|
“Cần chỉnh sửa lại”
Chỉ tay vào bức ảnh do PV Thanh Niên cung cấp, lão ngư Huỳnh Văn Tạo (53 tuổi), người có đến 3 tàu cá công suất lớn tại thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang (H.Núi Thành, Quảng Nam) nói ngay: “Cabin cao quá, không thể chịu được sức gió, làm khổ anh em khi tiến hành đánh bắt trên biển”. Theo ông Tạo, tàu lớn lại được đóng bằng sắt có thể giúp ngư dân đi biển dài ngày, bám ngư trường tốt hơn. Nhưng nếu cabin con tàu quá cao, khi gió lùa ở cấp 7 - 8 trở lên thì tàu không thể hoạt động khai thác do có thể gây đứt lưới.
|
Bằng kinh nghiệm hàng chục năm đánh bắt trên biển, ông Tạo góp ý: “Theo tôi, chiều dài con tàu độ khoảng 25 - 27 m là vừa, rộng chừng khoảng 8,5 m, phần thân tàu cao khoảng 3,6 - 3,8 m. Và phần cabin thì không nên làm cao để có thể di chuyển dễ dàng và đánh bắt hiệu quả hơn”. Theo ông Tạo, khi thiết kế cabin không cao thì phần mũi ở thân tàu cũng phải thiết kế sao phù hợp để tránh choán tầm nhìn. Với tàu gỗ mũi tàu thường không cao quá 5,5 m thì tàu sắt khi được đóng cũng nên giới hạn trong độ cao này.
Ngư dân Huỳnh Văn Tạo góp ý thêm, trong thiết kế tàu sắt cần phải có 2 máy tải như tàu gỗ truyền thống. “Tôi được biết, tàu sắt được đóng mới hiện nay chỉ có 1 máy với công suất 1.000 CV trở lên. Tuy nhiên, 1 máy lại rất tốn nhiên liệu trong những thời điểm không cần thiết. Khi đóng tàu sắt thì nên để 2 máy chính, phụ, có thể khác công suất nhưng ngư dân chúng tôi rất thích. Trường hợp máy hỏng thì tàu sắt 1 máy sẽ không thể di chuyển, trong khi tàu 2 máy vẫn đi lại bình thường và xoay xở được”, ông Tạo nói.
Tiết kiệm và hiện đại hóa nội thất
Nhiều ngư dân tại xã biển Tam Quang (H.Núi Thành) cũng như Tam Phú (TP.Tam Kỳ) lại chú trọng đến yếu tố tiết kiệm. Ngư dân Đỗ Minh Thuận (29 tuổi, quê Bình Sơn, Quảng Ngãi) nói thêm: “Đã đóng tàu sắt thì hầm đông lạnh của tàu phải tốt để đáp ứng nhu cầu bám biển dài ngày”. Ông Ngô Tấn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Nam kiêm Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh này, cũng cho rằng một khi đã đóng tàu sắt cho ngư dân thì đồng thời phải chuyển giao khoa học công nghệ về đánh bắt. Phải thay đổi máy móc, thiết bị đánh bắt phù hợp với tàu sắt. Ví dụ, khi đi biển bằng tàu gỗ người ta bắt con cá ngừ bằng tời thủ công thì giờ phải áp dụng bằng máy, như thế mới hiệu quả. Đặc biệt, theo ông Tấn, để ngư dân ủng hộ chủ trương đóng tàu sắt, ngành chức năng nên chọn những mẫu tàu phù hợp cho từng loại nghề khai thác trên biển. Cụ thể, mỗi dạng tàu lưới vây, tàu chụp mực, tàu hành nghề lặn biển… phải có dạng mẫu phù hợp để áp dụng.
Cần mở lớp đào tạo nghề khai thác hải sản Ông Ngô Tấn, Giám đốc Sở NN-PTNT kiêm Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Quảng Nam cho rằng cần tiến hành thu hút, đào tạo nghề khai thác hải sản cho cư dân ven biển. Các trường nghề nên mở lớp đào tạo miễn phí cho người đi biển, tạo cho họ kỹ năng khai thác phù hợp với việc đánh bắt trên tàu sắt, trong đó có cả đào tạo kiến thức về công nghệ đánh bắt. |
Hoàng Sơn
>> Tàu cá chìm ở Hoàng Sa, 11 ngư dân được cứu kịp thời
>> Ngư dân vẫn kiên cường giữ biển Hoàng Sa
>> Kéo tàu cá và 11 ngư dân gặp nạn ngoài biển vào bờ
>> Ủng hộ Cảnh sát biển và ngư dân
>> Ứng cứu ngư dân
>> Chuyển giao thiết bị và công nghệ cho ngư dân
>> Ngư dân tố cáo bị tàu Trung Quốc đâm thủng tàu
Bình luận (0)