Theo bác sĩ Nguyễn Văn Nhất, Khoa ngoại Chấn thương chỉnh hình Y học thể thao (CTCH-YHTT, Bệnh viện (BV) 199), những ngày giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, bên cạnh sự gia tăng về tai nạn giao thông, tai nạn do pháo nổ, pháo hoa cũng là một cảnh báo đáng lưu ý, khi nhiều trường hợp "học" cách chế tạo pháo trên mạng dẫn đến tai nạn đáng tiếc.
Dập nát bàn tay...
BV 199 vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhi H.C.T (14 tuổi, ngụ H.Mộ Đức, Quảng Ngãi) trong tình trạng dập nát bàn tay phải do chơi pháo tự chế.
Gia đình T. cho biết em tìm hiểu cách chế tạo pháo ở trên mạng rồi tự mua đồ về tự chế. Trong quá trình làm thì pháo phát nổ... gây tổn thương và dập nát phần mềm và sai khớp các ngón tay. Bệnh nhân (BN) được phẫu thuật nhiều giờ liền để cấp cứu và tái tạo chức năng bàn tay.
Bác sĩ chuyên khoa 1 (BS.CK1) Phùng Cao Cường, Phó trưởng khoa CTCH-YHTT (BV 199) cũng cho biết, cứ đến những ngày sát Tết, BV thường xuyên tiếp nhận cấp cứu và điều trị cho các BN bị tai nạn do pháo nổ.
Trước đó ít ngày, BN L.C.N (30 tuổi, ngụ Đà Nẵng) cũng "tự học" cách chế pháo sau khi đặt mua và ship trên mạng, dẫn tới tai nạn gây bỏng nặng vùng mặt, tay và chân hai bên. “Tuy đã điều trị tích cực nhưng hiện bệnh nhân chưa thể trở lại sinh hoạt và làm việc như bình thường vì di chứng sẹo bỏng để lại là vô cùng nặng nề”, bác sĩ Cường nói.
Nhan nhản cách chế tạo pháo trên mạng
Theo cảnh báo của các bác sĩ ngoại khoa thì tình trạng "chế tạo" pháo xảy ra ngày càng nhiều, nhất là ở lứa tuổi học sinh. Trong khi đó, vết thương do pháo nổ có mức độ sát thương cao và hậu quả gánh chịu dài lâu, có khi đến cả đời...
Điều nguy hiểm, theo bác sĩ Nhất, là cách thức, hướng dẫn "chế tạo" pháo trên mạng rất nhiều… Bên cạnh những clip khoa học giải thích những thắc mắc về pháo hoa thì có hàng trăm kết quả hướng dẫn cách "chế tạo" pháo, những clip này thu hút đến cả trăm nghìn lượt xem.
“Điều này cực kỳ nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn bởi quy trình sản xuất pháo hoa phải bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định, phải được giám sát chặt chẽ từ Công ty Hóa chất 21 (Bộ Quốc phòng) - nơi duy nhất trong cả nước được sản xuất pháo hoa. Công đoạn nguy hiểm nhất là trộn thuốc pháo nay đã được cơ giới hóa nên cũng bớt nguy hiểm nhưng những clip hướng dẫn kia chủ yếu là các thành phần tự chế, vì vậy tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn”, bác sĩ Nhất nói.
Đặc biệt, tổn thương do pháo nổ rất nghiêm trọng bởi sức công phá gây ra các vết thương ở tất cả vị trí trên cơ thể, đặc biệt là vùng đầu mặt cổ, bàn tay với những tổn thương vô cùng phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến chức năng và thẩm mỹ.
Bên cạnh đó, nhiệt lượng lớn do chất nổ sẽ gây thêm tình trạng bỏng cho vết thương. Chưa kể, trong pháo có rất nhiều các chất hóa học gây độc cho cơ thế như phốt pho, lưu huỳnh… khi nổ sẽ xâm nhập vào cơ thể qua vết thương nê vết thương do pháo nổ thường rất bẩn, những trường hợp nặng có thể dẫn đến nhiễm độc toàn thân.
“Những tổn thương do pháo nổ thường bị khuyết phần mềm che phủ, nguy cơ phải cắt cụt cao nếu không có vạt da chuyển, sau khi lành dễ bị sẹo co kéo, ảnh hưởng không nhỏ đến chức năng vận động về sau”, bác sĩ Nhất cảnh báo.
Theo ghi nhận từ BV 199, có tình trạng một số người dân đang hiểu sai về Nghị định 137/2020/NĐ-CP (NĐ 137) được Chính phủ ban hành (thay thế Nghị định số 36/2009/NĐ-CP) về quản lý, sử dụng pháo, khiến việc sử dụng pháo trái phép có chiều hướng lan rộng. Tại một số địa phương, nhất là khu vực nông thôn, trong những ngày giáp Tết bắt đầu xuất hiện tình trạng chế tạo pháo tự phát.
“Bên cạnh việc quản lý việc sản xuất, tàng trữ, buôn bán và sử dụng pháo và các chất gây nổ, các cơ quan chức năng, đặc biệt là nhà trường và các bậc phụ huynh cần tăng cường việc quản lý, giáo dục con em của mình, tránh để trẻ có cơ hội tiếp cận, chế tạo và sử dụng pháo nổ trong dịp Tết. Đừng để xảy ra những hậu quả đáng tiếc. Đừng vui với pháo mà Tết lại buồn”, bác sĩ Nhất nói.
Bình luận (0)