Suy nghĩ về trách nhiệm nhà báo khi tham gia mạng xã hội

20/06/2017 14:59 GMT+7

Đội ngũ nhà báo tham gia vào mạng xã hội và trách nhiệm của nhà báo khi tham gia vào mạng xã hội như thế nào. Đây là điều rất cần xem xét, suy nghĩ ở trên cả góc độ quản lý và góc độ đạo đức.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng đã đặt vấn đề này tại hội nghị giao ban báo chí định kỳ sáng nay 20.6, khi ông thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư T.Ư Đảng, lãnh đạo Ban Tuyên giáo T.Ư tới chúc mừng các cơ quan báo chí, đội ngũ những người làm báo, nhân dịp kỷ niệm 92 năm Ngày báo chí cách mạng (21.6.1925-21.6.2017).
Theo Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, từ khi tờ báo Thanh Niên, tờ báo đầu tiên của báo chí cách mạng Việt Nam ra đời, cho tới ngày hôm nay, báo chí luôn đồng hành cùng sự nghiệp cách mạng của dân tộc, của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng và báo chí đã góp phần rất tích cực vào công cuộc giải phóng dân tộc, cũng như đấu tranh xây dựng bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong giai đoạn vừa qua, góp phần rất lớn đem đến thành tựu chung của đất nước, của dân tộc.
Khẳng định những kết quả quan trọng đạt được trên tất cả mọi lĩnh vực trong 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng vừa qua luôn có sự tham gia rất tích cực, sự đồng hành rất tích cực của báo chí, song ông Võ Văn Thưởng thẳng thắn nhìn nhận, còn nhiều chuyện báo chí cần phải nỗ lực và cố gắng hơn, và kỷ niệm 92 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam cũng là dịp để báo chí soi rọi sứ mệnh, trách nhiệm những người làm báo, để thấy “nếu chúng ta nỗ lực và cố gắng hơn thì chúng ta sẽ làm tốt hơn”.
Theo đó, có 5 nhóm vấn đề lớn mà ông Võ Văn Thưởng đặt ra với lãnh đạo các cơ quan báo chí, đội ngũ những người làm báo, từ các vấn đề về trách nhiệm của cơ quan chủ quản của báo chí; đội ngũ cán bộ báo chí; bản lĩnh của cơ quan báo chí và tính chuyên nghiệp; đổi mới giao ban báo chí; cho đến mối quan hệ giữa báo chí và mạng xã hội.
Viết báo một đằng, viết mạng một nẻo
Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư khẳng định mối quan hệ giữa báo chí và mạng xã hội là vấn đề mà chắc là tờ báo nào, người làm báo nào cũng quan tâm.
Dẫn thực tế vừa qua có những tờ báo bị mạng xã hội dẫn dắt, có những tờ báo sau khi đưa tin xong thì mạng xã hội hoan hô tờ báo A, tờ báo B vì đã chứng minh chuyện mạng xã hội đưa là đúng, ông Võ Văn Thưởng đặt vấn đề về trách nhiệm của nhà báo khi tham gia vào mạng xã hội.
“Ở đây, tôi muốn nói đến vấn đề liên quan tới việc đội ngũ nhà báo chúng ta tham gia vào mạng xã hội và trách nhiệm của nhà báo khi tham gia vào mạng xã hội như thế nào. Đây là điều rất cần phải xem xét, phải suy nghĩ ở trên cả 2 góc độ: góc độ quản lý và góc độ đạo đức”, ông Võ Văn Thưởng nói.
Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư đặt câu hỏi về góc độ quản lý với đội ngũ người làm báo rằng, “chúng ta suy nghĩ như thế nào khi phóng viên của một tờ báo A, tờ báo B, tờ báo C tham gia mạng xã hội thì nói hoàn toàn khác ngược với điều mà anh ta nói trên tờ báo. Người ta cảm thấy cái anh phóng viên Nguyễn Văn A với anh phóng viên Nguyễn Văn A viết mạng xã hội là 2 con người khác nhau, khác nhau về nhận thức, khác nhau về tư cách, khác nhau về cách nhìn nhận vấn đề. Nó không phải là biểu hiện của một con người đa nhân cách, mà nó giống như là 2 mặt”.
Từ ví dụ điển hình này, ông Võ Văn Thưởng cho rằng, Bộ Thông tin - Truyền thông, rồi các tờ báo, cần suy nghĩ có quy định quy chế các phóng viên tham gia vào mạng xã hội thế nào.
Đề cập đến khía cạnh đạo đức của nhà báo khi tham gia mạng xã hội, theo ông Võ Văn Thưởng, cần nhìn ở khía cạnh là nhà báo nên tham gia thế nào để thực sự là một con người của cộng đồng, vì nhà báo cũng có sứ mệnh dẫn dắt định hướng, mỗi lời lẽ viết ra có tác động đến nhiều người thì tham gia thế nào để cho nó vừa phải.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.