Tuy nhiên, thói quen ăn uống này là không nên và cần phải thay đổi chế độ ăn theo hướng đa dạng hơn. Chúng ta có thể thường xuyên ăn các món mình thích nhưng nếu ăn mỗi ngày thì không thể cung cấp đủ nhu cầu dinh dưỡng cho cơ thể, MSN dẫn lời chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ Bonnie Taub-Dix.
Do đó, ăn một món quá nhiều, kéo dài từ ngày này qua ngày khác khiến cơ thể dễ bị thiếu hụt dinh dưỡng. Tình trạng này vẫn xảy ra ngay cả khi chúng ta ăn các loại thực phẩm lành mạnh.
“Bạn có thể ăn một dĩa cải xoăn, cá hồi với diêm mạch trong bữa tối. Đó là chế độ ăn rất lành mạnh”, chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ Lindsey Kane cho biết.
Nhưng nếu ăn cùng những thứ như vậy ngày này qua ngày khác, cơ thể sẽ được cung cấp những dưỡng chất như nhau. Đó có thể là nguồn vitamin, khoáng chất rất tốt. Tuy nhiên, cơ thể cũng sẽ thiếu những dưỡng chất thiết yếu khác. Điều quan trọng trong chế độ ăn là phải đa dạng, các chuyên gia dinh dưỡng cho biết.
Nhiều bằng chứng khoa học cũng cho thấy những người ăn chế độ đa dạng các loại thực phẩm sẽ có nguy cơ mắc các bệnh chuyển hóa thấp hơn. Những bệnh này là cao huyết áp, tăng đường huyết và nồng độ cholesterol cao, theo MSN.
Ăn quá nhiều một loại thực phẩm không chỉ làm thiếu hụt dinh dưỡng mà còn gây hại cho cơ thể. Ví dụ, việt quất là loại trái cây rất tốt cho sức khỏe, ăn thường xuyên giúp ngăn ngừa bệnh tim, duy trì cân nặng và ổn định đường huyết.
Tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều sẽ gây chứng trào ngược a xít dạ dày, đầy hơi, tiêu chảy và ợ nóng, các chuyên gia tiết lộ.
Ngoài ra, ăn quá nhiều các loại thực phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao có thể gây ngộ độc vitamin. Một chế độ dinh dưỡng tốt là ăn đa dạng với rau củ, trái cây, tinh bột, các loại đậu thịt, cá, trứng, sữa..., theo MSN.
Bình luận (0)