2 tháng giãn cách xã hội, 300.000 lao động ngành thủy sản mất việc làm

17/09/2021 15:37 GMT+7

Trong 2 tháng giãn cách xã hội phòng dịch Covid-19 , Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) ước tính có 300.000 lao động mất việc làm khi các nhà máy thu hẹp sản xuất hoặc tạm ngừng hoạt động.

Đó là thông tin ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký VASEP, chia sẻ tại hội nghị tháo gỡ khó khăn, phục hồi chế biến, xuất khẩu nông sản, thủy sản sau giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, do Bộ NN-PTNT tổ chức ngày 17.9.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, TP.HCM và 18 tỉnh tỉnh phía nam (bao gồm các tỉnh từ nam Trung bộ đổ vào Nam bộ) là vùng trọng điểm của ngành thủy sản Việt Nam, chiếm 90 - 95% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn quốc, cũng như lực lượng lao động của ngành hàng ngày.
Khảo sát của VASEP trong tháng 7 và tháng 8, khi TP.HCM và 18 tỉnh phía nam thực hiện giãn cách xã hội theo các mức độ khác nhau để phòng, chống dịch Covid-19. Doanh nghiệp và người lao động ở khu vực này gặp nhiều khó khăn và áp lực đứt gãy chuỗi sản xuất ngày càng gia tăng.
Chỉ khoảng 30% các nhà máy chế biến thủy sản từ Nam Trung bộ đổ vào các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long là sản xuất được cầm chừng nhờ mô hình “3 tại chỗ”, với 10 - 50% lao động (chủ yếu 20 - 30%), số còn lại phải nghỉ việc hoặc nghỉ không lương.
70% nhà máy phải ngừng hoạt động hoặc tạm ngừng một phần để tổ chức lại theo mô hình “3 tại chỗ”. Cần Thơ, Tiền Giang là những địa phương có nhiều doanh nghiệp phải ngừng sản xuất nhất.

TP.HCM: 161.007 ca Covid-19 xuất viện, đã tiêm hơn 8,5 triệu liều vắc xin

Chi phí "3 tại chỗ" tăng cao, doanh nghiệp lỗ nặng

Cũng theo ông Nguyễn Hoài Nam, với việc các doanh nghiệp hoạt động "cầm chừng" và "ngưng sản xuất" nêu trên, ước tính có trên 300.000 lao động trực tiếp tại các nhà máy chế biến thủy sản mất việc làm và ít nhất số lượng tương tự nữa cho các lực lượng lao động trong chuỗi sản xuất thủy sản liên quan bị tác động theo do giãn cách, ngừng sản xuất (gồm ngư dân khai thác biển, nông dân nuôi cá tôm, cung ứng bao bì, cung ứng vật tư, các dịch vụ hậu cần cảng, nghề cá…).
Khảo sát của VASEP cũng cho thấy, công suất sản xuất chung của cả vùng giảm 30 - 35%, riêng ngành cá tra chỉ đạt dưới 20% công suất.
Cũng theo đại diện của VASEP, một áp lực căng thẳng khác mà doanhg nghiệp ngành này đang phải đối mặt là trong khi sản xuất bị sụt giảm, nhiều đơn hàng phải gác lại hoặc bị mất thì chi phí cho doanh nghiệp đảm bảo được “3 tại chỗ” lại tăng vọt và đang tạo áp lực lớn.
Đó là các chi phí xét nghiệm hàng tuần cho công nhân, chi phí trang bị các điều kiện cho công nhân ăn, ngủ,làm việc tại nhà máy tăng 50 - 100%; chi phí trả thêm lương công nhân ở lại nhà máy tăng 30 - 50%; trả lương và chi phí hỗ trợ người lao động nghỉ việc, chi phí bao bì, vật tư tăng cao, chi phí điện sản xuất và duy trì kho đông lạnh trữ hàng.
Ở các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, đặc biệt thời gian này gặp rất nhiều khó khăn về cước tàu biển liên tục tăng từ 2 - 3 đến 10 lần (tùy tuyến châu Á, châu Âu, hay châu Mỹ...) dẫn đến chi phí chung cho sản xuất tăng rất cao, trong khi hiệu quả sản xuất kinh doanh giảm.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, ở nhóm doanh nghiệp sản xuất “3 tại chỗ”, giá thành trên đơn vị sản phẩm đã tăng 10 - 25% tùy theo loại sản phẩm (tôm, cá tra, cá ngừ, hải sản..). Theo tính toán sơ bộ của VASEP, một doanh nghiệp thủy sản trung bình sẽ lỗ khoảng 30%/tháng nếu duy trì sản xuất với chỉ 1/3 công suất và sẽ thiệt hại 50 - 55%/tháng nếu ngừng sản xuất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.