Thay đổi thói quen, nhịp sống
Gần hết 1 tuần cao điểm chống dịch Covid-19, nhiều người dân sống tại TP.HCM vẫn chưa quen được vẻ yên ắng lạ thường của thành phố sôi động nhất cả nước.
“Lệnh” tạm ngưng các hoạt động vui chơi giải trí, nhà hàng, quán ăn... tụ tập đông người ban hành tới nay được 3 ngày, là 3 ngày toàn bộ nhịp sống, thói quen mà đôi khi đã trở thành văn hóa đặc trưng của người Sài Gòn, bị đảo lộn hoàn toàn. Chúng ta vẫn bắt gặp hình ảnh la cà đọc báo, “tám chuyện” từ sáng sớm bên ly cà phê tại các quán cóc vỉa hè tạo nên nét văn hóa đặc trưng của người Sài Gòn bao đời nay.
Ung dung lật từng trang báo xem tin tức, thỉnh thoảng nhấp ngụm cà phê đen, người Sài Gòn uống cà phê xong, rót nước trà vào uống tiếp. Quanh ly cà phê lề đường, người ta lắng nghe và cảm nhận rõ nhịp sống sôi động từng giây của thành phố mang tên Bác. Người Sài Gòn ngồi cà phê từ sáng sớm nên cũng hình thành thói quen ăn sáng ngoài hàng. Tờ mờ sáng, những quán phở, hủ tiếu bình dân, những gánh canh bún, bún riêu lề đường đã nghi ngút khói, tấp nập khách lui tới. Một tô phở, tô hủ tiếu, đĩa cơm tấm hay ổ bánh mì kèm ly cà phê… là thực đơn ăn sáng quen thuộc của hầu hết người dân ở đây. Người giàu thì vào quán sang, tô bún bò có khi lên tới 100.000 - 200.000 đồng, người nghèo 25.000 - 30.000 cũng có thể thưởng thức tô bún bò vị Huế đặc trưng. Sài Gòn bao dung, có lẽ bắt nguồn từ những điều nhỏ nhặt đó.
|
Thế nhưng, mấy ngày qua, thói quen cà phê, ăn sáng ngoài đường của người dân thành phố đã thay đổi vì dịch Covid-19. Hơn 9 giờ sáng, quán cà phê vỉa hè trên đường Hoàng Diệu (Q.4) vắng tanh. Là “tụ điểm” của nhiều cư dân chung cư H1 (Q.4), tài xế, người dân sống trong khu vực này, thường ngày, quán không trống bàn nào. Nay, chỉ lác đác 1 - 2 người ngồi đọc báo, một số khách hàng quen tới mua ly cà phê bỏ bịch rồi đi luôn. Xe hủ tiếu quen thuộc chuyên bưng sang cho khách uống cà phê cũng không thấy bày hàng.
Ở Sài Gòn, cứ cạnh quán cà phê thì có thêm vài “dịch vụ” ăn theo và ngược lại. Cứ cạnh quán phở, mặc định sẽ có một vài hàng nước, sinh tố... Họ dựa vào nhau, đi theo tháng ngày. Thế nên, cà phê ế thì quán ăn ế theo. Người dân Sài Gòn đang trong những ngày “sống chậm”, tạm gác mọi thói quen, sở thích để cùng cả nước chống dịch.
Là một “tín đồ” ẩm thực, anh Triệu Nguyên (Q.4) có trong tay một danh sách các quán ăn sáng. Hủ tiếu mì ở đâu sợi dai, thịt mềm, nước ngọt mà trong vắt; phở bò chỗ nào đi từ xa đã ngửi thấy mùi thơm của nước lèo... anh đều nắm rõ và luôn có tâm thế thưởng thức bữa sáng. Anh Nguyên thậm chí không ngại chạy xe từ Q.4 sang tận Kỳ Đồng (Q.3) để “làm” một tô bún ốc chuẩn vị Bắc. Thế nhưng, gần 1 tuần nay, anh Nguyên tuyệt đối không ăn ở ngoài. “Tôi đọc báo thấy các chuyên gia y tế nói chén, đũa, đồ ăn bên ngoài cũng có thể là trung gian lây nhiễm vi rút. Quan trọng hơn, dịch bệnh đang phức tạp, Chính phủ đã kêu gọi người dân ở nhà. Thế nên trong 2 tuần quyết định này, tôi không ra ngoài ăn sáng nữa”, anh Nguyên cười, chỉ vào túi đồ lỉnh kỉnh mì gói, phở hộp, bún ăn liền mà anh chuẩn bị sẵn cho những ngày “cai” ăn hàng.
Ngõ nhỏ, phố nhỏ...
Nhịp sống sôi động của TP.HCM còn thể hiện rất rõ qua hình ảnh đông đúc cả ngày ở các khu chợ dân sinh. Người Sài Gòn không đặt nặng việc đi chợ sớm mới mua được đồ tươi ngon nên chợ Sài Gòn giờ nào cũng nhộn nhịp người xe. Thế nhưng từ khi dịch bệnh bùng phát, nhiều khu chợ dân sinh vắng hẳn. Hưởng ứng lời kêu gọi ở nhà trong giai đoạn quyết định thành bại của công tác chống dịch Covid-19, các bà nội trợ giờ tranh thủ mua đồ ăn sớm rồi về ngay, không còn nán lại ngó nghiêng, chuyện trò như thường khi.
Mọi thói quen tạm dừng, người dân hạn chế tối đa ra đường, lượng phương tiện di chuyển giảm quá nửa so với thường ngày khiến Sài Gòn những ngày này yên ắng hẳn. Khắp mọi con đường, thường ngày ồn ã ô tô, xe máy, xe buýt chen nhau bóp còi inh ỏi, nay vắng lặng. Chỉ còn màu xanh yên bình của những hàng cây cổ thụ hai bên đường!
Rảo một vòng quanh khu vực trung tâm, chỉ trong những ngày này, nhiều người mới nhận ra TP.HCM có rất nhiều tuyến đường cây xanh rợp bóng. Không chỉ Trương Định, Huyền Trân Công Chúa hay Nguyễn Du, Nam Kỳ Khởi Nghĩa… ngay cả những tuyến đường khu trung tâm như Đồng Khởi, Thi Sách… thường ngày chỉ thấy đông đúc người xe ngột ngạt trong cái nắng chói chang, nay cũng “lộ” rõ 2 hàng cây thẳng tắp vươn cao, lá xum xuê "chụm đầu" vào nhau chạy dài từ đầu đến cuối đường. Chỉ đến khi dừng lại một chút, thoát khỏi những áp lực và nhịp sống hối hả thường nhật, người ta mới để ý thấy Sài Gòn cũng có những con đường trải đầy lá rụng giữa trung tâm thành phố, lãng mạn như đường Hà Nội vào thu. Là trung tâm kinh tế của cả nước, TP.HCM bao năm qua luôn giữ nhịp sống sôi động, ồn ã, náo nhiệt.
“Thành phố không ngủ”, “Thành phố năng động”... cũng chính là thương hiệu mà ngành du lịch thành phố muốn giới thiệu đến bạn bè quốc tế. Bởi vậy, ngay cả những góc phố, con hẻm cũng rộn ràng tiếng người, tiếng xe từ mờ sáng tới đêm khuya. Thế nhưng, khi mọi hoạt động vui chơi giải trí tạm ngưng lại, khi nhà nhà "cửa đóng then cài", những con hẻm nhỏ mới được bộc lộ vẻ đẹp bình yên vốn có bị che lấp bởi nhịp sống hối hả thường nhật.
Sống chậm để khám phá
Cũng nhờ những ngày “sống chậm” này, chúng tôi mới có dịp khám phá nhiều điểm “check-in” tuyệt vời cho các “tín đồ sống ảo” nằm ngay trong những con hẻm tại trung tâm thành phố. Hẻm 41 Phạm Ngọc Thạch (Q.3) gây ấn tượng mạnh bởi vẻ sinh động khi được trang trí những hình vẽ đen trắng ngẫu hứng nổi bật trên bức tường sơn trắng trông khá cũ kỹ. Từ chỗ sinh động, con hẻm này trở nên yên bình hơn nhiều khi vắng bóng xe qua lại, vắng bóng người tới tham quan, chụp hình. Gần đó, con hẻm số 35 là tụ điểm của các “cơ thủ” thường xuyên lui tới một CLB billiards. Ngoài ra, loạt hàng quán nổi tiếng phía trong giúp con hẻm này luôn nhộn nhịp, ồn ã.
Mấy ngày này hàng quán đóng cửa, CLB billiards cũng tạm dừng hoạt động, hẻm 35 chỉ còn lại cây xanh chen hoa vàng khiến nhiều người liên tưởng ngay đến câu hát: “Nhà em có hoa vàng trước ngõ. Tường thật là cao, có dây leo kín rào..." nhẹ nhàng, thơ mộng. Bức tường vàng với logo Ông Bầu tại hẻm nhỏ bên hông quán cà phê Ông Bầu (đường Hoàng Diệu, Q.4) mới khai trương ngày 19.2 vừa qua là bước khởi đầu cho ý tưởng biến ngõ nhỏ bên hông quán thành ngõ bích họa để khách vừa uống cà phê vừa có thể thưởng lãm mà ông Trần Thanh Hải (Chủ tịch Công ty Nutifood, công ty giữ cổ phần lớn nhất trong thương hiệu cà phê Ông Bầu) đang ấp ủ. Mùa dịch, quán vắng, chỉ còn một vài khách ngồi ghế dài ngoài trời, tựa lưng vào tường, ngắm tranh bích họa và cảm nhận không gian yên tĩnh hiếm hoi của Sài Gòn mùa dịch.
Người dân chung tay làm đúng theo khẩu hiệu “ai ở đâu ở yên đó”, “ở nhà là yêu nước”... con hẻm hun hút như kéo dài thêm hàng trăm mét vì vắng bóng xe cộ qua lại.
Dịch Covid-19 bùng phát và đang bước vào giai đoạn quyết định. Hầu hết người dân Sài Gòn đều hưởng ứng và chấp hành lời kêu gọi “sống chậm” để chung tay cùng chính quyền phòng chống dịch. Và không ít người nhận ra, chỉ khi mình “sống chậm”, mọi người cùng “sống chậm”, thành phố “sống chậm” thì Sài Gòn lại mang một sắc thái mới, đẹp bình yên đến lạ.
Bình luận (0)