Sáng, Mai Trắng, Sen Trắng, ABC Kids…

Bên cạnh đó, vào đêm 30.4 và 1.5, Sở VH-TT TP.HCM cũng tổ chức các chương trình nghệ thuật, giải trí phục vụ người dân tại: TP.Thủ Đức, quận Tân Phú, quận Bình Tân, huyện Cần Giờ, huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè, huyện Hóc Môn. Chương trình do các đơn vị nghệ thuật trực thuộc Sở VH-TT TP.HCM thực hiện như: Trung tâm Ca nhạc nhẹ, Nhà hát Ca múa nhạc Dân tộc Bông Sen, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội, Nhà hát Kịch Thành phố.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.