Trong bối cảnh khó khăn tiếp tục bủa vây thị trường ô tô trong nước; SUV đô thị (với mức giá dễ tiếp cận, cùng kiểu dáng, công năng hợp với nhu cầu của số đông người dùng) tiếp tục là phân khúc xe đóng vai trò "đầu tàu" doanh số, dẫn dắt thị trường tìm lại đà hồi phục.
Xe Hàn vượt xe Nhật ở phân khúc SUV đô thị
Thống kê từ số liệu bán hàng vừa được Hiệp hội Các nhà sản ô tô Việt Nam (VAMA) và TC Motor - đơn vị sản xuất và phân phối các dòng xe Hyundai tại Việt Nam công bố cho thấy, khép lại tháng 7.2024, toàn phân khúc này đã bán ra tổng cộng 6.444 xe. Doanh số này tăng gần 1.600 xe, tương đương hơn 28% so với tháng trước. Đồng thời tiếp tục là phân khúc xe có đóng góp lớn nhất vào doanh số chung của thị trường, khi chiếm đến gần 19% thị phần.
Đáng chú ý, thành tích ấn tượng của nhóm xe SUV đô thị tháng qua dựa nhiều vào màn "tỏa sáng" của tân binh Mitsubishi Xforce, với 1.748 xe đến tay khách hàng. So với tháng 6, doanh số này tăng gần gấp đôi. Đồng thời, chiếm hơn 27% trên tổng lượng SUV đô thị bán ra trên cả nước.
Bên cạnh Mitsubishi Xforce, hai mẫu xe khác cũng ghi nhận kết quả tích cực trong tháng 7 là Toyota Yaris Cross và Honda HR-V. Cụ thể, Toyota Yaris Cross bán ra 1.242 xe, tăng 431 xe so với tháng 6. Kết quả này giúp mẫu xe Nhật tiếp tục xếp vị trí thứ 2 trên bảng xếp hạng doanh số tháng ở phân khúc, chỉ sau Mitsubishi Xforce. Trong khi, Honda HR-V cũng giao đến tay khách hàng 682 xe trong tháng vừa qua, tăng 445 xe, tương đương hơn 65%. Đồng thời vươn lên vị trí thứ 4, xếp sau mẫu xe Hàn Quốc - Hyundai Creta (686 xe).
Ở nhóm xe còn lại, hai mẫu xe của Kia (Seltos và Sonet) phần nào gây thất vọng khi chứng kiến doanh số giảm sút, bất chấp việc vừa trình làng bản nâng cấp mới. Kia Seltos kết thúc tháng với 526 xe bán ra, giảm 61 xe so với tháng trước. Trong khi đó, "đàn em" Sonet thậm chí còn "bết bát" hơn, khi chỉ bàn giao được 492 xe, giảm 109 xe.
Mặc dù vậy, đại diện hãng xe này chia sẻ, kết quả bán hàng tháng 7.2024 không phản ánh hết thực tế. Lý do là bởi doanh số bộ đôi xe Hàn Quốc tháng vừa qua chịu tác động lớn từ tâm lý "chờ" của khách hàng mua xe lắp ráp trong nước. Thực tế, nhiều nhân viên tư vấn bán hàng tại các đại lý Kia khi được hỏi cũng thừa nhận, hiện vẫn đang có khá nhiều "đơn hàng treo". Khách hàng chỉ mới đặt cọc chứ nhất định chưa chịu nhận xe nhằm đợi "ưu đãi kép" từ chính sách giảm lệ phí trước bạ.
Ở cuộc đua doanh số năm, tính đến hết tháng 7, nhóm xe xuất xứ từ Nhật Bản vẫn đang chiếm lợi thế so với xe Hàn Quốc khi ghi nhận lượng xe bán ra cộng dồn ở mức 20.874 xe, chiếm đến gần 63% thị phần. Trong đó, Mitsubishi Xforce và Toyota Yaris Cross vẫn là hai mẫu xe "trụ cột".
Mẫu xe nhà Mitsubishi dù mới chỉ bắt đầu bàn giao xe từ tháng 3.2024, nhưng đến hết tháng 7 đã đạt lũy kế 5.638 xe, xếp đầu phân khúc với gần 26% thị phần. Các chuyên gia trong ngành ô tô nhận định, so với đối thủ cùng phân khúc, Xforce sở hữu lợi thế về thiết kế nhờ ngôn ngữ Dynamic Shied (đã làm nên thành công của "đàn anh" Xpander). Cùng với đó là giá bán hấp dẫn, chỉ khởi điểm từ 599 triệu đồng, ngang ngửa các đối thủ xe Hàn Quốc, dù Xforce mang "mác" xe Nhật và phân phối theo diện nhập khẩu từ Indonesia.
Trong khi đó, mẫu xe "đồng hương" Toyota Yaris Cross sau giai đoạn đầu năm chỉ ghi nhận doanh số ở mức cầm chừng, những tháng gần đây cũng bắt đầu tăng tốc và đạt doanh số cộng dồn đến thời điểm hiện tại ở mức gần 5.000 xe.
Ngoài bộ đôi kể trên, nhóm xe Nhật ở phân khúc SUV đô thị còn một số cái tên nổi bật khác như Honda HR-V (lũy kế 3.116 xe), Toyota Corolla Cross (lũy kế 2.699 xe) hay Toyota Raize (lũy kế 2.360 xe).
Bình luận (0)