Cơ hội giảm nhập siêu từ Trung Quốc

17/08/2019 07:02 GMT+7

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang mở ra cơ hội cho VN giảm nhập siêu từ Trung Quốc , tăng nhập hàng hóa từ Mỹ và các thị trường khác.

Báo cáo tình hình xuất nhập khẩu 7 tháng năm 2019 của Tổng cục Thống kê cho thấy, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của VN với kim ngạch đạt 32,5 tỉ USD, tăng hơn 25% so cùng kỳ. Ở chiều nhập khẩu, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất của VN với kim ngạch lên đến 42 tỉ USD, tăng gần 17%. Như vậy chỉ trong 7 tháng đầu năm nay, VN xuất siêu 24,23 tỉ USD sang Mỹ và nhập siêu 22 tỉ USD từ Trung Quốc.

Chuyển địa bàn mua nguyên liệu

Theo Th.S Huỳnh Phước Nghĩa, Phó trưởng khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), 2 năm trở lại đây, khi thương chiến Mỹ - Trung thật sự bùng nổ, xuất khẩu từ VN sang Mỹ càng tăng trưởng mạnh.
Làm hàng giá rẻ mà DN Việt phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu giá rẻ của Trung Quốc. Nếu thay đổi tư duy này, sẽ có loạt thay đổi khác về hàng hóa, thị trường...
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh
Điều đó chứng tỏ đây là cơ hội tốt để đẩy mạnh thêm nữa xuất khẩu sang thị trường khó tính này, đặc biệt với một số ngành nghề chủ lực như nông, thủy sản. Hay như với mặt hàng gỗ, trong bối cảnh Trung Quốc cấm rừng, VN có thể nhập nguyên liệu gỗ có chứng chỉ để chế tác, gia công, rồi xuất đi Mỹ.
“Cơ hội tăng nhập nguyên liệu gỗ từ Mỹ để đưa hàng đi Mỹ và các thị trường khác là điều chắc chắn doanh nghiệp (DN) Việt xuất khẩu nhất định phải làm”, Th.S Huỳnh Phước Nghĩa nói.
Ông Nghĩa cho rằng, thương chiến Mỹ - Trung là cơ hội lớn để các DN VN giảm phụ thuộc vào Trung Quốc về nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào trong sản xuất. Trong đó, có thể tận dụng ngay là sự dịch chuyển của một số công ty đa quốc gia tại Trung Quốc đang muốn rời khỏi đất nước này bằng cách thu hút về VN, hình thành nên chuỗi giá trị để tăng chất lượng sản phẩm. Một số ngành chủ lực như gỗ, da giày, sản xuất lốp cao su, lốp xe... cũng có thể chủ động nội địa hóa nguồn nguyên liệu, thoát phụ thuộc nhập khẩu từ Trung Quốc.
Không những thế, VN còn có thể nhân cơ hội này “lật ngược thế cờ”, xuất siêu sang Trung Quốc những mặt hàng nông sản trong bối cảnh trái cây ôn đới từ các nước châu Âu đang “tránh” Trung Quốc, trái cây nhiệt đới VN hoàn toàn có cơ hội “làm bàn”.
Đồng quan điểm, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng việc giảm thặng dư thương mại với Mỹ nói riêng, giảm thâm hụt với Trung Quốc là bài toán đã được VN đưa ra từ lâu. Trong bối cảnh hiện nay, đó là yêu cầu và đòi hỏi thực tế bắt buộc chúng ta phải làm. Bởi VN đã ký kết các hiệp định tự do thương mại (FTA) như CPTPP và EVFTA với những điều khoản ràng buộc về xuất xứ hàng hóa từ trong khối. Nếu khâu nguyên vật liệu vẫn tiếp tục phụ thuộc từ Trung Quốc thì không những không tận dụng được các FTA mà còn đối diện lệnh trừng phạt từ Mỹ.
“Cơ hội VN tăng mua linh kiện điện tử, nguyên phụ liệu bằng giá đầu nguồn từ Mỹ thay vì mua từ Trung Quốc để cung cấp cho các nhà sản xuất là rất lớn. Đầu tư nước ngoài vào VN đang tăng trưởng khả quan là dấu hiệu tốt để đảo ngược cán cân thương mại giữa 2 đối tác lớn này”, ông Thịnh nói.

Không để bị biến thành trung gian tải hàng

Tuy nhiên, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cũng cảnh báo VN về 3 điều kiện để Mỹ dựa vào khi xem xét quốc gia đó có làm ảnh hưởng đến kinh tế nước Mỹ không. Đó là thặng dư thương mại với nước Mỹ trên mức 40 tỉ USD, thao túng tiền tệ và có tổng dư tài khoản vãng lai lớn quá 2%.
Trong 3 yếu tố này, VN nằm trong nguy cơ tăng thặng dư thương mại. Năm 2018, thặng dư thương mại VN với Mỹ là 35 tỉ USD. Tuy nhiên, ông Thịnh tỏ ra khá lạc quan khi nói về cơ hội VN cân bằng cán cân thương mại với 2 quốc gia này. Bởi theo ông, khi có linh kiện tốt, thêm các yếu tố khách quan là số lượng nhà đầu tư ngoại tràn vào nhiều, DN VN sẽ làm chủ được một số công đoạn nào đó trong chuỗi sản xuất toàn cầu.
“Lúc đó, cán cân thương mại Việt - Trung, Việt - Mỹ chắc chắn sẽ thay đổi. Chính khu vực DN tư nhân định hướng làm hàng có chất lượng, tầm trung trở lên, chứ không thể làm hàng rẻ tiền mãi nữa. Làm hàng giá rẻ mà DN Việt phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu giá rẻ của Trung Quốc. Nếu thay đổi tư duy này, sẽ có loạt thay đổi khác về hàng hóa, thị trường...”, ông Thịnh tin tưởng.
Thận trọng hơn, Th.S Huỳnh Phước Nghĩa đặt vấn đề do chưa thật sự chuẩn bị sẵn sàng, không có năng lực từ nguyên liệu đầu vào, từ nền tảng thiết bị, công nghệ và quan trọng nhất là tiêu chuẩn sản phẩm, VN vẫn chưa thể hấp thụ được hết cơ hội và tiềm năng để tăng mạnh xuất khẩu sang Mỹ. Chưa kể sự chuyển biến quá chậm trước diễn tiến của thương chiến đang khiến chúng ta có nguy cơ biến mình thành trung gian trong gian lận thương mại, giúp Trung Quốc “mượn đường” xuất khẩu qua Mỹ, khiến cơ hội trở thành rủi ro như bài học từ thép.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng kéo theo nhiều rủi ro, thách thức đòi hỏi DN Việt phải có chiến lược dài hạn trong thâm nhập thị trường quốc tế chứ không phải chỉ tranh thủ cơ hội từ thương chiến giữa các quốc gia. Trong đó, quan trọng nhất là thay đổi nội lực, đặc biệt là tiêu chuẩn xuất xứ, tiêu chuẩn sản phẩm, nguồn gốc sản phẩm... phải cam kết đúng các cam kết thương mại đã ký.
Muốn tận dụng cơ hội trong chiến tranh thương mại, không còn cách nào khác là thay đổi từ gốc, định hình lại các ngành nghề chủ lực. Bên cạnh đó, cần sự hỗ trợ từ vai trò của cơ quan nhà nước trong giám sát thương mại, không để VN trở thành nạn nhân của một cuộc thương chiến mới.
Th.S Huỳnh Phước Nghĩa 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.