Tắc vốn 'công - tư PPP'

Anh Vũ
Anh Vũ
11/11/2019 07:40 GMT+7

Vấn đề đáng lo ngại hơn cả mà Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng chưa đề cập là vấn đề đói vốn đối với các dự án PPP.

Nợ xấu; cơ chế bảo lãnh doanh thu, chuyển đổi ngoại tệ là “nút thắt” vốn, nếu không khơi thông được thì dự thảo luật Đối tác công tư (PPP) dù có ban hành, theo các chuyên gia vẫn rất khó để giải quyết bài toán “dân kêu phí cao, nhà đầu tư kêu lỗ, ngân hàng báo nợ xấu” suốt thời gian qua.

Ngân hàng "run rẩy" vì nợ xấu BOT

Hôm nay (11.11), Quốc hội (QH) sẽ thảo luận về dự án luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo luật PPP được bố cục thành 11 chương với 102 điều, luật hóa các quy định nghị định, thông tư để khơi thông dòng vốn đầu tư theo hình thức này.
Số liệu ông Dũng cung cấp cho thấy, tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có 336 dự án PPP đã ký kết hợp đồng. Trong đó, 140 dự án áp dụng loại hợp đồng BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao), 188 dự án áp dụng loại hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) và 8 dự án áp dụng các loại hợp đồng khác. Nền kinh tế đã huy động được khoảng hơn 1,6 triệu tỉ đồng vào đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng quốc gia.
Người đứng đầu Bộ KH-ĐT khẳng định, bên cạnh các kết quả đạt được, thực tiễn cho thấy việc triển khai còn một số tồn tại, bất cập. Hầu hết các dự án được thực hiện kiểm toán đều áp dụng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn nhà đầu tư, tiềm ẩn rủi ro lãng phí, thất thoát và chọn nhà đầu tư không có đủ năng lực thực hiện dự án. Việc công bố dự án, danh mục dự án chưa được thực hiện nghiêm túc, công khai. Công tác giám sát trong quá trình thực hiện hợp đồng còn lỏng lẻo. Bất cập về mức phí, vị trí đặt trạm thu phí, thời gian thu phí.
Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại hơn cả mà ông Dũng chưa đề cập là vấn đề đói vốn đối với các dự án PPP. Trao đổi với Thanh Niên, tổng giám đốc một ngân hàng TMCP tại Hà Nội, nói thẳng ngân hàng ông đang cho vay 2 dự án BOT làm đường cao tốc, song điều mà ông ngán nhất là các chủ đầu tư toàn "tay không bắt giặc". “Doanh nghiệp nào đầu tư cũng phải đi vay, nhưng với các dự án BOT, họ toàn làm theo kiểu mỡ nó rán nó. Có dự án thì đi vay vốn ngân hàng, tiền đối ứng không có mà đẩy cho các nhà thầu chứ cũng chả bỏ ra đồng nào”, lãnh đạo này cho biết.
Thực tế tình trạng này cũng đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng báo cáo tại kỳ họp thứ 8, QH khóa 14 đang diễn ra khi có nhiều dự án BOT, BT giao thông đã hoàn thành, đi vào khai thác có doanh thu không đạt như phương án tài chính ban đầu. Hiện có khoảng 53.000 tỉ đồng dư nợ tín dụng nguy cơ phải cơ cấu nợ, phát sinh nợ xấu cho các ngân hàng thương mại.

Gỡ nút thắt bảo lãnh

Trong dự thảo luật lần này, ngoài các vấn đề đấu thầu, minh bạch, giám sát, thủ tục đầu tư… các chuyên gia cho rằng, quan trọng nhất phải tháo gỡ cơ chế bảo lãnh doanh thu, bảo lãnh ngoại tệ để hút được vốn của tư nhân, đặc biệt của nhà đầu tư nước ngoài tránh việc quá phụ thuộc vào vốn ngân hàng.
ĐB Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) cho biết muốn các nhà đầu tư ở nước ngoài vào thì phải bảo lãnh doanh thu và bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ ra nước ngoài.
Cả hai nội dung này lần trước không làm được nên suốt thời gian qua không thu hút được. Trong khi nguồn vốn tín dụng của ngân hàng đang “kịch trần” vì rất nhiều nhà băng không thể cho vay thêm do dư địa đã hết, ngoài ra nợ xấu đang tiềm ẩn rủi ro cao.
“Phải thu hút thêm nguồn vốn của tư nhân, đặc biệt nước ngoài. Phải luật hóa được quy định bảo lãnh ngoại tệ, bảo lãnh doanh thu cho nhà đầu tư. Đây là hai điểm mới nhất của dự thảo luật cần phải thảo luận”, ĐB Sinh cho biết.
Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng giám đốc Tổng công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam - chủ đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cũng khẳng định, đây là lý do khiến việc nhượng quyền thu phí dự án này thất bại vì đối tác nước ngoài yêu cầu phải có bảo lãnh doanh thu và bảo lãnh ngoại tệ do quy định hiện hành gây rủi ro lớn cho nhà đầu tư.
Theo các chuyên gia, phải có cơ chế bảo lãnh doanh thu, buộc nhà đầu tư điều chỉnh giảm mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ công hoặc rút ngắn thời hạn hợp đồng PPP trong trường hợp doanh thu thực tế vượt quá doanh thu trong phương án tài chính quy định tại hợp đồng.
Ngược lại, điều chỉnh tăng mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ công hoặc gia hạn thời hạn hợp đồng PPP trong trường hợp doanh thu thực tế thấp hơn doanh thu trong phương án tài chính quy định tại hợp đồng. Đối với một số dự án trọng điểm, Chính phủ phải cam kết chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP không quá 50% phần hụt thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng.
Trong khi đó, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP cam kết chia sẻ với Chính phủ không thấp hơn 50% phần tăng thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng. Cơ chế chia sẻ rủi ro giữa các bên, đồng thời minh bạch, công khai với người dân chắc chắn sẽ thu hút được nguồn vốn tư nhân tham gia vào các dự án mạnh mẽ và hiệu quả hơn.

Quốc hội thông qua nghị quyết kinh tế xã hội, dự toán ngân sách năm 2020 trong tuần này

Sáng nay, 11.11, tiếp tục chương trình kỳ họp 8, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Vào ngày thứ ba, 12.11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 và vào thứ năm, 14.11, Quốc hội cũng sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách T.Ư năm 2020.
Lê Hiệp 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.