Sửa luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản để tránh chồng chéo

Lê Quân
Lê Quân
28/04/2022 21:01 GMT+7

Theo đại diện Bộ Xây dựng, trong khi sửa luật, sẽ có những vấn đề phải báo cáo Bộ Chính trị hoặc Quốc hội, do nhạy cảm, luật gắn với chính trị, văn hoá, kinh tế.

Mỗi góc độ sẽ có vướng mắc khác nhau

Tại Hội nghị “Góp ý sửa đổi luật Nhà ở - luật Kinh doanh bất động sản, để phát triển nhà ở và thị trường bất động sản” do VNREA tổ chức ngày 28.4, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, chia sẻ có nhiều vấn đề sửa luật phải báo cáo Bộ Chính trị hoặc Quốc hội bỏ phiếu riêng để quyết định một số vấn đề khi đưa vào luật.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng phát biểu tại Hội nghị

lê quân

Ông Nguyễn Mạnh Khởi chia sẻ: luật Nhà ở, luật Kinh doanh bất động sản và luật Đất đai có liên quan chặt chẽ và tác động tới thị trường bất động sản. Hiện, cả 3 luật này đều có những vướng mắc. Đứng ở các góc độ khác nhau sẽ thấy vướng mắc khác nhau.

Bên cạnh đó, có vấn đề cần phải báo cáo Bộ Chính trị. Thậm chí, Quốc hội sẽ phải bỏ phiếu riêng để quyết định một số vấn đề đưa vào các bộ luật. Bởi luật pháp còn gắn với chính trị, văn hoá, kinh tế.

Thực tế chính vì có sự tranh cãi giữa các luật nên mới cần có sửa đổi nhưng việc sửa các luật trong bối cảnh hiện nay có nhiều nhạy cảm như các sai phạm đất đai, vấn đề siết tín dụng…

Khi nói đến sửa luật, doanh nghiệp đứng ở góc độ của doanh nghiệp để thấy khó cần tháo gỡ, góc độ của luật sư là bảo vệ quyền lợi của người dân, nhà đầu tư. Còn ở phía nhà làm luật thì nhìn ở góc độ phải hài hoà lợi ích, quyền và trách nhiệm giữa các bên nhà nước, nhà đầu tư, người dân.

Làm sao để tránh chồng chéo?

Ông Khởi nêu một số vấn đề được Bộ Xây dựng đặt ra, thứ nhất, phạm vi áp dụng luật Nhà ở, luật Kinh doanh bất động sản hiện nay như thế nào trong mối quan hệ với luật khác? Điều chỉnh những gì để tránh sự chồng chéo?

Thứ hai, trong bối cảnh hiện nay, việc sửa đổi hai luật này thì vấn đề nào cần kế thừa, tức là luật cũ vẫn có cái tốt không thể xoá bỏ; điều gì cần kế thừa, bổ sung, sửa đổi để phù hợp với thực tế.

Nhiều luật cùng tham gia điều tiết thị trường bất động sản nên khó tránh chồng chéo, vướng mắc

lê quân

Thứ ba, phải phát triển các vấn đề mà trong các văn bản dưới luật đã và đang quy định thấy hợp lý thì cần đưa vào luật như Nghị định 99, Thông tư 02, Thông tư 06… Nhưng quy định tại nghị định hay thông tư đưa vào luật thì phải phù hợp để không có nhiều thủ tục hành chính. Ngoài ra, cần xác định mối quan hệ giữa 2 luật để tránh chồng chéo, mâu thuẫn…

“Với luật Nhà ở, thứ nhất, vấn đề sở hữu nhà chung cư có thời hạn có cần không? Thế giới có quy định sở hữu chung cư 50 năm, 70 năm. Nếu hết hạn sở hữu, chung cư còn tốt cho tiếp tục sử dụng, không tốt sẽ phá vỡ. Vậy Việt Nam có cần hay không? Ngược lại vấn đề là luật Đất đai có cho phép sở hữu lâu dài cho đất xây dựng chung cư hay không?”, ông Khởi nói.

Cũng theo ông Khởi, vấn đề thứ 2 là các hình thức đầu tư xây dựng dự án cần sửa đổi gì? Trong thời gian vừa qua, phân lô bán nền tràn lan thì phải xác định hình thức đầu tư rõ ràng. Như thế nào là lập dự án đầu tư, như thế nào là kinh doanh riêng lẻ?

Thứ ba, ông Khởi cho rằng cần xác định mô hình đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Tên gọi không quan trọng, mà ở chỗ cách thức xác định, nội hàm của sản phẩm. Sản phẩm nào cho thuê, sản phẩm nào vừa bán vừa cho thuê. Xác định rõ mô hình phát triển nhà ở do nhà nước quy định như: nhà ở cho công nhân phải có chế định riêng hay mô hình nhà ở cho người dân trong đô thị cũng khác…

Thứ tư, đối với phát triển tài chính nhà ở. Trong luật Nhà ở đã có quy định, nhưng tài chính với bất động sản ra sao lại là vấn đề rộng? Cần nghiên cứu mở rộng hơn quy định bổ sung trong luật.

Thứ năm, việc xác định các loại hình sở hữu nhà ở hiện nay liên quan đến sở hữu của người nước ngoài. Vấn đề này liên quan đến Hiến pháp và cần quy định cụ thể hơn.

Sửa luật làm sao để tránh vướng mắc, chồng chéo là vấn đề được nhiều chuyên gia trăn trở

lê quân

Còn với luật Kinh doanh bất động sản, ông Khởi cho rằng, thứ nhất, quy định về điều kiện kinh doanh bất động sản như thế nào? Cần quy định rõ ràng về vốn hay về tiêu chí nào cần đặt ra?

Thứ hai, chuyển nhượng dự án gắn với quyền sử dụng đất: chuyển nhượng phải có sổ đỏ. Một doanh nghiệp làm ăn thua lỗ muốn chuyển nhượng dự án thì dự án phải có sổ đỏ nhưng điều kiện cấp sổ đỏ là phải có điều kiện vốn, dòng tiền tài chính. Nhưng doanh nghiệp đó làm ăn lỗ, không có tiền vốn, tài chính thì mới muốn chuyển nhượng. Cuối cùng dự án không chuyển được, “nằm” đó và cũng không tạo ra nguồn cung cho thị trường.

Thứ ba, vấn đề xác định dự án bất động sản cũng nhiều vấn đề như chưa có các điều kiện xác định cụ thể về đầu tư dự án giao thông, dự án cầu đường, dự án bất động sản…

Thứ tư, với sản phẩm lai như condotel, liệu có đưa vào luật Nhà ở hay không? Đây là vấn đề cần xem xét.

Thứ năm, thông tin thị trường và chuyển đổi số. Một ngôi nhà chia ra nhiều chủ sở hữu và đem bán ra nước ngoài. Như vậy, luật chưa có quy định về câu chuyện mua bán qua số hoá hay mua bán ký giấy tờ thực tế.

Thứ sáu, quản lý và điều tiết thị trường, câu chuyện thuế và giá điều tiết như thế nào hay chỉ khi thị trường nóng với lạnh mới thực hiện điều tiết?

“Tóm lại, liên quan đến các việc sửa đổi luật Nhà ở hay luật Kinh doanh bất động sản, luật Đất đai… phải phân trách nhiệm rõ ràng. Bởi bất động sản liên quan đến nhiều lĩnh vực ngành nghề và nhiều bộ luật”, ông Khởi nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.