Bờ tây sông Sài Gòn được xây cao nhất

Đình Sơn
Đình Sơn
23/08/2019 06:35 GMT+7

UBND TP.HCM đã giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất phân nhóm các công trình về số tầng cao tối đa được phép xây dựng trong khu trung tâm hiện hữu 930 ha.

Người dân có thể tự biết được xây cao bao nhiêu ?

Theo Quy chế quản lý không gian, kiến trúc cảnh quan đô thị 930 ha, khu vực được xây cao nhất là những công trình trong khu chức năng số 3, gọi là khu bờ tây sông Sài Gòn với tòa nhà cao nhất VN là Landmark 81, chiều cao 230 m. Khu vực Tân Cảng, gần đường Điện Biên Phủ (ngay đầu cầu Sài Gòn) là một trong những ô phố có hệ số sử dụng đất cao nhất. Nhiều vị trí khác trong khu vực này cũng được cho phép xây dựng cao 80 - 150 m. Riêng khu vực giáp bờ sông được bố trí thấp tầng với độ cao khoảng 6 m.
Tương tự, nhiều ô phố trong khu Ba Son cho phép xây dựng cao tối đa 180 - 220 m, nhưng những ô đất gần các tòa nhà cần bảo tồn và bờ sông Sài Gòn chỉ được xây dựng với độ cao 15 - 35 m. Tại khu vực lõi trung tâm 930 ha là các ô phố Hồ Huấn Nghiệp - Đồng Khởi - Ngô Đức Kế có tầng cao tối đa 150 m. Còn 7 ô phố thuộc phân khu 4 như Trương Định - Nguyễn Đình Chiểu - Bà Huyện Thanh Quan - Nguyễn Thị Diệu tầng cao tối đa 25 m...
Theo ông Hoàng Tùng, Phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, với Quy chế quản lý kiến trúc đô thị, người dân có thể tự tìm hiểu thông tin để biết hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng, khoảng lùi... của thửa đất nhà mình. Sau đó đối chiếu thêm các điều kiện được quy định tại chương về nguyên tắc chung như: diện tích, kích thước khu đất, lộ giới đường hẻm... để suy ra chỉ tiêu của công trình như tầng cao tối đa được phép xây dựng.
Hiện nay việc cấp phép xây dựng, quản lý quy hoạch trong khu 930 ha cho người dân, doanh nghiệp vẫn diễn ra bình thường theo đúng các quy định. Do đã có quy chế quản lý kiến trúc thì người dân không cần phải xin cung cấp thông tin quy hoạch mới biết khu đất của mình được phép xây dựng như trước đây.

“Chiêu” lách quy định

Một lãnh đạo Sở Xây dựng TP.HCM cho biết khu 930 ha là “hạt nhân” của TP, nơi tập trung các công trình có chức năng thương mại - tài chính khách sạn, du lịch và hành chính, dịch vụ công... nên có vai trò đặc biệt quan trọng. Ngay sau khi duyệt quy hoạch 1/2.000, TP đã ban hành Quy chế quản lý kiến trúc để triển khai và hiện đã sang giai đoạn thiết kế xây dựng. Đáng nói, trong quá trình tiếp nhận hồ sơ dự án xin triển khai xây dựng trong khu này, Sở đã phát hiện vấn đề cực kỳ đáng lo ngại khi nhiều chủ đầu tư đã “khoét lỗ” để lách, tăng số tầng.
Theo đó, họ tạo ô trống ở sàn của mỗi tầng nhằm đáp ứng mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất theo quy chế để tăng số tầng cao hơn. Điều này dẫn tới bố cục mặt bằng các tầng không hợp lý, không còn công năng sử dụng theo chức năng công trình. Đáng lo hơn, thiết kế đó dẫn tới khó phân khoang chữa cháy, chống khói, thoát nạn theo quy định.
“Sau khi được duyệt, xây và nghiệm thu xong công trình nêu trên, để đảm bảo và tận dụng tối đa diện tích sử dụng “tấc vàng”, các chủ đầu tư sẽ lại lấp các ô trống ở các sàn nhà cao tầng bằng vật liệu lắp ghép công nghệ cao. Những vật liệu xây dựng lắp ghép dù trái phép nhưng thi công rất nhanh, trong khi công trình đã được cấp phép, nghiệm thu sử dụng sẽ khiến thanh tra xây dựng... bó tay vì không còn chức năng kiểm tra công trình. Những bất cập sẽ dẫn tới phá vỡ quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt, tiềm ẩn nguy cơ cháy lan, cháy lớn”, vị này tiết lộ.
Liên quan điều này, UBND TP.HCM đã yêu cầu Sở Quy hoạch - Kiến trúc phân nhóm các công trình về số tầng cao tối đa được phép xây dựng trong khu 930 ha nhằm ngăn chặn các chủ đầu tư và đơn vị tư vấn sử dụng chiêu chừa trống các ô sàn như nói trên nhằm đảm bảo quy hoạch và an toàn trong sử dụng.

Khu trung tâm 930 ha được phân làm 5 khu

Phân khu 1: Lõi trung tâm thương mại tài chính được giới hạn bởi các tuyến đường Tôn Đức Thắng, Lê Lai, Lê Thánh Tôn, Phạm Ngũ Lão và Hàm Nghi. Diện tích: 92,3 ha, dân số dự kiến 31.800 người.
Phân khu 2: Trung tâm văn hóa - lịch sử, từ rạch Thị Nghè tới đường Hoàng Sa, Nguyễn Thị Minh Khai, Cống Quỳnh, Lê Lai và Lê Thánh Tôn. Diện tích 212,2 ha, dân số dự kiến 42.700 người.
Phân khu 3: Khu bờ tây sông Sài Gòn, từ cầu Sài Gòn, Nguyễn Hữu Cảnh, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Tất Thành, Kênh Tẻ tới sông Sài Gòn. Diện tích 274,8 ha, dân số dự kiến tối đa là 56.490 người.
Phân khu 4: Khu thấp tầng, từ rạch Thị Nghè, đường Hoàng Sa, Võ Thị Sáu, Cách Mạng Tháng Tám tới Nguyễn Thị Minh Khai. Diện tích 232,3 ha dân số dự kiến 74.400 người.
Phân khu 5: Khu lân cận lõi trung tâm, bắt đầu từ đường Hàm Nghi, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Thái Học, Cống Quỳnh, Hoàng Diệu, Tôn Đức Thắng và Nguyễn Tất Thành. Diện tích 117,5 ha; dân số dự kiến 42.800.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.