Chính quyền hỗ trợ dân rất mừng, nhưng lo lắng về chuyện hỗ trợ có đến được tay người thật sự cần hỗ trợ cũng là băn khoăn tức thì trong dư luận như một nỗi niềm đầy trắc ẩn.
Đợt lây lan dịch Covid-19 lần này đẩy nhiều đối tượng dễ bị tổn thương về sinh kế vào hoàn cảnh khó khăn nghiêm trọng, nếu không muốn nói là ngặt nghèo. Vậy nên trong danh sách 6 đối tượng được hưởng hỗ trợ, nên đặc biệt quan tâm đến những đối tượng mà họ vừa bị ảnh hưởng nghiêm trọng về sinh kế do dịch bệnh lại vừa là đối tượng yếu thế về khía cạnh pháp lý, có thể dễ dàng bị gạt ra ngoài lề của các kế hoạch hỗ trợ chính thức.
Chính quyền TP.HCM đã xác định đúng và trúng đối tượng rất cần sự hỗ trợ này, đồng thời dự kiến con số 230.000 người. Họ là những người lao động tự do, đa số không được đào tạo chuyên môn kỹ thuật, làm việc thuộc khu vực kinh tế phi chính thức, có việc làm bấp bênh, thiếu ổn định, thu nhập thấp, thời gian làm việc dài, thường không được chi trả các chế độ phụ cấp và các khoản đảm bảo an sinh xã hội. Không ít người không hộ khẩu, thậm chí còn không biết ký tên vào một tờ đơn, nhưng lại là người thật sự cần được giúp đỡ nhất.
Vậy thì cố gắng đừng để họ trông đợi rồi thất vọng, đừng để họ lâm cảnh tìm đến địa chỉ giải quyết hỗ trợ rồi ngậm ngùi quay về bởi cái lắc đầu máy móc và vô cảm của những người giải quyết thủ tục. Tiếp cận dựa trên hoàn cảnh là điều phải được xem trọng hơn là tiếp cận dựa trên hồ sơ thủ tục thuần túy. Những lúc như thế này, dựa vào cộng đồng, dựa vào bộ máy chính quyền cấp cơ sở, cấp “tế bào” sẽ giải quyết được vấn đề hiệu quả hơn.
Thông tin đề xuất từ tổ dân phố, từ cảnh sát khu vực, thông qua cơ chế rà soát, giám sát chéo, xác nhận của hàng xóm đều có thể cung cấp những xác nhận hữu ích và tin cậy để giúp những người cần được giúp đỡ nhất lọt được vào danh sách hỗ trợ. Tỷ lệ bỏ sót người cần hỗ trợ sẽ giảm, những nỗi niềm ngậm ngùi sẽ vơi đi trong lòng dân, và niềm tin vào chính quyền sẽ ấm áp hơn trong bối cảnh dịch bệnh đang gieo rắc những nỗi lo âu canh cánh trong lòng.
886 tỉ đồng ở một góc nhìn khác so với con số đóng góp vào nguồn thu ngân sách 371.000 tỉ đồng trong năm 2020 thì gói cứu trợ này chỉ chiếm tỷ lệ 0,24%. Còn so với con số 18% thu ngân sách được giữ lại cho thành phố (tương đương gần 67.000 tỉ đồng) thì gói hỗ trợ này chiếm tỷ lệ 1,33%.
Đó có thể nói là con số không lớn, nhưng cũng đã là con số rất đáng ghi nhận trong bối cảnh chính quyền TP.HCM phải căng nguồn lực ngân sách địa phương ra để gồng mình chống dịch suốt từ năm ngoái đến nay. Trung ương cũng nên điều chỉnh nguồn lực chung để tiếp sức cho chính quyền TP.HCM vượt qua thử thách lần này, bởi phía trước vẫn là một chặng đường dài khó lường mà thành phố đầu tàu kinh tế của đất nước phải băng qua để tiếp tục giữ cột trụ phát triển. “Chân trụ” mất thăng bằng thì nền kinh tế đất nước rất dễ rơi vào kịch bản bị “đốn ngã”.
Bình luận (0)