Bởi muốn tổ chức giải đấu hoặc trận đấu quan trọng, sân vận động (SVĐ) phải đáp ứng không chỉ những yêu cầu thuần túy thể thao. Ví dụ phải có bao nhiêu khách sạn 5 sao, bao nhiêu phòng, trong vòng bán kính bao nhiêu cây số. Vấn đề giao thông ở khu vực sân bóng và cả những khu lân cận cụ thể là như thế nào. Khả năng “giải tán đám đông” (bao nhiêu người, bao nhiêu xe) trong vòng 15 phút là như thế nào…
Sân Gelora Bung Karno của Indonesia từng được AFC công nhận là “SVĐ được yêu thích nhất Đông Nam Á” |
PSSI |
Tất cả đều được FIFA (hoặc các tổ chức tương tự, tùy sự kiện) in sẵn trong các tài liệu hàng trăm trang. Vấn đề ở đây không phải là “chủ sân” phải đọc cho kỳ hết, mà là phải làm sao bảo đảm tình trạng “đạt tiêu chuẩn” về mọi mặt, cho sân bóng trong cuộc.
Cách đây không lâu, đội bóng nhỏ Leicester bất ngờ vô địch Premier League. Làm sao để biết sân nhà King Power của họ đủ tư cách tổ chức các trận đấu ở Champions League? Leicester rước hẳn một đội chuyên viên UEFA sang kiểm tra mức độ đạt chuẩn. Họ ngã ngửa trước cơ man “tiểu tiết” mà các chuyên viên kiểm tra: từ nhà vệ sinh phải có bao nhiêu bồn cầu cho đến tương quan về khoảng cách giữa sân bóng, sân bay và các khách sạn 5 sao trong thành phố. Tất nhiên, Champions League khác với World Cup hoặc Asian Cup. Chỗ tương đồng là phải tham khảo quy định về tiêu chuẩn của các sự kiện có liên quan trước khi xây sân. Thông thường, SVĐ quốc gia phải được xây ở (hoặc gần) đô thị lớn, mà ở đây chủ yếu là “lớn” về kinh tế.
Trong khi vấn đề “tiêu chuẩn” là để đáp ứng điều lệ của các sự kiện lớn có liên quan, thì trong khía cạnh bóng đá thuần túy, “phần hồn” của sân lại là một câu chuyện khác. Vào năm 2018, sân Bukit Jalil của Malaysia được Tổ chức World Stadium Congress trao giải “SVĐ số 1 thế giới trong năm” (qua mặt SVĐ Stade de France của Pháp). Nhưng 2 năm sau, AFC lại công nhận Gelora Bung Karno (GBK) của Indonesia là “SVĐ được yêu thích nhất Đông Nam Á”. Bukit Jalil thậm chí không vào nổi “top 4” trong cuộc bình chọn này. Đây là do nhãn quan và tiêu chí bình chọn khác nhau.
Sân GBK của Indonesia tự hào về bầu không khí bóng đá cuồng nhiệt, đi liền với mức độ an toàn rất cao (80.000 khán giả rời sân dễ dàng trong 15 phút). Sân Bukit Jalil lại tự hào ở công năng phục vụ “không vắng khách ngày nào” của nó. Tại đấy, luôn có những chuỗi dài sự kiện mua sắm, giải trí, ẩm thực, tham quan… Hãy tưởng tượng: SVĐ quốc gia phải “làm gì”, nếu như mỗi năm nó chỉ tổ chức khoảng chục trận đấu (thậm chí ít hơn)?
Sân Bukit Jalil của Malaysia |
the star |
Tùy mục tiêu và hoàn cảnh cụ thể của từng nơi, có khi những quyết định liên quan đến việc xây SVĐ quốc gia lại chẳng liên quan nhiều đến các vấn đề thể thao. Nhất là ở những nơi đang phát triển, nơi chưa phải là cường quốc bóng đá, hoặc nơi có diện tích nhỏ. Trong nhiều trường hợp, SVĐ quốc gia sẽ trở thành một địa điểm văn hóa, với những ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống thường nhật của cư dân, hơn là phục vụ những cuộc tranh tài đỉnh cao. Đây là vấn đề quan trọng mà Singapore từng hướng đến khi xây lại SVĐ quốc gia vào năm 2014.
SVĐ quốc gia của Singapore, nằm trong một quần thể thể thao ở Kallang, không còn là một sân bóng với “tinh thần bóng đá” đậm đặc nữa, mà là một dạng trung tâm văn hóa thể thao, phục vụ đời sống tinh thần nói chung của cư dân bên cạnh công năng thể thao đa môn của nó. Ở những nơi “tấc đất tấc vàng”, người ta còn phải quan tâm giá đất và quỹ đất nữa. Sân quá lớn chưa chắc đã hay, trong khi sân quá nhỏ thì lại không đủ tầm vóc thể thao!
SVĐ quốc gia có trở thành bộ mặt hay biểu tượng cho cả một nền bóng đá nói riêng hoặc thể thao nói chung hay không là tùy vào mục đích cũng như những phương án, lựa chọn, ngay từ trước khi nó hình thành. Có những siêu cường bóng đá… không chọn lựa gì cả, vì cho rằng sân nào cũng là nhà.
Bình luận (0)