Thế nhưng, chỉ vì hám lợi, một số doanh nghiệp lại nhập khẩu gạo thấp cấp của Ấn Độ về dán mác gạo Việt để xuất khẩu cũng như bán cho người tiêu dùng trong nước.
Có thể nói, chưa bao giờ gạo Việt lại được cả “tiếng lẫn miếng” như hiện nay. Đầu tiên là gạo ST25 được giải Gạo ngon nhất thế giới, cơ hội để chúng ta xây dựng thương hiệu cho gạo Việt. Cũng ngay những ngày đầu năm nay, khi Hiệp định thương mại Việt - Anh có hiệu lực, hàng trăm tấn gạo Việt đã được xuất khẩu sang Anh với giá tốt.
Thừa thắng xông lên, giá gạo Việt nhiều thời điểm đạt mức cao nhất thế giới, vượt qua Thái Lan, quốc gia thống trị vị trí này nhiều năm. Không hề quá lời khi nói rằng, trong bối cảnh dịch bệnh, gạo là mặt hàng tận dụng rất tốt các hiệp định thương mại để mở rộng thị trường, tăng cả lượng và giá.
Đáng tiếc là niềm vui chưa kịp trọn khi một số doanh nghiệp tận dụng ngay vị thế mới của gạo Việt để gian lận thương mại. Chỉ trong 3 tháng đầu năm, số tiền mà VN bỏ ra nhập khẩu gạo Ấn Độ tăng gấp... 554 lần so với cùng kỳ. Thế nhưng, tìm đỏ mắt trên thị trường, rất khó thấy gạo xuất xứ Ấn Độ.
Đáng sợ hơn, một doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết, đối tác ở Trung Đông phản ảnh, họ nhập gạo từ VN nhưng chất lượng giống gạo Ấn Độ mà họ mua trước đó. Bộ Công thương ngay lập tức đã vào cuộc thanh, kiểm tra các doanh nghiệp nhập khẩu gạo Ấn Độ. Dù chưa thấy công bố kết quả nhưng câu trả lời cho hàng trăm ngàn tấn gạo thấp cấp của Ấn Độ được hải quan ghi nhận nhập vào VN đi đâu, đã có một phần đáp án. Thế nhưng, từ câu chuyện này có một số vấn đề phải siết lại.
Đầu tiên về quản lý, chúng ta có số liệu nhập khẩu hằng tháng, hằng quý. Khi nhận thấy có dấu hiệu bất thường, cần phải vào cuộc ngay để kiểm soát tình hình. Vẫn biết rằng trong hội nhập thì dù chúng ta sản xuất dư gạo để ăn thì gạo ngoại vẫn có mặt và người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn.
Thế nhưng, là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới mà nhập ồ ạt gạo thấp cấp của Ấn Độ, chưa kể hải quan đã túm ngay nhiều lô gạo nhập từ Ấn Độ, nhưng dán mác VN thì rõ ràng là có vấn đề.
Thứ hai là chế tài, với những lô hàng và doanh nghiệp phát hiện nhập gạo Ấn dán nhãn mác gạo Việt cơ quan hải quan xác định đó là hành vi gian lận thương mại, gian lận xuất xứ song một số quy định và đơn vị có thẩm quyền lại cho rằng chưa đủ cơ sở để xác lập hành vi vi phạm... Và rất có thể, lại chỉ phạt hành chính một số tiền không đáng là bao so với nguồn lợi nhuận họ thu được nếu các phi vụ này trót lọt. Nhưng như nói trên, việc gian lận xuất xứ này có ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh, uy tín của gạo Việt mà chúng ta xây dựng, phát triển nhiều thập kỷ qua. Ảnh hưởng đến nỗ lực của Chính phủ mở các cơ hội xuất khẩu gạo vào các thị trường khó tính thông qua đàm phán, ký kết những hiệp định thương mại...
Vì vậy, phải chế tài thật mạnh, rút giấy phép thẳng tay với các doanh nghiệp này bởi sau gạo, sẽ là rất nhiều nông sản khác vừa mới mở được cánh cửa đi ra thế giới.
Bình luận (0)